Xưa xa, dầu buông thả cỡ nào, số ít đàn ông chân chính cũng rất e ngại chuyện cầm micro ca hát nhảy múa giữa chốn đông người. Cầm kỳ thi họa thì ngoại hạng ưu tú học thức, nhưng “cầm” ở đây thuộc hàng đàn ca lễ nhạc, cùng lắm là vài điệu phóng túng ngân nga bộc lộ tâm ý mỗi khi thành bại trong đời. Còn những đàn ông quê mùa thì chủ yếu ca hát ứng đối trong các lễ hội xuân thu nhị kỳ.
Hát đối trở thành nếp sinh hoạt rộng khắp ba miền, nhờ đó, thanh niên trai tráng đến tuổi hôn nhân có cơ hội bộc lộ năng khiếu ứng tác ca từ, rồi tìm được người bạn đời như ý. Thậm chí, chàng trai nào thắng giòn giã trong cuộc hát đối còn được cả làng tôn vinh như anh hùng, vì họ tin thần thánh đã hiển linh phù trợ. Dẫu vậy, chưa bao giờ đàn ông chọn ca hát làm một nghề mưu sinh nghiêm túc.
Đàn ông thời nay không cần tôn vinh cũng tự nguyện dấn thân con đường ca hát. Chỉ cần năm phút rảnh rỗi bật truyền hình đã có hàng chục chương trình ca nhạc, và cũng chừng ấy cuộc thi ca hát quanh năm suốt tháng, đủ để không một ai cảm thấy bị đứng ngoài niềm vui sân khấu, từ các ca sĩ lừng danh đến thí sinh mới chập chững vào nghề.
Các cuộc thi ca hát bền bỉ tạo nên dư luận sôi nổi, trở thành tâm điểm tin tức nóng hổi không chỉ vì ở các cuộc thi đó, ban tổ chức đã khéo léo lắp ghép mô hình bất hủ hai ông một bà trên ghế ban giám khảo để họ, ngoài vài nhận xét chuyên môn không lấy gì làm sắc sảo, còn trổ tài những màn đấu khẩu lắc đầu múa tay rất hợp mốt kịch tính khiến khán giả thích thú bình luận; cũng không chỉ vì những màn kẻ ở người đi sướt mướt cảm ơn chúc mừng làm đau lòng người hâm mộ.
Một phần hấp dẫn của các cuộc thi ca hát, có lẽ, đến từ những chi tiết kỳ bí như chuyện thí sinh chuyển đổi giới tính, chuyện một ca sĩ “ông hoàng” bỗng nhiên nổi hứng “khóa môi” nhà sư, khiến kẻ tu hành này phải hoàn trần ngậm ngùi. Ca hát là để mua vui, giải trí, nhưng cũng để mua lòng trắc ẩn hoặc sự phẫn nộ của đám đông thì đã không còn xa lạ ở Việt Nam, thậm chí các mẹo mực để có cái gọi là scandal đã không thuộc về bí kíp của riêng ai.
Đàn ông thời nay chọn ca hát vì nhiều lý do, nhưng thuyết phục hơn cả hẳn phải ở chỗ: hiếm có con đường nào nhanh chóng nổi tiếng, giàu sang, được báo giới thiệu từng centimet cơ thể lẫn phòng ngủ, toilet, túi xách hàng nhái, đồ lót xa xỉ… như con đường ca hát; hiếm có nghề nghiệp nào vừa tập tọng lấy hơi nhả chữ bỗng chốc thành thần tượng, ra album, quẳng MV lên mạng dễ dàng như phần đông showbiz từng đạt được.
Sự nghiệp ca hát/ca sĩ, dù ngắn ngủi, cũng phơi phới tương lai, áp đảo các nỗ lực trình diễn thời trang của người mẫu, các ngón nghề thể hiện cảnh nóng của diễn viên, và những pha chống thua của cầu thủ bóng đá tại AFF’s cup hoặc SEA Games.
Bởi vậy, khi ngành giáo dục có hú vía và hú họa vì hồ sơ đại học sư phạm sụt giảm trầm trọng, thẳng thừng đe dọa sự tồn vong của nghề gõ đầu trẻ, thì lập tức một quý ông trong ngành đã thong thả giải thích rằng những công trình khoa học cả đời chưa được 10 triệu nhuận bút, bằng cát-sê một lần hát bài gì rất sầu thảm có câu “phải tôn trọng đối phương người ơi” đang lỗi mốt, sách in 1.000 bản chủ yếu tuồn vào thư viện, nếu ló mặt trên thị trường cũng chỉ để làm người ta càng có cớ quyết tâm mua sách dạy làm giàu, sách nuôi con tốt, sách dạy nấu ăn và dĩ nhiên là sách bày cách đi du lịch thế giới. Tố khổ như thế thì lấy gì bảo đảm cho các sĩ tử đương miệt mài sách vở không tặc lưỡi một lần đi thi hát như cách đánh xổ số đổi đời cho mình.
Giản dị hơn, đàn ông thời nay yêu thích ca hát vì phong trào karaoke đã len vào mỗi nhà. Nếu coi ăn lẩu là “vua” thì chắc chắn hát karaoke là “hoàng hậu”, và cặp bài trùng kinh điển ấy, đã làm cơ hàm và cơ bụng đàn ông Việt đối lập nhau rất rõ.
Ở các thành phố lớn, chỉ duy nhà hàng karaoke là thứ có thể cạnh tranh với tốc độ bung nở chóng mặt của nhà nghỉ, bất chấp việc cư dân ở đây luôn miệng than thở vì sự thiếu thốn trường học, bệnh viện và nghĩa trang. Nhưng liệu đàn ông đi hát karaoke chỉ vì thích hát, hay còn vì hiếu kỳ ông chủ nhà hàng đeo vàng nặng trĩu trên người? Dù gì, nhiều quý ông mượn cớ đi hát karaoke để bại hoại suy đồi hay tin ông chủ ấy lãnh án 12 năm tù thì hẳn chột dạ lo sợ mà tập tành tu thân.
Nhi Nữ Thường Tình