Đàn ông cũng...yếu!

13/03/2017 - 08:21

PNO - Đàn ông có thể xấu, nghèo nhưng không được hèn. Hèn khác với yếu đuối.

Quy ước xã hội vốn xác định đàn ông là phải mạnh, nên họ phải vững chãi, bao dung. Họ có thể gia trưởng, thô lỗ, vụng về nhưng nhất định không được yếu đuối, nhu nhược, nhút nhát… Vậy nếu lỡ vướng phải những tính cách “không được” đó thì họ có còn là đàn ông? Phụ nữ phải ứng xử thế nào với những đàn ông như thế? 

Ngay từ nhỏ, các cậu bé vẫn được dạy đã là con trai thì không được khóc, không được yếu đuối; phải cứng rắn, phải là người bảo vệ phụ nữ. Bạn có từng thấy nước mắt đàn ông chưa? Bạn nghĩ thế nào khi đàn ông khóc? 

Nhà thơ Nguyệt Phạm: Theo tôi, đàn ông hay đàn bà ai cũng cần vững vàng, bao dung và cũng cần biết sống tự chủ, không yếu đuối chứ không riêng gì đàn ông. Người ta quan niệm đàn ông không được khóc vì khóc đồng nghĩa với yếu đuối; nhưng tôi nghĩ, khóc là sự thể hiện cảm xúc đau khổ hoặc vui sướng. Khi cảm xúc đó đến, hãy đón nhận nó.

Dan ong cung...yeu!
Nhà thơ Nguyệt Phạm

Quan trọng là sau khi khóc cho thỏa chúng ta có sáng suốt để xử lý vấn đề mình đang gặp hay không, chứ không phải là có khóc hay không. Tôi đã vài lần chứng kiến đàn ông khóc, thường vì tình cảm với phụ nữ. Lạ là lẽ ra họ phải giãi bày, thuyết phục người phụ nữ quay về với mình thì họ lại đi giãi bày và khóc với tôi - một người chẳng liên quan gì; trong khi với người cần thuyết phục (vợ hoặc người yêu) thì họ lại có thái độ mạnh mẽ, bất cần.

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi chấp nhận nước mắt đàn ông vì đó là một cách giải tỏa cảm xúc. Tôi không nghĩ khóc có nghĩa là họ yếu đuối, mà chỉ do họ không kìm nén nổi cảm xúc. Họ hoàn toàn có quyền!

Diễn viên Hiền Mai: Tôi đã thấy nước mắt đàn ông, nhiều lần. Là của bạn trai và cả của chồng tôi. Khi phải chia tay nhau, họ khóc. Có khi họ khóc mà tôi không khóc. Tôi hiểu giây phút đó họ yếu đuối hơn tôi và tôi không coi thường hay bực bội vì điều đó. Tôi xúc động vì biết mình có ý nghĩa đặc biệt với họ. Không vì thế mà tôi cho là họ yếu đuối.

Người ta yêu cầu đàn ông phải bình tĩnh, quyết đoán, tự tin khi rơi vào những trường hợp khẩn cấp; nhưng vẫn có người bị rối lên khi cần gặp tình huống căng thẳng. Bạn có vì như thế mất đi sự tin cậy, sự nể trọng anh ta không? 

Nguyệt Phạm: Việc đàn ông bị rối trong những trường hợp cần tỉnh táo không phải ít, nhất là với những sự việc liên quan đến con cái. Tôi thấy đó cũng là chuyện bình thường, ai cũng có những khoảng rối riêng, có những việc người khác thấy bình thường nhưng mình lại phát hoảng, đầu óc trống rỗng không nghĩ được cách giải quyết, vậy là rối lên thôi.

Lê Lan Anh: Tôi từng nghe một cô bạn kể chuyện của chồng mình trong cái lần nhà cô ấy bị cháy. Lúc cả nhà nháo nhào tìm nước, tìm bình cứu hỏa thì không thấy chồng cô ấy đâu cả. Sau khi dập tắt được đám cháy trong bếp, cô ấy về phòng và phát hiện chồng đang… “cố thủ” trong đó.

Dan ong cung...yeu!
Chị Lan Anh

Anh ta nghĩ, nếu đóng cửa chặt thì lửa sẽ không vào phòng được! Tuy cả chục năm sau đó họ mới ly hôn, nhưng tôi nghĩ mầm mống của sự chán ngán đã bắt đầu từ đó; khi người phụ nữ nhận ra người đàn ông của mình quá yếu đuối, không đủ khả năng chở che, bảo vệ cho mình.

Hiền Mai: Bình tĩnh hay rối trí có khi cũng chỉ là một nét tính cách. Tôi đã từng thấy những người đàn ông khi gặp chuyện thì phải cầu cứu… bạn gái của mình, dù có thể người bạn gái cũng chẳng giúp gì được. Những lúc như thế, tôi rất bực.

Bạn có từng phải chứng kiến đàn ông sợ hãi một cái gì đó, ví dụ như con vật nào đó, sợ tiêm chích, sợ uống thuốc, sợ bệnh tật... Khi bị bệnh họ rên rỉ, than vãn còn hơn cả phụ nữ. Đàn ông có được phép như vậy không?

Lê Lan Anh: Với tôi, đàn ông có thể xấu, nghèo nhưng không được hèn. Hèn khác với yếu đuối. Đàn ông yếu đuối thường tình cảm, âm tính một chút nhưng không hẳn đã hèn. Hèn thường đi đôi với tính xấu là bỏ rơi người khác khi hoạn nạn, hay đổ lỗi cho người khác. Đàn ông yếu đuối, sẽ thành… con trai của vợ, nên còn tùy vào việc bạn có khả năng chăm sóc chồng như con không mà chấp nhận sự yếu đuối của người đó. Nếu khả năng bảo bọc của bạn cao, có thể không vấn đề gì, thậm chí có khi bạn còn cảm thấy hạnh phúc khi được bảo bọc người tình! Nhưng tôi thì không.

Nguyệt Phạm: Hồi bé, bọn con trai lớp tôi thường bắt chuột, bắt sâu để dọa con gái. Chúng tôi rất sợ. Nhưng sau vài lần bỏ chạy, tôi nhận ra bọn chúng thích thú vì sự sợ hãi của chúng tôi, nên một lần, tôi lấy hết cam đảm hất ngược những con sâu ấy vào người chúng. Hóa ra, chúng cũng bỏ chạy tán loạn.

Tôi nhận ra, con trai cũng sợ những thứ linh tinh như con gái. Từ đó, tôi coi thường bọn chúng. Nhưng lớn lên, tôi không nghĩ vậy nữa. Tôi hiểu, ai cũng có nỗi sợ nào đó trong mình. Đó là chuyện bình thường. Quan trọng là ta biết chế ngự nó như thế nào.

Hiền Mai: Tôi nhớ có lần, một chàng trai cao to trong đoàn phim đã nhảy tưng lên khi thấy con gián. Tôi cười đến đau bụng suốt ngày hôm đó và mỗi lần thấy cậu ấy, tôi lại buồn cười. Nhưng sau đó, cậu ấy kể những kỷ niệm kinh khủng của tuổi thơ có liên quan đến con gián khiến tôi thông cảm và không nghĩ đến chuyện… hù cậu ấy nữa.

Các chị đã dạy con trai mình thế nào, có yêu cầu cháu  không được khóc, không được rên rỉ, không được hèn nhát? Nếu con trai có những biểu hiện đó, các chị làm gì để sửa?

Nguyệt Phạm: Tôi dạy con nếu muốn khóc thì cứ việc khóc, phải biết thuận theo cảm xúc, nhưng đừng khóc vì bế tắc, vì không biết làm gì, chỉ còn biết khóc và trông chờ vào người khác. Trong cuộc sống, sẽ không có ai đứng ra giải quyết rắc rối thay mình. Khóc vì đau khổ hay vui sướng khác với khóc vì bất lực, bế tắc.

Lê Lan Anh: Tôi tập cho con biết bao dung nhưng mạnh mẽ. Tôi bị khuất phục và quyến rũ bởi những người đàn ông như vậy. Với tôi, phụ nữ cần được yêu thương nhưng đàn ông cần được tôn trọng. Quyền uy và sự mạnh mẽ toát ra từ họ một cách tự nhiên (không phải do cố gồng lên) luôn làm tôi bị cuốn hút.

Hiền Mai: Tôi không cố gắng hướng con trai mình đến một hình tượng nào cả. Tôi để cháu được sống tự nhiên, muốn khóc cứ khóc, muốn rên cứ rên. Nhưng rồi phải biết tự lau nước mắt và tự đứng lên. Tôi nghĩ cả yếu đuối lẫn mạnh mẽ đều tồn tại trong tính cách của cháu, cuộc sống sẽ dạy cháu cân bằng.

Dan ong cung...yeu!
Diễn viên Hiền Mai

Trong các bộ phim tình cảm đôi khi người ta thấy cảnh vào những phút giây đau khổ, người phụ nữ thường ôm đầu người đàn ông vào ngực mình. Theo các chị, hình ảnh đó nói lên điều gì? Có phải người phụ nữ đang cảm thông và xoa dịu những yếu đuối của người đàn ông?

Lê Lan Anh: Hình ảnh đó thể hiện người phụ nữ muốn chia sẻ, bảo bọc... Tôi nghĩ nó có liên quan đến bản năng làm mẹ của phụ nữ. Họ muốn truyền hơi ấm từ trái tim mình cho người đang đau khổ.

Hiền Mai: Thật ra, tôi luôn nghĩ người phụ nữ dẻo dai, chịu đựng khó khăn gian khổ tốt hơn đàn ông rất nhiều. Vì thế, trong những giây phút đỉnh điểm của cảm xúc, người đàn ông luôn muốn tìm thấy sự che chở, bao dung ở người phụ nữ. Đó là điều thuận với lẽ tự nhiên.

Nguyệt Phạm: Phụ nữ là mẹ mà! Bộ ngực người mẹ luôn ấm áp, che chở và bao dung. Nó lớn hơn, mạnh hơn tất cả mọi điều trên đời.

Bạn có nghĩ người đàn ông vẫn thường tìm cách che giấu những cảm xúc yếu đuối của mình? Nếu chồng hay người thân của bạn luôn như thế thì bạn sẽ làm gì?

Lê Lan Anh: Che giấu vì không muốn mình lo lắng thì càng thương. Nhưng che giấu để ra oai với mình thì tôi khinh.

Nguyệt Phạm: Tôi luôn mong muốn những người đàn ông bên cạnh mình có thể bộc lộ bản chất thật của họ một cách tự nhiên nhất. Tôi nói là tự nhiên, chứ đừng diễn. Diễn đau khổ vì yêu thương hay diễn yếu đuối vì bất lực, mất mát đều đáng ghét.

Hiền Mai: Những người đàn ông của tôi hay từng là của tôi đều không cố gắng che giấu điều gì với tôi cả. Tôi nhìn thấy họ khóc, tôi nhìn thấy họ yếu đuối, tôi nhìn thấy họ sợ hãi vì điều gì đó... Họ thể hiện rất thật với tôi và điều đó khiến tôi nghĩ họ đang tin tưởng vào mình. Chỉ khi tin tưởng, người ta mới bộc lộ những gì thật nhất. Vậy thì tôi đâu cần phải tìm cách “bóc mẽ”, chê cười họ hay phải lờ đi; mà phải là làm cho họ hiểu mình thông cảm, chia sẻ với họ.

Cảm ơn sự trao đổi thẳng thắn của các chị.

Song Văn

Thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI