Đàn ông tỏ tình

24/12/2016 - 06:30

PNO - Đàn ông ào ào, “tán tỉnh lung tung” thì giỏi, nhưng gặp đúng đối tượng, thường “cứng họng”. May thay, phụ nữ vốn có… siêu giác quan nên anh nào đã yêu thì cũng có… vợ!

Chủ yếu bằng lời của... Mắt

Kiến trúc sư Đặng Hùng, Giám đốc Công ty thực phẩm Hải Sương, từ hồi cấp II thích một bạn gái học cùng lớp, mà lần nào đạp xe ngang nhà cô bạn, thấy bóng người là tăng tốc như bị ma đuổi. Đến năm thứ ba đại học, Hùng mới có bạn gái cùng uống cà phê, coi phim… nhưng cũng chưa dám “phát biểu”. Sau khi ra trường, bạn gái về quê làm việc, mỗi lần đến thăm cô ấy Hùng đều rủ thêm thằng bạn “để đỡ run khi gặp gia đình cổ”. Rồi nghe tin cổ đi lấy chồng, chứ con gái có thì, Hùng tiếc.

Hùng làm việc hăng hái để quên tình cũ. Rồi “đùng đùng” phát thiệp mời bạn bè đi đám cưới. Cô dâu xinh tươi, chú rể lịch lãm. Chuyện là có một đồng nghiệp đàn anh quý Hùng, hay mời Hùng đi ăn, cà phê. Lần nào, anh ấy cũng kể chuyện về ái nữ của mì nh. Dần dần Hùng biết rõ tính nết, sở thích, đặc điểm của cô gái, hình dung ra cô ấy lúc làm bánh, khi nấu ăn, đi chợ…

Một hôm trời mưa, có chút men rượu, anh đồng nghiệp nửa đùa, nửa thật hỏi Hùng: “Mày mà làm con rể tao, thì hay biết mấy”. Tự nhiên Hùng thấy vui khi biết cô gái chưa có ý trung nhân. Vậy là Hùng nghiêm túc tỏ tình với… ông bố vợ tương lai. Ông gật đầu, vậy là Hùng đến nhà cô gái thường xuyên hơn, cuối cùng cũng lắp bắp mở miệng: “Anh yêu em”.

Ngọc Trang, nhân viên siêu thị Co.opmart, cứ nhớ mãi ngày đầu tiên anh bạn trai đến nhà chơi. Cả hai đều đã ngoài 30, quen nhau qua bạn bè giới thiệu. Anh áo quần bảnh bao, cô áo váy điệu đà. Trà nóng rót ra, đĩa bánh vơi, cô chờ, chẳng thấy anh nói gì. Bỗng thấy mắ t anh hấp háy, reo lên: “A, con thằn lằn kìa, đó đó”. Cô phá lên cười, cảm ơn con thằn lằn, nhờ nó mà hai người có chuyện để… tám. Và thế là sau đó, họ cưới nhau.

Nguyễn Anh Tú, kỹ sư Công ty xây dựng Quang Phúc, tỏ tình với người con gái anh yêu bằng ngôn ngữ… cơ thể. Nói cách khác, anh yêu người ấy trên sàn nhảy, tỏ tình cũng tại sàn nhảy. Những “đụng chạm” thân mật thay lời muốn nói rất hiệu quả. Khi cô ấy có bầu, họ làm đám cưới luôn mà chưa kịp nói tiếng “Anh yêu em”. Tú cho biết: “Cần gì nói, nhìn vào mắt là biết hai đứa muốn sống bên nhau suốt đời”.

Nhạc sĩ Phạm Tùng “khai báo” cụ thể và chi tiết hơn: “Tôi nào có biết tỏ tình đâu, gặp cô nào xinh xinh, chỉ dám dòm rồi biến mất. Thích ai cũng để trong bụng, vì lúc đó tôi công tác trong ngành công an, muốn tiến tới với ai, phải xem lý lịch. Đến khi gặp em gái của một đồng nghiệp, tôi yên tâm tìm cách làm quen. Có dám “tán” cổ đâu, toàn đi chơi chung với cả nhà.

Tôi đầu tư một cái máy ảnh để có cơ hội chụp hình và ngắm cô ấy, đàn hát cho cô ấy nghe. Sau một thời gian quen thân, một lần bạo gan, tôi hôn nhẹ lên má cổ. Một mùi thơm nhè nhẹ, dìu dịu mà ngọt ngọt, hồn tôi cứ lâng lâng đâu đó. Ôi, mùi con gái mới tuyệt làm sao! Riết rồi đâm ghiền. Cứ mỗi lần gặp là tôi tranh thủ…”.

Và bằng... hành động

Khi đã chung sống một nhà, hoạt động “tỏ tình” còn diễn ra không? Có còn nói “anh yêu em” không? Anh Phạm Tùng thú nhận: “Ít lắm, mỗi lần tôi nói ba chữ đó là bà xã cười. Cả hai cùng cảm thấy sao sao đó”. Vì thế, anh Tùng sáng tác bài hát, câu thơ… thay cho lời tỏ tình vì bà xã đọc biết chắc là “viết cho bả”. Anh Tùng đưa ra ví dụ bài Nghiêng nghiêng bờ vai, có đoạn: "Đôi bờ vai anh gầy có vừa cho em tựa đầu. Vai ơi đừng nghiêng nhé giấc mơ em chưa đầy. Đôi bờ vai anh gầy tóc mềm em vương sợi dài...".

Dan ong to tinh
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tùng

Đến bây giờ, vợ chồng anh đi đâu nghe tiếng chuông nhà thờ đổ lại cảm thấy xao xuyến bồi hồi, nhớ lại lần đầu họ hôn nhau, bởi lúc diễn ra thời khắc thiêng liêng đó, có tiếng chuông nhà thờ... chứng giám. Anh vẫn say mê chụp hình cho bà xã, tay nghề ngày càng cao. Bà xã của anh rất hài lòng.

Anh Hùng, mải mê công việc, ba năm rồi, vẫn hát bài Anh còn nợ em tuần trăng mật. Nhưng bà xã anh... xí xóa, miễn anh hứa bớt nhậu, về nhà sớm, và đừng “đứng ngồi với ai”.

Anh Tú thì “lâu lâu vợ chồng lại đi khiêu vũ”, dìu nhau trong điệu nhạc du dương. Vợ “sai bảo” gì làm nấy, nhất là đón con không được quên, không được chậm trễ.

Các anh đều có chung phương án “hành động” thay cho lời nói, nhất là những hành động chứng tỏ “gia đình là trên hết”, là lời tỏ tình chất lượng nhất.

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI