Đàn ông hậu ly hôn: Muốn tránh khủng hoảng, chỉ còn cách sống và nghĩ văn minh

21/04/2021 - 18:30

PNO - Suốt một tuần cùng nhau chiêm nghiệm, tranh luận về lối sống, suy nghĩ, ứng xử của đàn ông hậu ly hôn, chúng tôi nhận ra: Rất khó để có ngay nhận xét ngay đúng - sai, hay - dở, bởi mọi thứ thuộc và góc nhìn, hoàn cảnh của người trong cuộc...

Cụm từ “khủng hoảng sau ly hôn” có lẽ từ lâu đã gây ra không ít ám ảnh cho các cặp vợ chồng vừa chia tay, hoặc đang chuẩn bị chia tay. Nó có sức nặng và sức ỳ đến mức khiến người trong cuộc có cảm giác mình là kẻ thất bại, trắng tay sau nhiều năm gầy dựng cuộc hôn nhân đó.

Nó gây hoang mang cho cả những người chuẩn bị buông gánh nặng hôn nhân trên vai mình xuống. Liệu rồi sau khi tự tay kết thúc mọi thứ, ngày mai sẽ tốt hơn, tươi sáng hơn không?

Cùng nhau đọc, chiêm nghiệm, tranh luận quanh các bài viết trong loạt bài Đàn ông hậu ly hôn, và từ thực tế cuộc sống, chúng tôi nhận ra rằng, mọi ý kiến chỉ mang tính tương đối. Rất khó để phán xử đúng hay sai, chuẩn mực hay lệch giá trị, tất cả tuỳ thuộc và góc nhìn, hoàn cảnh của người trong cuộc. 

Nhưng có một điều người không ly hôn, chưa ly hôn hay đã ly hôn nên thừa nhận: Nếu hôn nhân dạy chúng ta bài học trách nhiệm, thì ly hôn dạy chúng ta học cách chấp nhận, đối diện, giải quyết những vấn đề lớn nảy sinh từ nó.

Đừng xem ly hôn là một thất bại. Đó chính là bài học lớn mà cuộc hôn nhân đã dạy ta.
Đừng xem ly hôn là một thất bại. Đó chính là bài học lớn mà cuộc hôn nhân đã dạy ta (Ảnh minh họa từ Internet)

Nếu phải ly hôn, làm sao để việc chia tay trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, không sinh ra nhiều tiêu cực? Cả hai không còn ràng buộc nhưng vẫn làm tròn bổn phận nuôi dưỡng, chăm sóc con chung?

Điều này đến từ sự tỉnh táo và bản lĩnh của người trong cuộc. Ta có bản lĩnh chịu trách nhiệm cho hôn nhân, thì cũng phải bản lĩnh để khi cuộc hôn nhân kết thúc, ta và đối phương, con cái đều được cân bằng, không đau đớn, dằn vặt hay thù hận về sau.

Do đặc điểm tâm sinh lý tự nhiên, đàn ông sau ly hôn dễ mất cân bằng hơn đàn bà, không phải ai cũng nhanh chóng kiểm soát được lối sống và hành vi. Tâm lý “sổ lồng” kèm theo một chút ích kỷ, đàn ông thường tự do “tung cánh”. Các anh sợ rằng nếu không tận hưởng khoảng thời gian tự do quý giá này, nó sẽ qua nhanh.

Sức chịu đựng nỗi buồn của đàn ông cũng thuộc loại ngắn hạn. Vậy nên, rất nhiều người mà tôi biết, sau ly hôn là vội vã đi tìm người phụ nữ mới. Dĩ nhiên, mọi việc nếu làm với tâm thế hấp tấp, vội vàng trước sau gì cũng xôi hỏng bỏng không. Rồi các anh lại ngao ngán rằng mình là kẻ thất bại trong hôn nhân!

Đừng nên xem việc ly hôn là một thất bại. Nếu ta không đặt mình trong tâm thế kẻ thất bại, thì việc đổ vỡ trong hôn nhân có thể xem như là một bài học lớn trong cuộc đời. Bởi, có học nó, ta mới tránh các lỗi đã mắc phải cho cuộc hôn nhân sau này.  

Nếu hôn nhân dạy ta bài học trách nhiệm, thì ly hôn dạy ta học cách chấp nhận, đối diện và giải quyết những vấn đề lớn nảy sinh trong quá trình chung sống.

Một cuộc hôn nhân quá nhiều bất trắc, rủi ro mà vắng hẳn tình yêu thương và sự thấu hiểu, sẻ chia giữa hai người, nó như một vết thương đang hoại tử dần trên cơ thể. Nếu không quyết liệt loại bỏ vết hoại tử đó ngay từ đầu, sẽ có lúc ta phải hối hận nhìn một phần thân thể bị mất đi.

Ly hôn chính là liệu pháp tốt nhất chữa lành vết hoại tử của cuộc hôn nhân tổn thương.

Ly hôn không phải là thất bại, trong nhiều trường hợp nó còn là một thành công - Ảnh minh họa
Ly hôn không phải là thất bại, trong nhiều trường hợp, đó còn là một dạng thành công - Ảnh minh họa

Kết thúc một cuộc hôn nhân ngột ngạt, không phải là thất bại để ta ngồi đó than vãn, trách móc như anh chàng bên Trung Quốc, cũng không phải chiến tích lẫy lừng để vui mừng, để khoe khoang như bài viết của một tác giả vừa bước ra khỏi hôn nhân.

Không có cuộc ly hôn nào mà người trong cuộc không bị tổn thương. Điều quan trọng là ta cần giới hạn cho việc sống chung với tổn thương đó, cảm xúc tiêu cực đó bao lâu? Mọi khoảnh khắc trôi qua đã là quá khứ, cái ta cần nhất là hiện tại và tương lai.

Vậy nên, cần giới hạn một khoảng thời gian đủ để lấp đầy thương tổn rồi sau đó, bản lĩnh đứng lên giải quyết mọi vấn đề. 

Cuộc ly hôn đó dạy ta cách tôn trọng người cũ, để con cái nhìn vào, biết yêu thương người đã sinh ra chúng. Càng không nên đổ thừa cho cuộc hôn nhân thất bại rồi quay sang chì chiết, hạ nhục, rẻ rúng nhau trước mặt con. Tệ hại hơn nữa là kiểu giành giật con hậu ly hôn để "cho đối phương biết mặt", rồi bỏ bê nuôi dạy, tới mức cha đi tù nhưng hàng xóm lại thấy may mắn cho con, vì từ nay cậu bé được về ở với mẹ, như trong chuyện một cô giáo ở Lâm Đồng chia sẻ.

Thật may, vẫn có rất nhiều người đàn ông hậu ly hôn tuy buồn tiếc mất gia đình, nhưng vẫn vững vàng cả trong suy nghĩ lẫn việc làm, ứng xử với vợ con, tạo dựng cuộc sống mới.

Ly hôn văn minh, bình đẳng, tôn trọng nhau, như cách mà nhiều cặp đôi đã chọn để dừng lại là cách tốt nhất để bảo vệ cuộc hôn nhân, bảo vệ tương lai con cái và chính  mình. Cho dù cuộc hôn nhân ấy không còn nữa, nhưng đã cùng nhau bước chung một đoạn đường, tại sao phải khiến cho đoạn đường ấy thêm đen tối và xấu xí?

Tâm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI