Trà lớn lên ở miền Tây, nơi vốn quen với việc người ta có thể uống rượu từ lúc vừa mở mắt thức dậy cho tới tận sáng hôm sau. Đàn ông say sưa về lè nhè đánh vợ chửi con, rượt đuổi cả nhà, cũng là chuyện nhỏ. Đàn bà ngồi xếp bằng chén thù chén tạc với đàn ông tới bến, cũng không phải sự gì ghê gớm lắm.
Trong cái tuổi thơ dằng dặc ít niềm vui của mình, Trà vẫn mãi không quên những khuya mấy má con nơm nớp chờ cửa ba Trà. Ba đi nhậu thâu đêm, chẳng biết hôm nay say về lúc nào, liệu có chịu ngủ êm hay lại quậy rồi đánh má; có gặp bất trắc gì không. Giấc trẻ thơ chập chờn âu lo, lẫn với tiếng côn trùng rả rích của miền quê tăm tối.
Có khi, tiếng ồn ào náo loạn khiến Trà bừng tỉnh, hoảng sợ. Ba Trà vùng vẫy hăm dọa đòi đốt nhà, xé tung sách vở của con, dúi đầu má Trà vào vách mà đấm đá như kẻ thù… Nước mắt khổ sở của Trà, đứa con gái yếu đuối căm ghét bia rượu nhậu nhẹt, rơi xuống chẳng biết bao lần suốt quãng đời ấu thơ dằng dặc, luôn nung nấu ý định bỏ nhà ra đi...
Trà xong lớp mười hai, lên thành phố, cố học hành để mong kiếm việc làm tốt lẫn một tấm chồng ít nhậu. Thế nhưng, số phận trêu ngươi, chồng Trà sau này không nhậu về trễ, mà anh luôn về sớm lắm. Sớm mai. Tức là qua ngày mới một vài tiếng rồi, mới thấy anh lọ mọ đẩy xe lên bậc thềm, “bò” vào nhà, có hôm lăn ra ói hoặc ngủ luôn ngay cửa ra vào, kệ hết mọi sự trên đời.
Chồng Trà có cái tật ham vui. Đã uống vô chút đỉnh là quên tất cả dặn dò lẫn hứa hẹn, sẵn sàng chèo kéo khích bác lẫn nhau. Thời gian, gia đình, sức khỏe, con cái, cha mẹ… đều thành thứ yếu. Trà vẫn tin rằng, anh vốn không phải người xấu hoặc vô trách nhiệm.
Chính rượu bia nhậu nhẹt đã khiến cho cuộc hôn nhân lẽ ra phải hạnh phúc của Trà chết yểu đấy thôi. Lúc mới quen nhau, anh không bê tha tới mức ấy. Rồi cũng vì bị mấy thứ rượu bia kia dẫn lối mà cuộc sống gia đình Trà ngày càng bế tắc. Trà quen dần tới mức ngán ngẩm những hôm khó ngủ, trở mình quần quật trên giường, không còn mong ngóng hay muộn phiền gì.
|
Ảnh minh họa |
Hay lòng người ta, cũng chỉ có thể chịu đựng nỗi buồn tới một mức độ nào đó thôi, chứ chẳng thể dồn nén hơn nữa… Muốn dứt dạt một con đường khác, tỉnh táo hơn, lại lần chần vì tội hai đứa trẻ phải thiếu cha thiếu mẹ. Trà nghĩ mà thương má, hiểu là vì đâu má đã cố cắn răng chịu đựng từng ấy năm ròng rã…
Công việc của Trà, cũng như một sự thử thách của số phận, rất hay phải xã giao tiếp khách trên bàn tiệc. Có những ông sếp đạo mạo, lịch lãm ở văn phòng, chỉ cần ngà ngà say thôi là đã như một người khác hẳn. Ngả ngớn, nham nhở, thú tính. Có những người đàn ông giỏi giang, nhẹ nhàng, đàng hoàng từng khiến Trà ngưỡng mộ quý mến, cũng vì cái thứ nước ma quỷ kia mà đánh mất hình ảnh chỉn chu của mình.
Có những người phụ nữ coi khả năng uống bia rượu là cách để thể hiện bản lĩnh. Trà ngày càng cay đắng nhận ra, ước mong một xã hội khác đi, coi rượu bia chỉ là phương tiện “cho vui” là chẳng thể. Tỏ thái độ không đồng ý với việc bị ép uống, vì phải cụng ly, vì thế này thế nọ, là cá biệt, là bất thường, là không biết điều, là “chảnh”, là đừng mong thăng tiến ưu ái các kiểu.
Đô mạnh chính là một lợi thế khó chối cãi. Người ta sẵn lòng bỏ rất nhiều thời gian để kề cà, bắt bẻ nhau, nói tới nói lui những chuyện tầm phào. Trà đi công tác, nghe đơn vị kể chuyện kiểm toán nhà nước về tỉnh, chuẩn bị sẵn can rượu hai mươi lít, cho mỗi một yếu nhân duy nhất, vậy mà chỉ một tuần đã phải điều xe đi lấy thêm can nữa, mới đáp ứng được tửu lượng của họ.
Chủ nhà phải ra công văn để phân công nhau tiếp khách. Vừa thay ca về nhà, ngả lưng xuống, đã thấy khách gọi, kêu ra “đày” nhau tiếp. Câu chuyện ấy được kể lại như sự lạ hiếm gặp.
Thế nhưng, cuối buổi, cũng chính những người của tỉnh đó một hai nặng nhẹ giữ chân bắt Trà phải uống thêm, thêm nữa, thêm mãi, mới cho Trà kiếu từ ra về. Nỗi tức giận phải cố nén vì cả nể, vì chén cơm manh áo khiến cho Trà tủi hổ muốn bật khóc sau khi được thoát nạn khỏi bàn nhậu được bày biện chờ sẵn từ cuối giờ chiều...
Đường về lại thành phố xa ngai ngái, mịt mùng, trễ tràng, nóng ruột. Xe qua cao tốc, Trà bấm số gọi cho chồng nhiều lần không được, đành gọi cho con gái. Nghe tiếng con rấm rứt trên điện thoại, là Trà hiểu ngay. Hóa ra, anh dặn con không được báo với mẹ là ba chưa về. Rồi chơi động tác giả với vợ, để Trà nghĩ rằng, từ chập tối tới giờ, ba cha con đang yên ấm trong phòng khách, học bài, đọc sách, chơi cờ.
Những âm thanh rền rĩ vô vị của tiếng chuông điện thoại không hồi đáp kia đủ để Trà hiểu rằng, anh lại đang chén chú chén anh ở đâu đó, bên những người anh em nào đó của anh, mặc kệ vợ đi công tác, con anh thui thủi một mình trong căn nhà rộng vắng, đối diện với bao nỗi sợ hãi. Như tuổi thơ Trà đã từng…
Trà bỗng muốn nhắn cho chồng một cái tin. Rằng, những người bạn bè đồng nghiệp của anh, nếu đã biết vợ anh vắng nhà, con anh đang cần cha, mà họ vẫn bắt ép anh phải ở lại nhậu nhẹt, thì họ có phải là đàn ông, có còn là con người không? Hay bởi anh cũng đang coi việc tụ tập nhậu nhẹt là lẽ sống của đời mình mất rồi?
Nhưng rồi Trà bỏ ý định đó. Trà hình dung ra cảnh giữa khuya, xe thả mình ở điểm đến vắng vẻ trước siêu thị đã đóng cửa, mà chẳng có ai là người thân còn đủ tỉnh táo để chờ đón Trà. Nhưng Trà vẫn phải về, vì còn hai đứa trẻ bé bỏng tội nghiệp đang chờ. Đời Trà từ nhỏ đã khổ nhiều rồi, chẳng thể để con mình cũng đi theo lối mòn đấy được. Nhất định là không.
Hoàng My