Đàn ông trang điểm để… thành công?

19/05/2013 - 06:30

PNO - PNCN - Năm 2008, Jean Paul Gaultier táo bạo đưa ra thị trường dòng sản phẩm trang điểm cho nam giới, câu trả lời không khả quan, họ phải dừng lại vào năm 2010. Ở các nước phương Tây, đàn ông “trang điểm” được xem như “đồ giả”...

Hàn Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về sản phẩm chăm sóc da cho nam giới, với tỷ lệ tăng doanh số 10% trong năm 2012. Theo nghiên cứu thị trường của công ty Euromonitor International có trụ sở tại London, năm 2011, đàn ông Hàn Quốc tiêu xài 495,5 triệu USD vào việc chăm sóc da, chiếm gần 21% doanh số của các sản phẩm này trên toàn cầu.

Dan ong trang diem de… thanh cong?

Korean Air huấn luyện cho nam tiếp viên nghệ thuật trang điểm (ảnh: Internet)

Hãng mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc Amorepacific Corporation có 17 thương hiệu cho nam giới. Yeti Gong, giám đốc marketing của Amorepacific Corporation nhận định: “Thị trường mỹ phẩm cho nam giới trong nước có tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm. Thị trường châu Á cũng sắp đạt mức tăng trưởng tương tự thị trường nội địa”. Kim Jae-young, khách hàng thân thiết của một thương hiệu mỹ phẩm cho nam giới kể: “Những người bạn nam của tôi sử dụng bốn hoặc năm sản phẩm chăm sóc da hàng ngày. Một số còn dùng bút kẻ viền mắt và mascara. Khuynh hướng tiêu dùng đàn ông quan tâm và ưu tiên cho mỹ phẩm đang gia tăng”.

Lim Jung-shik, một chuyên viên của Amorepacific Corporation ước tính, hiện có khoảng 20% ​​nam thanh niên thường xuyên sử dụng lớp trang điểm nền cho khuôn mặt. Trên trang mạng xã hội của một “người Mỹ ở Seoul” cũng nhận xét: “Khi tôi còn dạy học ở Seoul, các sinh viên nam nói với tôi rằng, chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tìm việc, họ sẽ thoa kem BB, giúp làn da của họ đẹp và mềm mại hơn”.

Trong lúc người ta cho rằng, chuyện làm đẹp vốn là trò “đua đòi” của thanh niên ở độ tuổi 20, thì các nghiên cứu thị trường cho thấy, khách hàng “sộp” nhất lại là lớp doanh nhân trung niên đang cố gắng che giấu sức tàn phá của tuổi tác, thuốc lá, stress. Thực tế này buộc người ta phải nhìn nhận khác về xu hướng quan tâm đến làm đẹp của đàn ông Hàn Quốc. Ông Roald Maliangkay, trưởng nhóm nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học quốc gia Úc đánh giá: “Vẻ đẹp nhờ trang điểm của đàn ông được cho là “dấu hiệu của sự thành công về mặt xã hội”.

Dan ong trang diem de… thanh cong?

Nam giới đã chịu tốn tiền cho mỹ phẩm (ảnh: Internet)

Xã hội Hàn Quốc chịu áp lực cạnh tranh sâu sắc, đất nước này có số giờ làm việc nhiều nhất trong các nước phát triển. Tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp cao gấp hai lần mức thất nghiệp trung bình của quốc gia. Đàn ông Hàn Quốc chịu khó trang điểm, cái chính là muốn gây ấn tượng ưa nhìn - trông gọn gàng, sắc nét hơn.

Không ít phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy dễ chịu về sự thay đổi này, như Kim Ae-kyung (35 tuổi), nhân viên văn phòng cho biết: “Khi anh ấy cũng trang điểm, chúng tôi có thêm điểm chung để chia sẻ với nhau”. Tuy nhiên, họ cũng phân định rạch ròi ranh giới giữa biết chăm sóc bản thân với sự quá lố. Tại một trung tâm mua sắm ở Seoul, phóng viên BBC đã phỏng vấn nhanh một số phụ nữ trước thực trạng nam giới Hàn Quốc quen thuộc với việc chăm sóc da, trang điểm. Một chị nói: “Tôi cảm thấy đó là điều tốt, theo chiều hướng đàn ông chăm chút cho mình để trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng tôi không mặn mà với những người trang điểm thái quá như lúc họ dùng bút kẻ viền mắt hay son môi”. Chị khác tán đồng ý kiến này: “Đàn ông quan tâm làm đẹp cũng tốt. Nếu không xuất hiện trên truyền hình, có lẽ họ không nên lạm dụng trang điểm mắt”.

VĨNH LINH 
(tổng hợp theo BBC, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI