Hôm rồi, anh dẫn theo đứa con gái nhỏ sang nhà tôi mời đám giỗ. Biết nhau đã lâu vì nhà cùng hẻm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với anh. Hóa ra, người đàn ông hàng ngày vẫn mặc bộ quần áo kiểu như bảo hộ lao động, gương mặt hơi hầm hố, ra vào đều phóng xe máy vội vàng ấy cũng là một ông bố thật ân cần. Tôi nghĩ thế khi thấy anh cẩn thận gỡ từng cái hột quýt khỏi múi, trước khi đưa cho con bé. Hỏi sao cưng con quá vậy, nó cũng đâu còn nhỏ nhít nữa, anh cười thật hiền bảo, từ bé nó đã khó nuôi, bệnh quặt quẹo mãi, cực lắm. Giờ có đỡ hơn nhưng vẫn chưa bỏ được thói quen phải để mắt đến nó từng chút một.
Ảnh minh họa. Nguồn: FB
Rồi anh kể, từ lúc mới sinh, đã thấy con bé còi cọc hơn nhiều so với chị nó. Tưởng con hay bệnh vặt vậy thôi, không ngờ cứ nuôi hoài chẳng thấy lớn. Đưa đi khám chỗ này chỗ nọ, vất vả lắm anh mới tìm ra nguyên nhân: con bé bị một chứng bệnh về máu hiếm gặp, đại khái như là thiếu máu bẩm sinh, mỗi tháng phải đi truyền máu một lần. Tốn kém tiền bạc và công sức đã nhiều; chuyện ăn uống, tăng cân, chuyện học hành của con bé cũng vô cùng khó khăn. Vợ anh đã phải hy sinh nghỉ việc ở nhà toàn tâm toàn ý chăm sóc đứa con kém may mắn…
Tôi hình dung ngay đến vợ anh, người phụ nữ bấy lâu tôi ít nhiều đã xem thường vì cái vẻ lùi xùi của chị. Lầm lũi đi về, có lẽ đã nhiều năm chị chỉ biết con đường từ nhà đến trường con, đến khu chợ cóc gần nhà và cái bếp của mình. Đôi lúc tình cờ chạm mặt chị, tôi đã nghĩ: sống tẻ nhạt vô nghĩa như vậy mà chị cũng chịu được, hay thật! Tuy từng nghe phong thanh con gái nhỏ của anh chị không được khỏe mạnh bình thường, nhưng với cách nghĩ đơn giản của một người quen sáng đến văn phòng, chiều tan sở tranh thủ la cà đâu đó trước khi về nhà, tôi không sao hiểu nổi.
Chị vì cái gì mà phải chôn đời mình trong sự đơn điệu đó chứ, khi hai đứa con nhìn thì cũng đều đặn đến trường… Sau khi được nghe hai chữ “hy sinh” anh dành cho vợ hôm ấy, trong mắt tôi, hình ảnh của anh chị khác hẳn, đẹp đẽ và đáng trân trọng vô cùng. Chẳng phải đơn giản mà một người đàn ông biết ghi nhận công sức đóng góp của vợ, lại không ngần ngại nhắc đến điều đó trước người khác. Hẳn họ đã sống, đã chia sẻ với nhau như thế nào…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bạn là nhân viên dưới quyền kiêm tình nhân không bao giờ cưới của một ông sếp thành đạt. Nhân một bữa tiệc hoành tráng, có cả cấp trên về dự, chẳng biết là may hay rủi, bạn lọt vào “mắt xanh” một nhân vật cỡ bự của tập đoàn. Thế là suốt bữa tiệc, bạn liên tục bị mời rượu, được yêu cầu lên hát một bài, sau đó là cùng khiêu vũ với nhân vật ấy. Xinh xắn, trẻ trung, năng động cộng với giọng hát khá truyền cảm, bạn đã khiến cho cả phòng tiệc “bốc” lên trông thấy.
Nhân vật kia khen bạn không tiếc lời, tỏ ra rất quyến luyến, xin cả số điện thoại. Sếp bạn, có lẽ vì muốn lấy lòng cấp trên, cùng hùa vào trêu chọc. Bạn thật chẳng hiểu nổi đàn ông thật sự muốn gì, lẽ nào vì sự nghiệp mà họ sẵn lòng “dâng” luôn người yêu của mình? Mãi đến cuối buổi, bạn mới cảm thấy được vỗ về chút đỉnh, khi sếp khen riêng bạn một câu dễ gây rụng tim: Em làm anh nở mày nở mặt quá!
Không riêng những dịp đối ngoại như thế, cả những khi cơ quan có việc bạn cũng lăn xả vào, để chứng tỏ cho sếp thấy bạn yêu anh ấy không vì lợi lộc thăng tiến, thấy bạn chẳng phải loại phụ nữ chân dài óc ngắn, chỉ làm bình hoa di động nhan nhản trong công ty. Sếp ít khi cảm ơn, nhưng lại thường xuyên “xài” sự tận tụy của bạn. Quan trọng là trong lòng anh ấy biết thì được rồi, nói ra miệng hay không đâu có là gì. Tự an ủi mình như vậy những khi thấy sếp thờ ơ, chẳng thèm khen lấy một câu khích lệ với những gì mình đã nỗ lực, nên bạn cũng “tự sướng”, tự cho là những gì mình đã làm để đẹp lòng người tình vẫn được người ấy ghi nhận. Đàn ông vốn không vô ơn, bạc bẽo mà…
Có lẽ bạn còn dốc hết sức lực vì ”tình yêu”, vì sếp mãi, nếu không tình cờ nghe đám đồng nghiệp trẻ thì thầm, rằng sếp là loại người cứ có chút rượu bia vào là gọi các em dưới quyền đi “giải trí”. Lần lượt hết em này đến em khác, muốn giữ được chỗ làm thì phải biết nghe lời. Bạn tái mặt khi nghe, chính cái ngày diễn ra bữa tiệc “nở mày nở mặt” kia, cô nhân viên B. có vẻ ngoài rất gợi cảm đã tháp tùng sếp “tăng hai”. Hóa ra, cái “ghi nhận” của người đàn ông bấy lâu bạn cam tâm phục vụ trong bóng tối, đơn giản chỉ là tiện miệng phỉnh phờ nhau, vậy thôi!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đàn bà hay chủ quan nghĩ, chỉ cần người đàn ông của mình biết ghi nhận công sức mình dành cho họ là đủ. Không cần nhắc nhớ hay kể lể, càng không nên toan tính thiệt hơn với họ. Chuyện so đo, đòi công tính nợ ấy, cứ để người đàn ông “tự giác”, mình còn được “lại quả” nhiều hơn. Không ít đàn bà đã chết tức tưởi vì cái niềm tin: chỉ cần hết lòng với chồng con, là sẽ được đáp đền. Cuối cùng mới vỡ lẽ, gái có công chồng… vẫn phụ!
Thật ra, phần lớn đàn ông là cái giống… vô tình! Ít người nào chịu hiểu, để họ có thể yên tâm kiếm tiền, kiếm địa vị ngoài xã hội, người vợ đã quàng gánh bao nhiêu chuyện trong nhà. Đàn ông lại hay quên, có tâm lý xem nhẹ những việc không tên, những việc không tạo ra của cải tiền tài như việc nội trợ chẳng hạn. Với họ, đó không phải là đóng góp cho cuộc sống chung, không quan trọng vì có thể… thuê người giúp việc là xong!
Đàn bà cũng đừng trông mong, nếu bạn đến một danh phận công khai cũng không có, thì người đàn ông cũng sẽ không để bạn thiệt thòi. Em ngoan lắm, em làm anh tự hào, em khiến cho người khác phải ngưỡng mộ ganh tỵ… Xin thưa, những lời có cánh ấy chỉ ở cửa miệng, có mất mát gì mà không dùng để ru ngủ những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, chỉ cần chút “nước đường” là cam tâm đứng trong bóng tối của người thứ ba.
Đàn bà cũng đừng khờ dại cho là, cứ đẻ một đứa con, vất vả một mình nuôi con, là anh ấy chắc chắn sẽ cảm động, sẽ ghi nhớ suốt đời. Lầm to! Sự ghi nhận của người đàn ông cũng nhuốm màu “chính chủ”, chuộng cái “danh chính ngôn thuận”, không thoát khỏi những đạo lý xã hội đơn thuần. Bởi thế, người đàn bà được chồng động lòng thốt ra hai chữ “hy sinh”, ngay cả sau lưng mình như chuyện của chị, thật đáng khâm phục.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.