PNO - Kiểu đàn ông mà các quý anh 'vợ sợ' toàn bĩu môi chê bai nhưng lại chẳng cần đao to búa lớn gì cũng khiến các cô vợ ương bướng phải răm rắp nghe lời...
Hồi nhỏ tôi cứ nghe ba tôi nhận xét ông này “sợ vợ”, ông kia “xách váy cho đàn bà”... Tất nhiên trong đầu óc non nớt của một đứa con trai mới lớp 5, "sợ vợ" nó có gì đó nhục nhã, như ba tôi được tiếng là “vợ sợ” thì thật là anh hùng.
Đối với ba, việc bếp núc, nhà cửa là việc đàn bà. Mẹ tôi đi dạy tạt vào chợ mua đồ ăn, rồi vào bếp tất bật chuẩn bị bữa cơm, mẹ còn kiêm bán thêm hàng quán tạp hóa nên tranh thủ khách khứa xong, chạy vào bếp xem nồi cá, nhặt rau, làm chén nước chấm... Ba đi làm về chỉ việc ngồi trên bàn và đợi cơm. Thỉnh thoảng, rảnh rỗi chêm thêm vài câu khía cạnh “chắc hầm tai voi”, “hầm đá à”... Bữa cơm được dọn ra, ba góp ý món này, món kia phải làm sao cho ngon, thêm khuôn mặt của ba có vẻ không vừa ý hoặc lạnh tanh khi “dạy vợ”, mẹ con lại nhấp nhổm căng thẳng, sợ ba đá thúng đụng nia thì hết ăn.
Đối với ba việc nhà là của đàn bà. Ảnh minh họa
Khi lớn lên, tôi biết mẹ luôn mơ ước có một người chồng yêu chiều, nhẹ nhàng và chia sẻ với vợ những việc nhỏ nhặt nhất. Đồng nghiệp nữ của mẹ vốn làm việc nhà rất chậm chạp nhưng đổi lấy ông chồng lại tháo vát, vui vẻ vào bếp cùng vợ, đùa vui những sản phẩm vụng về của vợ, kỳ lưng cho vợ lúc tắm... Và những mẫu chuyện đó được mẹ kể với ba một cách đầy mơ ước ba cũng được một phần như người ta. Thế mà mẹ chưa nói hết câu, ba “xì” một tiếng rõ to rồi phán một câu khiến mẹ tụt cả hứng tâm sự “đồ đàn bà sợ vợ”. Mẹ không thay đổi được ba, mẹ ước một lần ba “sợ vợ” để cơ thể được thả lỏng.
Sau này em gái tôi lớn lên có yêu một chàng trai hiền lành, không biết uống rượu và rất sợ làm em tôi buồn. Mọi người trong gia đình tôi một mực ngăn cản vì lấy người “sợ vợ” như vậy sẽ không biết “làm chồng”, không thể là “trụ cột” được. Người đâu mà con gái nói cứ nghe lời răm rắp, người đâu mà mọi người ngồi nhậu còn mình vào bếp nấu ăn, rửa bát, lau dọn nhà cửa với bạn gái, người đâu mà đi đâu có món gì ngon cũng lỉnh kỉnh xách về cho người yêu... Chỉ có mẹ tôi là ủng hộ. Tôi biết lý do của mẹ, là đàn bà, mẹ chỉ mong muốn người chồng của mình chỉ có vậy, nhỏ nhặt thôi nhưng ba không bao giờ chịu hiểu.
Và sự thật, sau đó cuộc hôn nhân của cô em gái của tôi rất hạnh phúc. Chỉ cần vợ thở ra, anh ta xoay quanh vợ hỏi han đủ thứ chuyện, vợ tâm sự xong là hết mệt, hết thở ra. Sợ vợ buồn nên em rể luôn quan tâm bên ngoại, chăm lo cho ba mẹ vợ cũng như ba mẹ mình. Vợ với chồng cùng đi làm, về cả hai vợ chồng cùng nấu ăn, chuyện trò. Sợ vợ lười ăn, sợ vợ đói, sợ vợ lạnh... anh luôn nhắc nhở, quan tâm từ việc nhỏ nhặt nhất khiến vợ phát bực, ấy thế mà hạnh phúc. Sợ vợ thiếu thốn, em lại cố gắng làm lụng kiếm tiền...
Lúc này, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Hoàng Anh Tú “... những anh được coi là thành đạt luôn phải gắn theo "rơ moóc" vợ con. Chẳng người đàn ông nào được coi là thành đạt nếu suốt ngày bị vợ kêu ca trên Facebook”. Hạnh phúc là ở đó chứ ở đâu xa tắp xa tít mà bao người vẫn cố kiếm tìm bằng bằng lí lẽ “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.
Chia sẻ việc nhà với vợ cũng là cách để nói lời yêu thương. Ảnh minh họa
Mẹ tôi bảo mẹ sống có phước mới gặp được chàng rể chiều vợ như thế... Ánh mắt mẹ lại chợt buồn, chắc mẹ lại nghĩ đến cuộc đời đã xế chiều của mẹ. Ngoảnh đi ngoảnh lại ba mẹ đã già rồi... còn bao nhiêu năm nữa để vui, để sẻ chia... Đời còn mấy cõi mà tuổi trẻ sát phạt nhau, tại sao không yêu thương, trân trọng nhau cho đời thêm ý nghĩa?
Tuổi già kẻ đi, người ở, khi đó ngẫm lại đã quá muộn, bao giọt nước mắt, bao hối tiếc... giá như được quay trở lại để nắm tay người bạn đời của mình cùng đi bộ, được vào bếp cùng nhau chuẩn bị bữa ăn ngon, được nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt vợ khi dành cho họ những món quà bất ngờ, được nói câu yêu thương động viên vợ, nhìn nét mặt vợ vui hay buồn, lắng nghe vợ tâm sự... Chỉ thế thôi, đã bao lâu rồi bạn bỏ lỡ, lãng quên vì mãi gồng lên để làm “trụ cột”?
Cứ mỗi khi nghe tiếng cãi nhau bên hàng xóm, tôi lại nghe câu “Trong nhà này ai làm chồng hả, hay cô muốn làm chồng thì trèo lên đầu lên cổ đi”. Rồi tiếp theo đó là những cái bộp tai như trời giáng cho chừa cái thói hỗn với chồng, chồng nói cứ cãi nhem nhẻm. Mà đúng thật, từ đó về sau cô ấy im lặng, hiền từ hẳn, chồng đưa bạn vào nhà nhậu, đánh bài thâu đêm suốt sáng cũng kệ... dại mà hở miệng để ăn tát. Cuối cùng vợ đưa đơn ly hôn, hôn nhân tan vỡ, con cái đứa có cha mất mẹ, có mẹ mất cha, anh chồng hoang hoải cô đơn trong chính căn nhà của mình.
Ảnh minh họa
Ngược lại, nhìn lại bao người được dán mác “sợ vợ” thì gia đình lại hạnh phúc, con cái đề huề. Tất nhiên, vợ họ sẽ có lúc sai nhưng họ không nhân danh “chồng” để “dạy vợ bằng nắm đấm”. Tất nhiên vợ chồng họ sẽ có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt nhưng họ sẽ tự nhìn lại mình, nhẹ nhàng góp ý với vợ sửa sai. Chén bát có lúc va nhau huống hồ là vợ chồng, nhưng họ có trăm ngàn cách giải quyết, để rồi sau đó vợ phải nể phục và cảm thấy tự hào về chồng mình, chồng cũng vì thế mà giữ lấy hình tượng người chồng mẫu mực. Đôi lúc chồng sai, vợ cũng học cách đó mà giải quyết, nhẹ nhàng và thấu hiểu. Vợ chồng ngày càng hạnh phúc hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Vì vậy, đừng vội cười những anh chàng “sợ vợ”, chính sự yêu thương, tôn trọng, lòng bao dung, chính chắn của họ sẽ khiến cho bất kì cô vợ ương bướng cỡ nào cũng phải nghe lời răm rắp đấy. Đàn ông "sợ vợ" sẽ được vợ ngoan là vậy!
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.