Khều nhẹ, hỏi khẽ về nỗi sợ ở đàn ông, bàn tròn của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã kết nối với NSƯT Thế Hiển, luật sư Đinh Thị Thu Vân (Đoàn Luật sư TP.HCM) và anh Lê Thanh Trông (sáng lập và điều hành trung tâm Tư vấn giáo dục và đào tạo Thế Hệ Vàng, Q.11, TP.HCM).
Phóng viên: Một giọt nước mắt không dám rơi, một khó khăn không dám than thở… Từ khi còn là bé trai, người đàn ông đã bị/được tước quyền… sợ thì phải?
Anh Lê Thanh Trông: Nhiều người nói, ngoài sợ chết, đàn ông “sợ vợ” chứ còn sợ gì nữa. Đàn ông khi sinh ra đã sở hữu tính dương, nên sống theo cái kiểu “đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ đó, đàn ông phải “gồng lên” để thể hiện mình không sợ gì hết. Tôi nghĩ, đàn ông chỉ che giấu nỗi sợ, chứ ai cũng có nỗi sợ tiềm ẩn bên trong.
Luật sư Thu Vân: Đàn ông, từ muôn đời, được mặc định trong niềm kiêu hãnh là “phái mạnh”, mà mạnh thì sao phải sợ thứ gì. Từ đó, đàn ông không dễ dàng chia sẻ cùng ai cảm xúc thật trong lòng, mà buộc phải gồng mình che giấu sự “yếu đuối” vào góc khuất.
|
Luật sư Thu Vân |
NSƯT Thế Hiển: Tôi không sợ gì hết. Cuộc đời của người đàn ông là tranh đấu, là dũng cảm, kiên cường chấp nhận bơi giữa dòng nước ngược, giữa bão táp phong ba. Là văn công thời chiến, tôi đã xuyên qua bom đạn ầm ầm trên đầu, vẫn không sợ chết. Nhạc như người, dù gian khổ vẫn lạc quan, vẫn lãng mạn và cái kết có hậu như nhánh lan rừng tươi nở, tỏa sắc hương.
* Cả anh Trông và luật sư Vân đều dùng chữ “gồng” để mô tả trạng thái người đàn ông âm thầm “khuân vác” nỗi sợ. Theo các anh chị, đàn ông sợ những gì và sợ gì nhất?
Anh Lê Thanh Trông: Tôi chết đi sống lại ba lần từ hồi nhỏ, cho nên tôi không sợ chết mà lại sợ... “sống” - sợ sống thiếu trách nhiệm với cha mẹ, với vợ con, với những người đã thương yêu mình. Sợ cha mẹ đã già rồi mà vẫn phải lo cho cuộc sống của mình. Sợ không thể lo cho vợ con một ngôi nhà hạnh phúc. Nhiều khi “sợ vợ” cũng là một cách để giữ cho gia đình hạnh phúc. Sợ mất hình ảnh “thần tượng”, là tấm gương cho con cái về người cha có cách sống đẹp. Tôi sợ sống không có ý nghĩa, không có giá trị gì để trao cho người khác và xã hội...
Luật sư Thu Vân: Đàn ông mang nhiều nỗi sợ, cụ thể có, mơ hồ có, lớn lao có, nhỏ nhặt cũng có, tùy thuộc tâm trạng, sức chịu đựng của mỗi người. “Sợ vợ”, câu nói cửa miệng dí dỏm, yêu thương, đôi khi pha chút giễu cợt, dành cho các gã đàn ông có vợ. Sợ vợ hàm chứa sự lo lắng nhiều hơn dành cho người phối ngẫu. Sợ không chu toàn vai trò người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình - chốn đi về được xem là một tế bào nhỏ không thể thiếu của một xã hội rộng lớn.
* Sợ là một trong những trạng thái cảm xúc của con người. Nếu đàn ông không sợ, điều ấy liệu có... “đáng sợ” không?
NSƯT Thế Hiển (bật cười): Trước một điều gì đó xảy ra ngoài ý muốn, một bi kịch, một gian truân, tôi không nhận thấy nỗi sợ hãi từ mình. Gọi đúng tên của nó là nghịch cảnh để quyết tâm vượt qua. Khi vượt qua được, tôi cũng không cho đó là chiến thắng, là vinh quang. Tôi không phải luôn cười. Tôi có những giai đoạn băn khoăn, trăn trở, rối bời, có khi nuốt nước mắt vào trong.
|
NSƯT Thế Hiển |
Thực ra, tôi sợ nhất là mất bố mất mẹ. Nhiều năm rồi, tôi vẫn không biết làm sao để vượt qua nỗi đau đó, vẫn nhớ như in bữa cơm có bố mẹ ngồi bình thơ với nhau, mẹ còn ru Bắc rất hay. Tôi tạm khép nỗi đau ấy bằng ý nghĩ bố mẹ về sum họp với ông bà ở thế giới bên kia… Tôi sợ không giữ được sức khỏe. Tôi đã nhìn thấy nhiều bạn bè mình lạm dụng chất kích thích, sớm lìa đời, bỏ lại vợ con. Vì sợ mà tôi không phí sức của mình. Đa số đàn ông sợ nhất ba điều này ở phụ nữ: ngoại tình, cờ bạc và ghen. Tôi thì chỉ cần gặp người phụ nữ vướng một trong ba “vấn nạn” đó là tôi... chạy mất dép.
* Đàn ông dựa vào đâu, tựa vào ai để xua tan nỗi sợ và tự tin sải bước trong đời?
Luật sư Thu Vân: Hai gã đàn ông gặp nhau để nói về nỗi sợ hãi của nhau chăng? Tâm sự với người yêu? Bộc bạch với vợ? Nỗi sợ cũ chưa chắc đã thông thì thêm nỗi sợ mới: sợ lộ bí mật, sợ mất tư thế hiên ngang của cây tùng, cây bách. Đây cũng là điểm mà quý phu nhân cần lưu ý. Hãy là bạn thân, là tri kỷ nếu không muốn đức lang quân của mình… say nắng đâu đó bên ngoài.
Theo tôi, bất lực chính là nỗi sợ bao trùm trên tất cả nỗi sợ. Bất lực trước cuộc sống khi rơi vào hoàn cảnh phá sản, thất nghiệp, nợ nần. Bất lực khi không thể vượt qua được nỗi cô đơn. Bất lực khi phải nhìn những người thân yêu trong cơn thập tử nhất sinh. Bất lực khi muốn làm nhiều thứ nhưng “lực bất tòng tâm”. Suy cho cùng, đàn ông cũng có nhiều phút giây mong manh trước những xô đẩy của cuộc đời. Người đàn ông vì cái tôi nên không thể gào thét, không thể cho phép mình rơi nước mắt, ngay cả khi chiếc áo mạnh mẽ mang thuộc tính đàn ông bị xé toạc trước những thất bại.
Chính lúc này, đàn ông cần lắm một bàn tay mềm nắm lấy, một bờ vai ấm khẽ dựa vào. Hơn ai hết, sự quan tâm tinh tế bằng trái tim yêu thương của người phụ nữ bên cạnh sẽ khơi nguồn cho dòng chảy cảm xúc, làm điểm tựa để đàn ông thoát khỏi khoảnh khắc chơi vơi, đơn độc trước chông gai, thử thách bên ngoài cũng như sự yếu đuối bên trong. Xin đừng để hành xử vô tình, lời nói vô tâm... đẩy người đàn ông đang trên bờ vực sợ hãi rơi xuống vực thẳm bế tắc. Đó là nỗi sợ hãi khôn cùng. Đàn ông cũng nên biết sợ, để đặt giới hạn của bản thân trước những sợ hãi, để trân quý những gì đang có mà không tự đẩy mình rơi vào nghịch cảnh.
Anh Lê Thanh Trông: Điểm tựa của tôi là học tập suốt đời để nâng cao trí tuệ, niềm tin vào bản thân và sự kỷ luật. Ngoài ra, còn có sự động viên, tin tưởng và giúp đỡ của gia đình, của những người thầy và cộng sự.
|
Anh Lê Thanh Trông |
NSƯT Thế Hiển: Tôi hầu như không có kẻ thù, chỉ có bạn hữu, họ đem đến cho tôi niềm vui, cảm hứng sống, bởi tôi không bao giờ đem nỗi buồn cho ai. Tôi đã có ba đời vợ và hiện độc thân, nhưng tôi không hề ám ảnh “chim sợ cành cong”. Không đi với nhau trọn đời, hết duyên hết nợ thì chuyển mối quan hệ từ vợ chồng thành bạn, cũng là tình cảm đẹp, đáng quý. Các cuộc ly hôn của tôi đều êm đẹp. Giờ tôi và vợ cũ là bạn, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Sự bằng lòng với chính mình, tự tạo niềm vui, sống vị tha, chan hòa với mọi người sẽ giúp đàn ông vững vàng, an nhiên và thành công. Điểm tựa cực kỳ quan trọng của tôi là công việc sáng tác, ca hát, truyền đam mê nghệ thuật cho các thế hệ học trò.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)