Một ngày phơi phới nắng mai, chúng tôi tình cờ kéo nhau vào quán ăn sang trọng và ngạc nhiên khi thấy trên tường treo đầy… thơ. Những câu thơ đại loại như: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm con gà trống sống đời tự do/ Sáng ra thì gáy ó o/ Cả ngày đạp mái không lo trả tiền”.
Tương tự, là những câu “cà chớn” không kém: “Những con gà trống hoa mơ/ Mải mê đạp mái bạc phơ cả đầu/ Bạc đầu có sá gì đâu/ Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?”. Dù đọc đến đâu là cười đến đấy nhưng thú thật, tôi không khỏi thấy choáng với “triết lý con gà trống” trong mấy câu thơ này. Nếu chỉ đọc bỡn cợt khi “chém gió”, lúc trà dư tửu hậu thì không sao, chứ ai lại giấy trắng mực đen rành rành giữa chốn công cộng thế này?
Ảnh minh họa
Nghĩ vậy hóa ra tôi là người đạo mạo, nghiêm chỉnh quá chăng? Không phải! Chỉ là lâu nay tôi vốn không đồng tình với cái lập luận cho rằng bản năng tính dục của người đàn ông chẳng khác gì con gà trống. Hơn thế, không có cơ hội thì thôi, nếu có ắt sẽ “ăn tươi nuốt sống” ngay đối tượng, thậm chí không thèm “ò, ó, o” tán tỉnh chi cho mất thời gian. Đàn ông có thực sự là giống “ăn tạp”, có là nhắm mắt “xơi” ngay, tệ hại đến thế sao?
Tùy theo tính cách, nền tảng văn hóa mà mỗi người đàn ông có cách ứng xử khác nhau trước cái đẹp, nhất là cái đẹp từ thân xác của người đàn bà. Có phải khi đã say quắc cần câu, Chí Phèo mới có thể động tình cùng người đàn bà xấu nhất làng Vũ Đại? Không! Anh ta có tỉnh táo cũng thế thôi. Đơn giản chỉ vì anh Chí nhà ta chưa bao giờ được tận hưởng vẻ mơn mởn đào tơ của những cô nàng xinh đẹp, nên trong mắt anh, Thị Nở đã là… giai nhân, dù: “Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người”.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên một nhà hiền triết đã khẳng định: “Trong mắt con cóc đực thì con cóc cái là đẹp nhất”. Giả sử trước đó, Chí Phèo từng mê mẩn với nhan sắc một giai nhân nào đó, liệu anh ta có còn dám ôm lấy Thị Nở? Nên trả lời câu hỏi này thế nào? Có lẽ phải tùy vào tâm tính, bản lĩnh, nhận thức… của từng người đàn ông.
Có người sẽ lao vào chiếm đoạt; có người hoàn toàn không có chút cảm giác gì; có người hậm hực nuốt nước bọt, thèm thuồng như “mèo thấy mỡ”; có người lại chẳng gợn lên chút rung động. Chính vì thế, một kết luận chung là rất khó tìm, vì bản chất vấn đề hoàn toàn mang tính chủ quan.
Một nhà văn Pháp nổi tiếng từng nói đại khái là, người đàn ông có thể đưa phụ nữ lên “chín tầng mây” bằng những ngôn từ trang trọng nhất, nhưng lại sẵn sàng làm tình với họ trên manh chiếu rách. Hóa ra mọi lời lẽ, mọi cách hành xử đều nhằm đạt đến một mục đích duy nhất.
Nói như một nhà văn thì đàn ông “cần một cái chỗ”, trong khi đàn bà “cần một lý do”. Trong trường hợp này, đàn ông có khác gì con gà trống? Nhưng bạn cũng đừng quên, có không ít trường hợp ngược lại, vì đây là vấn đề không thể tìm được “mẫu số chung”.
Tôi thích cái kết luận cho rằng bản chất của đàn ông không khác gì… kẻ đi săn. Phải thế chứ! Đi săn là một thú vui, một cách thư giãn, dù khi vác súng đi săn, không phải ai cũng “săn” như ai. Kẻ tầm thường là gặp bất kỳ “cái gì” cũng nổ súng, như một người vừa mới “no xôi chán chè” ở nhà hàng nhưng thấy quà vặt cũng cố thử hương vị “là lạ” xem sao.
Lại có kẻ cứ thích ăn vặt vãnh đâu đó ở góc phố này, đầu hẻm kia, chẳng cần biết “an toàn vệ sinh thực phẩm” là gì. Theo tôi, những kẻ ấy đích thị là những “gà trống”. Nhưng cũng không thiếu những kẻ đi săn “cao cơ”. Họ cẩn thận chọn lọc, thậm chí “mục tiêu” càng khó tiếp cận, càng “trầy vi tróc vảy” mới có thể đạt được, càng khiến họ bị hấp dẫn và quyết liệt săn đuổi. Họ mới thực sự là những thợ săn đúng nghĩa.
Cuối cùng, dù có là “gà trống” hay “thợ săn” thì bao giờ thiết chế xã hội cũng luôn có rào cản để điều chỉnh hành vi của đàn ông, đại loại như dư luận, pháp luật, đạo đức, nếp nhà, tâm linh… Vượt rào theo cách nào, đến mức độ nào, chấp nhận hậu quả ra sao là tùy vào các loại đàn ông khác nhau. Cuộc sống là vậy, luôn đa diện, đa sắc.