Đàn ông tẩu thoát

15/05/2020 - 12:20

PNO - Những vụ tẩu thoát mà tính chất bất ngờ, ly kỳ, tài ba, nhanh lẹ, an toàn đã trở thành cảm hứng và là đặc sản của vô số phim Hollywood.

Nhân vật chính của tẩu thoát thường là nam tù nhân bặm trợn, bất kể bị bắt vào tù vì tội gì, đều được giới thầy quản đánh giá là cực kỳ nguy hiểm, biệt giam chuồng sắt. Phòng giam cũng đa dạng, nếu cổ điển thì tường bê tông dày ba tấc, chỉ lộ ra ô cửa chuột nhắt để đút thức ăn đồ uống, nếu hiện đại thì tường kính chịu lực trong suốt, đính kèm camera theo dõi đến từng cái rung nhẹ của ria mép.

Mỗi lần giải tù nhân, giới thầy quản điều động hàng trăm binh sĩ, súng ống tầng trong lớp ngoài, nếu bằng ô tô thì phải tính đoạn nào tắc đường, đoạn nào qua hầm; nếu bằng máy bay thì phải dò sân nào hạ cánh, giờ nào trời mưa hay bão… Phạm nhân bị còng chân, còng tay, lại bịt thêm cái mũ làm bằng lưới sắt, khiến ta hình dung đến thứ dân gian gọi là "rọ mõm", tinh xảo và rắn đanh từng centimet.

So với những cuộc giải phạm nhân thời Bao Công xử án, giữa thanh thiên bạch nhật có dân chúng ùa ra xem, có Triển hộ vệ cầm kiếm dọn đường, thì cuộc lao giải loại cực kỳ nguy hiểm của Hollywood phải nói là nghẹt thở, bí mật, tốn kém gấp vạn lần. Thế mà Hollywood vẫn để quý ông phạm nhân tẩu thoát.

Bởi truyền thống bẩm sinh đề cao người hùng, Hollywood chủ yếu lựa chọn và tô vẽ cách tẩu thoát một thân một mình tự lo liệu lấy. Theo đó, phạm nhân chưa bao giờ tỏ ra run sợ xà lim chuồng cọp, luôn bình thản đón nhận mọi chế độ biệt đãi của thầy quản, rồi tự mình tìm cách thiết kế, thực thi cuộc tẩu thoát dựa trên sự kết hợp tài tình sức mạnh cơ bắp lẫn trí tuệ siêu việt của bản thân.

Ngoại trừ những trợ giúp ngẫu nhiên có thể do lực lượng an ninh dáng vẻ bụng to chân ngắn, đầu óc kém linh hoạt dễ bị mắc lừa, thì nói chung, quý ông phạm nhân luôn tẩu thoát bằng khả năng của siêu nhân mà hai ví dụ điển hình cho huyền thoại tẩu thoát này là The silence of the Lambs (1991) và The Shawshank Redemption (1995).

Lão già Hannibal Lecter trong The silence of the Lambs tẩu thoát nhẹ như bẫng, dù có trương tuần sai nha kiểm soát 24/24. Còn anh chàng Andy Dufresne trong The Shawshank Redemption thì mất nhiều thời gian hơn, chừng hai mươi năm, để không chỉ trốn thoát thành công, mà còn hợp lý hóa toàn bộ số tiền bất chính của thầy quản, tựa như tiền lương hậu hĩnh mình xứng đáng được nhận, đủ tạo dựng một cuộc sống tự do, giàu có trên bờ biển xinh đẹp. Hannibal và Dufresne, một già một trẻ, đều góp phần cải thiện hình ảnh kiếp tù tội lâu nay thường bị liệt vào hàng ít ỏi IQ, đa phần tối dạ và côn đồ.  

Những tưởng trí tưởng tượng phi phàm của Hollywood dựng lên các màn tẩu thoát điêu ngoa như thế đã là tuyệt đỉnh giới hạn. Nhưng hóa ra, nó vẫn thua xa một kịch bản tẩu thoát mới đây của ông Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đang khiến dân chúng bàng hoàng kinh ngạc. Đào mộ, giết người lấy xác thế thân, ngụy tạo đám tang của mình rồi tìm cách trốn thoát hòng trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ, có lẽ, sẽ được Hollywood đưa vào giáo trình giảng dạy biên kịch vì mức độ tinh vi, điên cuồng và ảo tưởng lạ lùng của nó.

Trong đó, thời khắc ngồi từ xa bật camera theo dõi đám tang mình mà chính người nhà nạn nhân cũng đến viếng, dẫu dùng phép tả thực hay bóng bẩy cường điệu, vẫn sẽ là màn thể hiện công phu của một kiểu tội phạm có thần kinh bất thường và lòng dạ nham hiểm khó lường.

Nhiều vụ án giết người man rợ ở Việt Nam mươi năm trở lại đây đều cho thấy hung thủ bày biện tính toán cẩn thận hòng thoát tội, song ở trường hợp “người cán bộ” này, sự quẫn trí đã đẩy anh ta đến hành động tưởng chừng ma mãnh, tinh khôn, nhưng thực chất là rất ngu dốt. Không thèm đếm xỉa đến những sơ hở thông thường nhất, anh ta, khác với vinh quang trốn thoát mà Hollywood trao cho quý ông chẳng may oan khuất vướng vòng lao lý, đã bị lực lượng chức năng tóm cổ ngay khi vừa kết thúc đám tang của mình. 

Đàn ông Việt xưa nay chỉ quen với những giai thoại mua vui kiểu như trốn thoát khỏi hàng rào mồng tơi của nhà bố vợ tương lai. Nhưng thời thế kim tiền thường nảy sinh nhiều chuyện hoang đường như chuyện ông Đỗ Văn Minh. Vấn đề không phải trí tưởng tượng đã dệt nên điều kỳ lạ mà nằm ở những góc khuất nhân tính, nơi mà cái ác, cái tăm tối có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào.  

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI