Tôi an phận làm anh công chức nhà nước lương ba cọc ba đồng, nhưng đám bạn phổ thông U50 của tôi hầu hết đang kinh doanh.
Mấy năm nay thị trường tài chính trồi sụt, chứng khoán và bất động sản sụp đổ tạo hiệu ứng domino, kéo theo đó, hàng loạt ngành sản xuất và kinh doanh đình trệ, ế ẩm. Bạn bè tôi vất vả “bơi” trên thương trường thời sóng lớn, gió lớn.
|
Những người đang vất vả trên thương trường, họ thật sự rất nhiều áp lực và cô đơn. (Ảnh minh họa) |
Nhiều năm trách móc tôi ù lì, không chí tiến thủ, lười kiếm tiền, nay vợ tôi lại nói: “Lúc này mới thấy ông chồng không đầu tư làm ăn là quý báu”. Vợ nói thế, sau khi nhận tin hàng loạt bạn bè tôi lao đao vì nợ nần. Như anh bạn thân tên Long của tôi đã phá sản, ôm theo cả món tiền tiết kiệm mượn của vợ chồng tôi.
Tiếc tiền, nhưng tôi thực lòng thương bạn. Làm kinh doanh, thời nào cũng đầy khó khăn, thuyền nhỏ thì sóng nhỏ, thuyền lớn sóng lớn. Doanh nhân thực sự là những người quan trọng của xã hội, những người sẽ kéo cuộc sống của chúng ta đi lên. Bạn bè tôi, họ luôn có lý tưởng của mình, của gia đình và có khi là sự hối thúc “phải làm gì đó cho cộng đồng”, chứ không hề là vì bản thân. Như Long chẳng hạn, khởi nghiệp từ xưởng sản xuất nông sản nhỏ.
Thời trẻ tôi ung dung tới công sở mưa không tới mặt, nắng không tới đầu thì anh lặn lội lên núi chỉ bày nông dân trồng trọt. Tới mùa đi thu mua, anh gom từng ký hạt điều, cà phê lẻ đem xuống thành phố giao hàng từng quán cà phê cóc.
Sau này, anh liên tục xoay xở cách thức kinh doanh, mở rộng thêm nhiều mặt hàng phi nông nghiệp. Tôi nhớ hồi dịch COVID-19, anh đã đưa mấy chục xe tải chở rau từ Lâm Đồng về Sài Gòn “giải cứu” cơn đói rau của người thành phố chỉ với lợi nhuận 0 đồng. Tất nhiên nhà tôi cũng được anh ưu tiên giao rau.
Long nhiều lần nói với tôi, anh chấp nhận đốt cháy toàn bộ cây cầu phía sau. Anh muốn tạo thế không còn đường lùi, buộc mình tiến về phía trước. Tất nhiên như thế là chấp nhận cuộc lọc chọn khắc nghiệt, chấp nhận rủi ro. Thế nên, lúc nghe tin anh nợ nần, nhóm bạn phổ thông chúng tôi từng nghĩ, có phải anh liều lĩnh, đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán, nên mất trắng trong cơn bão tài chính mới đây hay không.
Thỉnh thoảng đi nhậu cùng nhóm bạn đang là quản lý cấp cao, là CEO các doanh nghiệp, tôi thấy họ sao mà bản lĩnh. Trên bàn nhậu, họ đều từng khóc trước thất bại, nhưng họ đều từ bỏ, vì vốn và sức lực đổ vào đã quá nhiều. Từ bỏ có nghĩa là mất. Lập luận của họ là: có con đường nào mà không chông gai. Hình ảnh cổ vũ họ là hình ảnh chung của những đại gia, người thành đạt. Người thành công có ai chưa từng trăm lần thất bại.
Tôi thì thấy, việc sống có ý chí khiến người đàn ông mạnh mẽ và hấp dẫn. Dựng cơ nghiệp, bày chuyện làm ăn không chỉ là làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn là phụng sự xã hội. Như bác Bảy chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp vợ tôi.
Năm nay, thị trường bán lẻ đầy thử thách, thị trường xuất khẩu lao đao. Bác Bảy năm ngoái tóc vẫn còn đen, qua mấy tháng chật vật lèo lái doanh nghiệp, nay đã bạc trắng. Hai mắt ông trũng sâu vì nhiều đêm không ngủ khi lợi nhuận công ty liên tục lao dốc.
Nhân viên nhìn ông mà xót xa. Nhưng cũng có người nói: tài sản ngàn tỉ hiện có của ông và gia đình cứ ngồi không, du lịch sang chảnh cũng 10 đời không hết. Tại sao ông không nghỉ ngơi, bán cổ phần rồi lùi về phía sau an dưỡng tuổi già cho khỏe.
Có lần trao đổi với báo chí, sếp tổng của vợ tôi chia sẻ về sứ mệnh đầu tàu. Con đường ông đi không còn là công cuộc kiếm tiền nữa. Trong ông già 70 vẫn còn những ý chí của thời lập thân, lập nghiệp, rừng rực khát vọng xây dựng những dự án cung ứng hàng hiện đại, giúp thay đổi đời sống từ thành thị tới nông thôn…
Ông Bảy nói, ông muốn để lại dấu chân mình không phải như một đại gia, mà như một người mở lối. Ngoài ra, ông trả lương cho cả vạn nhân viên, ông không cam tâm để họ thất nghiệp hay lương không đủ sống. Vì phía sau họ lại là những toa tàu khác như cha mẹ già, những đứa con…
|
Doanh nhân không chỉ chịu trách nhiệm đầu tàu với gia đình mình mà còn với những người khác (ảnh minh họa) |
Quay lại chuyện của Long, vợ tôi từng nói giá anh ấy dừng kinh doanh. Long giỏi ngoại ngữ, đầy kinh nghiệm thương trường, anh có thể nộp bộ hồ sợ đi làm nhân viên và ăn lương tháng. Song tôi biết Long không dừng được. Thời đi học, anh đã là đứa trẻ khác người, không chịu đứng vị trí số 2 trong lớp.
Tôi vẫn tin rằng, ngày mai rồi sẽ khác, thị trường sẽ phục hồi, có cơ hội mới cho người bền chí, Long sẽ biết cách đứng dậy và làm lại, trả nợ. Anh là kiểu người mà khó khăn không thể đánh gục, chỉ là tạm thời lùi bước khi cần thiết. Suy nghĩ của những người có chí lớn thế này - các bà phụ nữ như vợ tôi thường không hiểu được, những người đàn ông an phận như tôi thường cũng không hiểu được.
Đình Dũng