Vào Google, gõ cụm từ “công dung ngôn hạnh”, màn hình liền hiện ra dòng chữ mờ: “… của phụ nữ”, cho thấy khái niệm này được gán cho phụ nữ nhiều thế nào, đến mức được trí tuệ nhân tạo của hệ thống tìm kiếm lớn nhất thế giới đưa vào gợi ý.
"Công dung ngôn hạnh" vốn là khuôn vàng thước ngọc người xưa dùng để đánh giá phụ nữ. Nhưng có phải đàn ông là người ngoài cuộc trong câu chuyện ngàn năm này? Tất nhiên là không - không hề và không nên. Thậm chí, những người đàn ông quay lưng với công dung ngôn hạnh sẽ khó mà “lớn nổi thành người”, chưa nói đến chuyện lấy được vợ và có được một mái ấm gia đình.
Giáo sư - tiến sĩ triết học Thái Kim Lan (sống ở Đức) khẳng định: “Công dung ngôn hạnh là những phạm trù, nguyên tắc về việc một người xuất hiện trước người khác như thế nào. Không chỉ đối với phụ nữ mà tất cả mọi người, kể cả đàn ông, cũng cần công dung ngôn hạnh, nếu muốn sự hiện hữu của mình được vui vẻ, hạnh phúc và có ích”.
Chị Hoàng Ngà (ngụ Q.7, TP.HCM) trục trặc hôn nhân mãi không giải quyết được, bởi năm xưa lỡ mê trúng người chồng có điểm 10 về “dung”, nhưng ba chữ còn lại hầu như… điểm liệt. Đúng với câu “tốt mã rã đám”, chồng chị, từ thuở choai choai, đã nghỉ học, chơi bời - cờ bạc, đua xe, đánh nhau, lớn lên không nghề nghiệp, lại sĩ diện to, nên không chịu đi làm thuê. Cái mã đẹp trai cộng thói ăn xài của anh khiến nhiều cô gái đắm đuối, tình nguyện hiến thân và anh cũng không “khách sáo”.
Chị Ngà đã quen, đã quá chán chường nên cũng không còn lần theo đánh ghen như lúc mới kết hôn. Anh cứ chôm tiền nhà, chị giấu, anh chửi bới… Từ ngày lấy chồng, chị tận dụng gầm cầu thang chung cư, cạnh căn hộ của cha mẹ chồng, làm bãi giữ xe. Một hôm, mất chiếc xe tay ga khách gửi; chị tá hỏa khi xem lại camera, biết chính ông chồng đẹp trai của mình là thủ phạm, dù hình ảnh tên trộm trong camera ghi nhận có đeo khẩu trang. Điều khiến chị lưỡng lự chưa quyết chuyện ly hôn lúc này không phải vì dư luận hay tiếc phu quân hào nhoáng như tài tử xi-nê mà là mai này biết lấy gì sinh sống nuôi con, sau khi buông bãi xe.
Đàn ông không được gọi là phái đẹp, nhưng dung mạo cũng quan trọng, bởi đó là thứ người ta dễ thấy ở nhau nhất. Nó gây cảm giác, ấn tượng, để người ta quyết định tiến lại gần, nhìn ngắm, rung động hay… bỏ chạy.
|
Ảnh minh họa |
Nhớ lại sự xuất hiện của chàng Kim Trọng trong mắt chị em nhà Kiều: “Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng/ Đề huề lưng túi gió trăng/ Sau chân theo một vài thằng con con/ Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời/ Nẻo xa, mới tỏ mặt người/ Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình/ Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”. Nguyễn Du không tả cận cảnh chàng Kim mũi cao hay thấp, mắt hai mí hay một mí, chân mày đậm hay nhạt… nhưng phong thái đĩnh đạc, thanh cao, chan hòa với thiên nhiên và thật đáng tin. Đúng là một văn nhân.
Người đàn ông xấu xí như Trương Chi hay bê tha, luộm thuộm, đầy sẹo như Chí Phèo thì dù giỏi dù hiền, cơ hội cũng hạn chế. Lận đận mưu sinh, thân mình còn lo chưa xong, lấy gì nuôi vợ con, đâm ra chán nản hoặc sẽ cố gắng lấy “cần cù bù… dung nhan” và trân quý những gì mình có được.
Những anh được/bị trời phú cho nhan sắc thì chữ công được thuận lợi hơn, nhưng nếu không giữ mình thì khả năng đánh mất chữ hạnh sẽ nhân lên. Nhiều trai xinh không lo tu chí làm ăn, chỉ chăm chăm nói lời mật ngọt để moi tiền quý bà, chấp nhận kiếp “trai bao”. Họ được trời phú nhan sắc, nhưng quên tặng kèm cái thắng trước những cám dỗ tiền tài, sắc dục. Cái thắng đó nằm ở chữ hạnh - tự mỗi người phải trang bị, để chống đỡ những chướng thứ rơi xuống đời mình.
Giữ được hạnh của bản thân sẽ giữ được những gì quý giá của cuộc sống, trong đó có gia đình. Bất luận là nam hay nữ, cái vốn điều lệ “công dung ngôn hạnh” đừng để rớt xuống dưới 50% mà nên rèn luyện, đắp bồi thêm từng ngày. Bạn có tin, gieo công dung ngôn hạnh sẽ gặt được phúc?
Bốn chữ “công dung ngôn hạnh” quý giá là không thể thiếu, dù ở thời nào, dù là phái yếu hay cánh mày râu. Có điều, với từng chữ, nam và nữ có thể “mã hóa” và hiểu từ những góc khác nhau.
Đàn ông không cần giỏi nữ công gia chánh, thêu thùa như phụ nữ, nhưng cũng cần biết đi chợ, lặt rau, cắm điện nấu cơm… Đàn ông không nên chải chuốt, tỉa tót để cạnh tranh “sắc nước hương trời” với phái đẹp; nhưng cần tươm tất, gọn gàng. Phụ nữ được khuyến khích ăn nói nhỏ nhẹ, thùy mị, kín đáo; quý ông thì cần nói lời lịch thiệp, tế nhị. Riêng chữ hạnh thì phụ nữ hay đàn ông đều cần lòng chung thủy, sắt son, giàu tình yêu thương, chia sẻ, nói chung là một tâm hồn đẹp.
Đề cập đến bốn chữ này với đàn ông không phải là áp thêm một khuôn khổ, mà là định hướng để quý ông hoàn thiện bản thân. Nếu người vợ có đủ “công dung ngôn hạnh” mà người chồng… không có chữ nào hoặc cả hai đều không có thì sự hài lòng trong hôn nhân rất thấp, hạnh phúc sẽ rất chông chênh. Nếu người cha bị “mù” bốn chữ đó, chỉ mỗi người mẹ cố dạy con cũng khó.
Trần Minh Thuận (nhân viên văn phòng, Q.1, TP.HCM)
|
Tô Diệu Hiền