Đàn ông đi để viết

07/08/2020 - 07:13

PNO - Các quý anh giờ không chỉ đi để viết, mà còn để tụ bạ và tán phét, để lều hều mấy chữ trên facebook cho thiên hạ bấm like tán tụng, lấy đâu ra sách hay, sâu sắc cho thiên hạ trầm trồ.

Quãng năm 1792, John Barrow, một thanh niên người Anh, bấy giờ tầm 28 tuổi, trong chuyến du hành của phái đoàn đại sứ Macartney mà anh được đi với tư cách quản gia, đã có dịp ghé thăm vài nơi ở xứ Nam Hà, tên gọi khác của Đàng Trong. Chuyến thăm ngắn ngủi nhưng với bản tính thông minh, ưa phân tích, anh đã dựng lại nó, một cách sắc sảo và hấp dẫn, trong cuốn du ký Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà.

Cũng ở độ tuổi ấy, xa xưa hơn nữa, một người Ý có tên Marco Polo, đã có những trải nghiệm đầu tiên trên mảnh đất Giao Chỉ, chút thoáng thôi, nhưng về sau vẫn được nhắc lại trong hồi ức cuộc đời vạn dặm của mình. 

Ở buổi giao thời Đông - Tây thế kỷ trước, nhiều quý ông là ký giả, văn sĩ nước Việt như Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Trinh Nhất, Phạm Quỳnh, Nguyễn Công Tiễu... đã bắt đầu rời xa ngôi làng nhỏ bé để đến nước Pháp hoa lệ. Nhờ những chuyến đi gian nan ấy, họ bắt đầu nghĩ cách làm sao để nước Việt thay đổi, canh tân, cố gắng học hỏi những điều hiện đại, văn minh. Các trang viết của họ, đến giờ, vẫn có sức quyến rũ đến ngạc nhiên, nhất là những đề đạt, viễn kiến có ý nghĩa lớn đối với công cuộc hiện đại hóa đất nước, những trăn trở, ưu tư về tình cảnh dân tình thuộc địa bấy giờ.

Sau năm 1945, do bối cảnh văn hóa xã hội thay đổi, nhiều văn nhân miền Bắc lại không có những chuyến đi thực sự ra tấm ra món, dù khẩu hiệu “đi và viết” luôn được nêu cao. Hồi ký của Tô Hoài cho biết, dưới không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội sôi nổi, ông cùng Nguyễn Tuân đã phải xin cấp trên, vin cả vào danh tiếng và mối quan hệ cá nhân, để được đi nắm bắt thực tế như thế nào.

Một người “giang hồ quen thói” như Nguyễn Tuân cũng không tự làm những cuộc đi lớn, ngoại trừ chuyến sông Đà có vẻ kỳ công. Chuyến xuất ngoại đình đám của ông là Liên Xô, nơi ông có dịp khoe cá tính mình bằng cách rít điếu cày đậm chất Bắc bộ.

Văn nhân nước Việt hôm nay dễ bề đi lại. Không những thế, họ còn ra sức chứng tỏ mình là người ham đi. Nhiều người khoe hẳn mình có “hoa chân”, rày đây mai đó. Họ cũng hăm hở viết sau mỗi chuyến đi. Vì là những quý ông chẳng ngần ngại trà dư tửu hậu nên các trang văn của họ, ngoài cảnh sắc nước non, chuyện đời chuyện người, thường có thêm mùi vị của rượu và đồ nhắm.

Thật hiếm văn nhân nào tung ảnh chuyến đi trên mạng xã hội mà thiếu cảnh ngồi quanh bàn ăn, đũa bát ngập mâm, rượu bia ê hề. Cứ như thể, tất thảy nghi lễ rốt ráo nhất của cuộc hành trình, với họ, đều kết thúc sôi nổi ở phần ăn uống.

Trung niên, cao tuổi đã nhận sổ hưu dư dả thời gian thì còn thể tất được, nhưng những quý chàng hoa niên đương sức sáng tạo mà loanh quanh mấy cuộc thù tạc thì khó mà chói sáng tuyệt phẩm. Thành thử, chị em chúng tôi trông chờ nhiều năm nhưng vẫn chưa thấy quý anh nào đáng mặt văn tài, viết ra những điều đích đáng.

Các quý anh giờ không chỉ đi để viết, mà còn để tụ bạ và tán phét, để lều hều mấy chữ trên facebook cho thiên hạ bấm like tán tụng, lấy đâu ra sách hay, sâu sắc cho thiên hạ trầm trồ. Cố tật ham vui, ham chơi và chẳng mấy khi đặt mình trong những thử thách nghĩ suy phức tạp, sẽ khiến kẻ đi nhiều trở thành kẻ biết ít nhất, kẻ suốt ngày trên đường không khác ếch ngồi đáy giếng. Tiếc thay cho công tạo hóa, nhân sinh bày đủ đa dạng mà người đi chỉ nhăm nhắm hướng vào mỗi chân dung đơn điệu của bản thân.

Thế giới có vẻ đang dần phẳng, nhưng không có nghĩa là san sẻ cho mỗi người những cơ hội ngang bằng nhau về mở mang đầu óc, cái nhìn. Bởi vậy, nếu may mắn được đi nhiều và nếu vẫn muốn đi để viết, quý anh nên dành nhiều thì giờ hơn cho sự hiểu mình, hiểu người. Đó là khi sự đi dừng lại mà sự vỡ lẽ thì bắt đầu, thân ngồi yên mà trí óc thì chuyển động. Xét cho cùng, mọi chuyến đi không nằm ở đường xa vạn nẻo hay ngắn chửa tày gang, mà nằm ở một phần diện tích nội tâm được nới rộng. Đôi khi, cuộc du thám miệt mài và khó khăn nhất lại diễn ra thầm lặng trong chính tâm hồn mình. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI