PNO - Bình sinh đàn ông yêu tiền, yêu quyền đôi khi bị tai tiếng và hệ lụy. Song đàn ông yêu hoa rất hay được chị em nâng niu trân trọng. Bởi thế, mỗi khi vào dịp trời cao đất dày bày đặt ngày Tình nhân hay ngày mùng Tám tháng Ba, đàn ông lại tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm hớt hải tặng hoa, nếu rộng rãi thì sẽ hụt một khoản chắt chiu bữa sáng. Dẫu người được tặng chưa chắc giữ hoa quá khắc giờ, những người đàn ông tuyệt đối tự tin chọn đúng hoa đúng người vẫn vui vẻ ngồi đếm like, mặc ngoài kia chị lao công đang oằn mình chất hoa lên thùng rác...
LTS: Cách đây hơn một trăm năm, học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) bắt đầu đăng những bài đầu tiên cho mục “Nhời đàn bà” trên Đăng Cổ tùng báo. Lời phi lộ của ông nói rằng, muốn dùng “tiếng thỏ thẻ”, “câu cú nhẹ nhàng”, “nhời nói ngọt ngào” để luận bàn muôn chuyện nhỏ to với cánh đàn ông “rắn rỏi”, lắm lý sự.
“Nhời đàn bà” kéo dài sang Đông Dương tạp chí, Nước Nam mới (L’Annam nouveau) và có thể coi là tiếng nói quan trọng làm thay đổi nhận thức xã hội về phụ nữ, nữ quyền. Nay bổn báo Phụ Nữ chúng tôi, tuy biết sức mình kém cỏi, lại ngặt vì trí nghĩ không bằng người xưa, nhưng tấc lòng lại muốn tiếp nối mục này, trước để nói chuyện sống vui sống khỏe, sau khơi gợi dăm ba tâm tư đặng cho tất cả liền anh liền chị hôm nay cùng tỏ bày.
Thứ Sáu hằng tuần, bổn báo sẽ có bài Nhời-đàn-bà, phần nhiều do nữ nhi quần hồng thời @ chấp bút. Nếu được hưởng ứng thì ví ăn sâm nhung quế phụ cũng không khoái thú cho bằng!
Từ xa xưa, phàm đàn ông tu mi quân tử thì cứ theo công thức khét tiếng “tu, tề, trị, bình” mà hằng tâm hằng chí phấn đấu. Cao thì công danh ngất ngưởng bổng lộc đầy mình, thấp cũng làm ông đồ làng tuy túng thiếu thường xuyên vì vợ con líu ríu, nhưng vẫn được tiếng thanh sạch giáo hóa chữ nghĩa thánh hiền.
Cả cuộc đời cứ dằng dặc hết tiến quan đến hoàn dân ấy, khiến đàn ông chẳng mấy khi thảnh thơi để tâm rửa bát quét nhà, trồng rau trên sân thượng, hay giản dị là cùng thê tử ngắm một bông hồng vừa nở trước ban-công như các đức lang quân đáng kính bây giờ.
Họ cũng yêu, si mê nhiều thứ, nhưng đa phần là sao chép na ná nhau, hết cung kiếm tang bồng thì đột ngột đầu tư mấy khóa ngắn hạn đàn ca (cầm kỳ) vẽ viết (thi họa) lăng nhăng, và hầu hết từ trung niên bụng nhão trở đi thì hư hỏng si mê tửu sắc.
Quý ông Lý Bạch diện mạo không bằng tài tử Hàn vai chính Hạ cánh nơi anh, nhưng lưu danh thiên cổ nhờ tài thơ phi phàm và cả thói yêu rượu ở mức thượng thặng. Nghe nói vào một đêm trăng thanh gió mát, sau mấy canh giờ rượu uống mềm môi, nồng độ cồn vượt quá ngàn lần cho phép, Lý Bạch ngất ngưởng lao xuống dòng Trường Giang để bắt trăng!
Người đời sau cứ tụng ca cái chết đẹp đẽ hiếm có như thế, nhưng cánh đàn ông thành đạt hôm nay thì tỉnh táo biết rằng: quá chén cộng thêm màn gào thét karaoke thì dễ quá chân ga lao xuống kênh, chẳng bắt được gì ngoài bùn lầy nước đọng.
Ấy nhưng thi thoảng cũng có những vị quân tử lặng lẽ yêu hoa là thứ vào loại lành mạnh nhất so với trà, rượu, cờ bạc. Chẳng biết nhà cửa rộng hẹp thế nào, nhưng vào lúc trí sĩ ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi rất thành thực kể lể mình yêu hoa đến độ nhìn thấy cánh hoa tàn rơi trên mặt đất mà không nỡ quét: “Viện có hoa tàn chăng quét đất/ Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo”.
Là nhà nho chính hiệu ưu thời mẫn thế, nhưng Nguyễn Trãi rất mực duy mỹ, thâm tình sâu nặng với cả thiên nhiên nguyên sơ bình dị. Không như các doanh nhân nhà lầu biệt phủ đua nhau chơi hoa kiểng tiền tỷ, Nguyễn Trãi chỉ dám ngắm nghía mấy loài hoa thôn dã đầu đường cuối bãi, nào hoa xoan (“Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”), hoa lựu (“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”), hoa sen (“Hồng liên trì đã tịn mùi hương”), hoa hòe (“Lại có hòe hoa chen bóng lục”), thậm chí là hoa mùng tơi (“Vun đất ải, rãnh mùng tơi”)...
Minh họa: Họa sĩ Hải Kiên
Thực tình thì yêu mấy loài hoa khiêm nhường hương sắc đó cũng đỡ tốn tiền, luôn có sẵn mà không phải tranh cướp với ai, lại hợp ý thư nhàn không màng phú quý. Truyền thống ấy về sau cũng có người nối bước, không chỉ vì điều kiện kinh tế có hạn, mà vì phận đời đôi khi long đong, dở dang, nên cứ thấy hoa hèn cỏ mọn là hóa thân vào.
Nguyễn Bính vừa ngắm hoa xoan (“Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”) lại vừa nghĩ mình là hoa cỏ may (“Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em”), nên khi thốt lời vàng ngọc với mỹ nhân hàng tỉnh thì không phải gồng mình chọn hoa hồng Đà Lạt, lavender Pháp, mà chỉ chắc nịch mỗi loài “hoa chanh nở giữa vườn chanh”, loài cây giai phố thị quen nhậu thường biết đến lá.
Ấy nhưng giai phố thị lãng mạn lại biết uyển chuyển yêu hoa để vừa lòng người đẹp (“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc”), không như đám giai làng ngày xưa bị phụ tình thì nóng tính đòi quà (“Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm cho anh”).
Dẫu thế nào thì những loài hoa không xém túi tiền cọc cạch của mày râu thi sĩ vẫn hay được truyền tụng hơn cả, nên ngày nay cánh thanh niên bồng bột học đòi làm thơ thường ngâm nga vài câu an ủi kinh điển “Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó/ Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi” trong lúc nhắn tin vội vã với một bóng hồng vừa quen trên mạng.
Đàn ông thực lòng yêu hoa hay không chẳng dám chắc. Nhưng cứ nhìn vào mạng xã hội bây giờ, cứ mười liền anh thể nào cũng có một anh “seo phì” với hoa bất kể ngày tháng. Những quý ông sắp sửa thay bà bế cháu thì khoe từ mai tứ quý sang lan phi điệp, hôm trước hoa loa kèn hôm sau đã thủ thỉ độc ẩm bên chậu quất cảnh quá cỡ.
Đàn ông xông pha thương trường ở đâu không biết, nhưng ngày tết mà không chen lấn được cánh đào rừng thì mươi phần ngậm ngùi, bẽ mặt với hàng xóm cơ bụng sáu múi lại có gốc đào thế án ngữ phòng khách che mặt cả tượng Quan Công cầm đao nghiêm nghị. Tân lang cưới vợ kết hoa từ ngoài ngõ vào đến đầu giường, thập cổ lai hy cụ ông tạ thế hoa chồng kín mộ.
Các gentleman bết bát nhất trong thái độ yêu hoa cũng phải thường trực tươi cười làm diễn viên quần chúng cho chị em chụp ảnh với hoa mà bất luận nắng mưa. Chụp ảnh với hoa đã là thánh chỉ miễn bàn của chị em hôm nay vậy.
Bình sinh đàn ông yêu tiền, yêu quyền đôi khi bị tai tiếng và hệ lụy. Song đàn ông yêu hoa rất hay được chị em nâng niu trân trọng. Bởi thế, mỗi khi vào dịp trời cao đất dày bày đặt ngày Tình nhân hay ngày mùng Tám tháng Ba, đàn ông lại tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm hớt hải tặng hoa, nếu rộng rãi thì sẽ hụt một khoản chắt chiu bữa sáng.
Mặt trận tặng hoa không chấp nhận những anh hùng hái hoa bưởi hay hoa cau rồi gãi đầu chẳng nói. Dẫu người được tặng chưa chắc giữ hoa quá khắc giờ, những đàn ông tuyệt đối tự tin chọn đúng hoa đúng người vẫn vui vẻ ngồi đếm like, mặc ngoài kia chị lao công đang oằn mình chất hoa lên thùng rác…
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.