Bắc ấm nước lên bếp rồi tranh thủ đút cơm cho các con, Thảo không kịp chải lại mái tóc rối. Hai đứa nhỏ đều khó nuôi, bữa ăn nào cũng kéo dài cả tiếng đồng hồ. Dù cố kiềm chế nhưng Thảo cứ phải quát nạt trong bữa ăn. Chồng Thảo đang xem bóng đá, nhắc chừng: “Hình như nước sôi kìa em”. Đang căng thẳng vì con, Thảo cáu: “Nước sôi thì tắt bếp giùm cái!”.
Vô tích sự nên... rảnh
Chồng Thảo giống người dưng thật. Anh không biết nơi cất giữ các đồ dùng, hở tí là gọi vợ. Anh còn có tật hay quên, hôm trước hỏi xong, vài bữa sau lại quên. Ngay cả những thứ anh cất mà vợ cũng phải nhớ giùm. Trước, anh từng học nấu ăn, nhưng bây giờ trụng tô mì gói còn không xong.
|
Chồng vô tâm, lười biếng hệt như người dưng trong nhà. Ảnh minh họa |
Khi Thảo sinh đứa thứ hai, đưa vợ vào bệnh viện, chờ lâu chưa thấy sinh, anh bỏ mặc Thảo đang đau đớn, lủi về nhà ngủ thẳng đến sáng. Đêm đó Thảo vượt cạn một mình. Nhiều lúc Thảo rất tủi thân, sống với nhau chưa bao lâu mà tình yêu đã không còn, chỉ còn cảm giác chán nản.
Bận con nhỏ, Thảo đành để sạp vải ở chợ cho chồng quản lý. Anh buôn bán thế nào mà khách hàng cũ không còn được mấy người, thu nhập gia đình giảm sút đáng kể. Ngay cả mẹ chồng cũng bất bình cho con dâu. Bà dặn nếu chồng không biết làm gì, thì Thảo phải giao cụ thể từng công việc trong nhà cho anh. Thảo đã từng thử giao việc, chồng chẳng có một chút nhiệt tình khiến cô phải thét: “Lỡ tôi bệnh nặng nằm xuống thì anh nuôi vợ con ra sao?”.
Chăm sóc gia đình không phải là trách nhiệm của riêng ai, nhất là khi cả hai vợ chồng đều ra ngoài kiếm tiền và bận rộn như nhau. Vẫn biết phụ nữ vốn vén khéo hơn, nhưng thật sự người vợ cũng chỉ có hai mươi bốn giờ trong ngày.
Người chồng thương vợ sẽ không để vợ đầu tắt mặt tối, đến mức không có thời gian chăm sóc bản thân và mất dần giao tiếp xã hội. Đàn ông, anh có cảm thấy hạnh phúc không khi trở thành một người chồng vô tích sự?
Ngoại tình cũng vì... rảnh
Chồng Hà được mẹ cưng từ nhỏ, không hề biết làm việc nhà, trong khi Hà lại là con cả trong gia đình nông thôn nên đã quen vất vả. Cô nói chồng cứ lo kiếm tiền, việc nội trợ vốn của phụ nữ, không cần nhúng tay vào. Anh không “nhúng tay vào” thật. Suốt ngày anh chỉ ôm laptop như tình nhân. Ôm gần mười giờ ở công ty chưa đã, về nhà chưa kịp tắm rửa đã ôm tiếp đến khuya, giờ ăn phải gọi năm lần bảy lượt mới chịu buông. Anh bảo công việc của anh nó vậy, biết sao được.
|
Ảnh minh họa |
Gần đây anh đưa Hà tiền chi tiêu trong nhà nhiều hơn trước. Chồng đang kiếm thêm thu nhập, Hà có cớ gì để phàn nàn? Từ đó, dù phiền muộn Hà cũng không nhắc nhở nữa. Đi làm về cơm nước, dọn dẹp, tắm cho con, dỗ con ngủ, đôi khi Hà ước giá như chồng có thể giúp cô một tay. Anh không quen việc, đụng vô thứ gì cũng lóng ngóng, Hà bèn gánh hết.
Một đêm khó ngủ, Hà trở dậy đi vệ sinh, ngang qua phòng làm việc của chồng, cô chết sững. Anh đang trong tình trạng khỏa thân. Trên màn hình là webcam của một cô gái trẻ cũng không hề có quần áo. Chồng cô có bồ từ khi nào? Không giữ được bình tĩnh, Hà xô cửa chạy vào.
Anh chồng thú nhận chỉ là cuộc tình trực tuyến, hai bên chưa gặp nhau ngoài đời. Bởi vì anh thường rảnh rỗi buổi tối nhưng không quen ngủ sớm nên… sinh sự. Hà tức điên: “Rảnh sao không phụ người ta chăm con? Đêm nào em cũng thức dậy thay tã, pha sữa mấy lần, mệt muốn chết, anh không thấy à?”. Anh chồng ngớ ra, thành thật bảo những việc này vợ giỏi hơn chồng, vợ lo mọi thứ đầy đủ hết rồi, anh đâu biết phải làm gì thêm.
“Dạy chồng” quán xuyến việc nhà
Dùng chữ “dạy chồng” nghe ghê gớm quá, nhưng đối với Ngọc thì sự thực đúng là như vậy. Ngoài tám tiếng dạy học ở trường, Ngọc còn mở hai lớp dạy kèm tại nhà vào buổi chiều và tối. Ngọc tính, như thế vừa kiếm được tiền, vừa đủ bận rộn để buộc chồng phải tham gia chăm sóc con cái, bếp núc.
Chồng cô là công chức, về nhà anh có quá nhiều thời gian rảnh. Đối với Ngọc, dù đàn ông hay đàn bà, nếu rảnh rỗi thế nào cũng sinh chuyện không hay.
Thời gian đầu hướng dẫn chồng làm việc còn cực hơn làm một mình, Ngọc vẫn kiên nhẫn. Anh không quét nhà trước khi lau nên sàn cứ lấm lem. Vào bếp, chưa biết nấu gì anh đã thích biến tấu, khổ nỗi sáng tạo ngẫu hứng của anh đôi khi phản khoa học, rốt cục đành vứt bỏ thức ăn.
Với con cái, anh thiếu kiên nhẫn, thường xuyên quát mắng bọn trẻ. Ngọc kiên trì giúp chồng, dần dần anh cũng quen việc. Vợ dạy thêm, chồng nội trợ, thời gian ở nhà của họ là lúc cùng nhau làm việc độc lập, nhưng gần gũi và hỗ trợ nhịp nhàng.
Đa số các ông chồng không biết làm việc nhà chẳng phải vì lười biếng. Họ thật sự không biết bắt đầu từ đâu, làm gì, như thế nào. Hãy như Ngọc, khéo léo kéo họ vào “cuộc chơi”, nhẹ nhàng nhờ vả, và không quên hướng dẫn tận tình. Đừng tiếc lời khen và cảm ơn khi anh ấy giúp bạn, dù chỉ là việc nhỏ nhặt.
Có chung tay giúp đỡ, người chồng mới hiểu sự vất vả của vợ. Anh sẽ cảm thông, thương vợ và gắn bó nhiều hơn với tổ ấm.
Việt Quỳnh