Tâm lý đàn ông thiệt kỳ cục, không tin à, cứ hỏi họ ắt rõ. Chẳng hạn, trong lúc đang vui vẻ, bù khú với nhau, hễ bàn đến chuyện vợ con, thì mười người đã hết chín có nguyện vọng, ước mơ lẫn khát vọng là được… quay trở về thời “phòng không”. Tại sao tréo ngoe thế?
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Ối dào, thời độc thân đó mới sung sướng làm sao. Tuyệt vời làm sao. Kìa, cứ xem đấy, thích đi chơi thì cứ việc “xả láng sáng về sớm”, không phải nơm nớp lo sợ điện thoại réo rắt đến phát mệt: “Khuya rồi, về gấp”. Đang hào hứng, đang vui nhộn, đang gì gì đi nữa, nghe tiếng gọi ấy là phải cương quyết đứng dậy về. Nếu không, đêm đó thậm chí nhiều đêm sau đó sẽ nghe những lời “tình thương mến thương” đến… ù tai nhức óc.
Rồi kìa, tình cờ gặp lại cô bồ cũ, chà, vẫn “ngon cơm ngọt canh”, lại thiệt là hên vì cô ta vừa mới… ly hôn chồng, bèn “mắt liếc tình đưa”, những muốn “nối lại tình xưa” cho bõ lòng thương nhớ. Nhưng rồi nhớ tới “ai đó”, đành thở dài sườn sượt đến não nùng, ngậm ngùi “vẫy tay, vẫy tay chào nhau”…
Mà, nói luôn cho nó vuông, mấy chuyện cỏn con này chẳng là gì, còn có biết bao chuyện ràng buộc éo le hơn nữa, tức mọi sinh hoạt của đàn ông có vợ không thể như thời đơn thân. Ngay cả niềm sung sướng nhất trên đời là ăn, nhưng có lúc vừa đưa đũa gắp, bỗng nghe vọng lên lời nói cực kỳ âu yếm: “Thôi đi anh, bác sĩ dặn gì rồi, nhớ chửa?”. Đành buông đũa thèm thuồng, chứ nào dám thỏa thích.
Rồi chuyện khung giờ thức ngủ vốn tùy theo sở thích của mỗi người, miễn khỏe là được, thế nhưng không ít lần vẫn bị bó buộc đã khuya phải ngủ, đã phải dậy với “chiêu bài” giữ gìn sức khỏe. Người ta có phải con nít đâu mà lúc nào cũng nhắc với nhở. Bực mình thiệt!
Do đó, không ít đấng mày râu ngửa mặt lên trời mà rằng: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?”. Than thì than nhưng rồi họ chấp nhận sống trong sự ràng buộc, nền nếp, thí dụ thời gian mỗi ngày phải minh bạch, rõ ràng, làm gì, đi đâu, mấy giờ về… cũng đều phải “báo cáo” và được sự đồng ý của người “quản lý” có danh xưng cực kỳ mỹ miều, hoa mỹ: vợ.
“Thôi đi, gã đàn ông đã có vợ. Làm sao còn có thể tự tung tự tác gì nữa” - họ bèn tự an ủi, chứ nào dám tơ tưởng, léng phéng gì.
Vậy nên, nếu bỗng dưng một phát được tự do như chim sổ lồng, thử hỏi ai lại không hào hứng, lại không ăn mừng cho “sự kiện” cực kỳ sung sướng này?
Không ít người cho rằng, từ nay họ được “trở lại thiên đường”, đã qua rồi cái thời làm gì cũng phải “đúng quy trình”, cứ như thể mình đã bị “lập trình”. Trở lại thời kỳ độc thân mới thoải mái làm sao.
Từ đây, do sống một mình nên họ trở thành “chúa tể rừng xanh”, không còn bị bất kỳ sự quản lý nào. Muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, đi đâu tùy hứng, làm gì tùy nghi, tán tỉnh ai tùy thích... Sung sướng xiết bao. Sống như thế mới đáng sống chứ, họ gật gù tỏ vẻ hài lòng.
Nếu năm tháng cứ trôi qua trong sự hài lòng thì tốt quá. Nhưng rồi đời không như là mơ.
Có thể ban đầu, họ cảm thấy thích thú lắm nhưng về lâu về dài lại khác. Đôi lúc đang bù khú, muốn có cú điện thoại của vợ, nếu không lấy cớ gì để thoát khỏi sự níu kéo của bạn bè? Đôi lúc muốn thèm món ăn đó, ra quán thì dễ rồi nhưng lại không hợp khẩu vị, ăn riết cũng chán, tự tay nấu thì không thể, nếu có vợ thì tốt quá. Đôi lúc mỗi ngày muốn có bộ quần áo phẳng phiu, sạch sẽ nhưng phải giặt, phải phơi, phải ủi, thiệt nhọc công, phải chi có vợ giúp, ắt khác.
Đôi khi cửa nhà bề bộn quá, nếu muốn gọn gàng, có vợ thì chẳng gì cần phải ngồi đó ao với ước. Đôi khi đêm hôm trái gió trở trời, xương cốt nhức mỏi, ốm sốt nhì nhằng, thèm một ly trà nóng, có người xoa tay bóp chân thì tuyệt quá, vợ đâu?
Đôi khi đến chốn dạ tiệc đông người, thiên hạ chồng đâu vợ đó, còn mình lẻ loi ngoài rìa cứ như thể khách không mời mà đến, vợ đâu? Đôi lúc ngày cuối tuần, dịp lễ hội người ta có đôi có lứa tung tăng nơi này chốn nọ, mình cảm thấy tủi thân lắm, vợ đâu?
|
Có tự do hậu ly hôn, các anh mới hiểu giá trị của "khuôn khổ" - Ảnh minh họa |
Mà thôi, những cái chuyện “đôi lúc” này chẳng có gì trầm trọng. Vẫn có cách giải quyết. Cách tốt nhất vẫn là tìm một cô vợ khác. Tưởng là dễ, nhưng thật ra không dễ dàng chút nào.
Với người đàn ông, nhất là người đã có tuổi, ít có cơ hội lựa chọn người sẽ ăn đời ở kiếp với mình. Vì rằng, cô đến sau phải đạt điều kiện khiến cho cô vợ trước phải lác mắt, phải… ngậm ngùi tiếc rẻ, vì mình vẫn cưới được người trẻ hơn và đẹp hơn. Thấy chưa, sáng mắt ra chưa, ta đây vẫn còn có cơ hội lựa chọn giai nhân đấy nhá. Tiếc à? Muộn rồi. Nghĩ thế, người đàn ông lấy làm mãn nguyện như một cách “dằn mặt” cô vợ cũ cho thỏa mãn tự ái. Được thế, còn gì bằng.
Muốn thế, ít ra người đàn ông đó dù luống tuổi một chút cũng không sao, miễn tài chánh phải dồi dào, có của ăn của để, may ra “người ta” mới thuận tình đánh đổi tuổi thanh xuân cho cuộc chắp vá này. Đang mơn mởn “ngon lành cành đào”, các cô còn thừa thời gian, còn có nhiều lựa chọn, tội vạ gì phải “đâm đầu” vào một người đã qua một “lần đò”, nếu tiền của không có gì “đặc sắc”?
Dẫu có thế đi nữa, họ cũng cân nhắc liệu chừng có nên hay không bởi miệng lưỡi người đời: “Vô duyên lấy phải chồng già/ Kêu chồng thì lỡ, kêu cha bạn cười”.
Chà chà, cũng khó nhỉ.
Vậy, cưới một người cũng bằng vai phải lứa với mình chăng? Nghe nói thế, hầu hết đàn ông đều la toáng lên: “Không là không”, bởi lúc đó họ không cưới mỗi cô ấy mà còn phải có trách nhiệm với “di sản” chồng cũ cô ta để lại là con với cái. Mệt lắm. Đến lúc, “con anh, con em, con chúng ta”, ai chịu đời cho thấu những phát sinh nhùng nhằng về sau?
Vậy, chọn người chưa chồng, chưa con chăng? Khổ nỗi, họ lại không đạt điều kiện trẻ và đẹp như mong muốn. Làm sao đây ta? Khó ghê.
Với suy nghĩ này, ta dần nhận ra: đang “hai mình” được trở thành “một mình”, đâu phải “trở lại thiên đường”!
Lê Minh Quốc