Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Quang Khánh, Trưởng đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Bệnh ung thư vú không phân biệt nam hay nữ. Ai có tuyến vú cũng đều có nguy cơ bị ung thư”.
Dấu hiệu bệnh báo trước 3-4 năm, nhưng chủ quan bỏ qua
|
Bà Nguyễn Thị V. chăm sóc chồng đang điều trị ung thư vú ở Đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy |
Trong phòng bệnh số 04 Đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy có hai người đàn ông vừa ăn cơm vừa trò chuyện với nhau. Ông Vũ Văn D., 74 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa, và ông Nguyễn Thanh N., 60 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận, đều là bệnh nhân nam bị ung thư vú đang được điều trị tại đây.
Câu chuyện của hai người đàn ông như bao cuộc tán gẫu bên bàn trà, rượu: bão lũ miền Trung, dịch COVID-19… hoàn toàn không nhắc đến bệnh tật của mình. Bà Nguyễn Thị V., vợ ông D. nháy mắt với tôi “ổng không bao giờ để lộ lo lắng, hay ra vẻ quan tâm bệnh mình đâu”.
Xong bữa cơm, ông D. ra khu vực sảnh xem ti vi. Ông ngồi lẫn giữa các bệnh nhân nữ. Một chị hỏi: “Chú bị sao mà vô đây?”. Ông cười gượng: “thì ung thư!”. Chị kia tròn mắt: “Chú bị ung thư vú hả?”. Ông gật đầu, đôi mắt vẫn dán vào ti vi không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện. “Đàn ông mà cũng bệnh này, lạ thiệt”, người phụ nữ nói tiếp.
Lúc này, ông D. nhìn chị nói “lạ gì, ở quê tôi mấy ông bị thiếu gì”. Ông muốn lảng tránh bệnh, và để phủ nhận sự khác biệt của mình, ông đã “lôi” những người đàn ông ở quê vào để cho thấy bệnh này rất đông. Bà Nguyễn Thị V. kể: “Ông ấy không chấp nhận bệnh này. Ông phát hiện bệnh mười năm trước mà không chịu đi chữa. Đến giờ, tôi và các con thuyết phục lắm mới chịu đi thì bác sĩ nói đã di căn rồi”.
Còn ông Nguyễn Thanh N. phát hiện sự bất thường ở vú cách đây ba năm, nhưng cũng không chịu đi điều trị. Lúc đó, ông phát hiện đầu vú bị ngứa, có rỉ dịch. Cứ nghĩ bị ngứa da bình thường nên ông N. cũng không quan tâm. Sau đó, ông phát hiện ở ngực có cục u nhỏ như hạt đậu. Ông thấy lạ, nhưng nghĩ đàn ông thì làm gì có bệnh ung thư vú nên ông quên béng luôn. Đến gần đây, khi sờ thấy cục u ở ngực ngày càng to ông mới chịu đến bệnh viện địa phương khám.
Bác sĩ phẫu thuật cắt u và kết quả giải phẫu bệnh khiến cả bác sĩ và bệnh nhân đều bất ngờ: ông N. bị ung thư vú. Ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, bác sĩ ở Đơn vị Tuyến vú kiểm tra, cho làm các chẩn đoán thì phát hiện khối u đã xâm lấn vào cơ ngực. “Cũng may là chưa di căn xa, tiên lượng chữa trị rất khả quan”, bác sĩ Huỳnh Quang Khánh cho biết.
Từ chối điều trị vì không chấp nhận “bệnh đàn bà”
Theo bác sĩ Khánh, quan niệm của nhiều người là đàn ông không mắc bệnh ung thư vú. Vì vậy, khi có tổn thương ở vú cũng không nghĩ ung thư, không chịu đi khám. Do vậy, khi đến bệnh viện thì ung thư vú ở đàn ông thường là ở giai đoạn muộn. Có những bệnh nhân nam nghĩ, ung thư gì cũng được, nhưng không phải là ung thư vú. Và nhiều người đã từ chối điều trị vì không chấp nhận sự thật này.
Như trường hợp bệnh nhân Vũ Văn D., vợ ông kể: “Cách đây hơn chục năm, bà phát hiện vú ông bị rỉ dịch và máu. Bà nói còn bị chồng la. Bà lấy giấy quệt để làm bằng chứng và khuyên chồng đi khám thì ông gạt ngang. Ba năm sau, ông D. phát hiện vú trái có cục u bằng đầu đũa, bị ngứa và đóng vảy. Vài tháng sau, cục u lớn nhanh bằng đầu ngón tay cái và đau nhức. Ông đến bệnh viện H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa khám. Bác sĩ cũng mổ lấy u cho ông như khối u thông thường, và ông coi như mình hết bệnh”.
Hai năm sau, khối u tái phát. Ông D. cũng không chịu đi khám cho đến khi vùng ngực đau nhức. Ông đến bệnh viện, bác sĩ tiếp tục mổ lấy u và chuyển lên tuyến trên làm giải phẫu bệnh. Kết quả ông D. bị ung thư vú giai đoạn 1.
Bác sĩ chỉ định hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Thế nhưng, ông D. từ chối điều trị. Ông xuất viện và quên mất căn bệnh. Gần đây, khối u lại to bằng quả chanh, gây đau tức. Ông không đến bệnh viện mà vào tận tỉnh Bình Phước tìm thầy thuốc nam. Uống cả tháng trời không đỡ nên vợ con đưa ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Khánh cho biết: “Khối u của bệnh nhân D. đã xâm lấn vô cơ ngực, có tổn thương ở phổi, nổi hạch ở nách. Bệnh đã vào giai đoạn cuối”. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt u, nạo hạch và hóa trị. Tuy nhiên, ông D. chỉ đồng ý phẫu thuật và từ chối hóa trị, “bác sĩ cứ lấy hết khối u và cho tôi về nhà”. Tôi hỏi ông D. tại sao không hóa trị, ông im lặng một lúc rồi nói “bệnh tôi có gì đâu, để tôi về quê chữa”.
Thực tế, có những bệnh nhân nam, khi nghe tin ung thư đã sốc, và khi biết mình bị ung thư vú còn sốc hơn. Vì vậy, khi chữa ung thư vú cho nam thường các bác sĩ gặp khó khăn hơn khi chữa trị cho nữ, vì phải làm công tác tâm lý rất nhiều và rất lâu.
Bác sĩ Khánh chia sẻ: “Nam giới có vẻ không chấp nhận mình bị bệnh ung thư vú, bởi họ quan niệm đó là bệnh của phụ nữ. Hiện phác đồ điều trị ung thư vú ở nam và nữ giống nhau. Thậm chí, bệnh nhân nam điều trị thuận lợi hơn vì không phải phẫu thuật bảo tồn tuyến vú và tái tạo vú sau phẫu thuật”.
Theo bác sĩ Khánh, tỷ lệ ung thư vú nam bằng 1% ở nữ. Bệnh ung thư vú nam gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường từ 60 tuổi trở lên. Khi nam giới có những dấu hiệu bất thường như vú đỏ, đóng vảy, chảy dịch, núm vú thụt vào, sờ có cục u… thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Vì đó là dấu hiệu của ung thư vú nam.
Những trường hợp ở giai đoạn muộn hơn thì nách nổi hạch, hoặc có những bệnh nhân đi khám bệnh gan, phổi mới phát hiện ung thư vú đã di căn đến các cơ quan này. Do vậy, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như trên, hoặc trong gia đình có người bị ung thư nói chung, hay ung thư vú thì nên lưu ý đến sức khỏe. Khi vú có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
|
Thùy Dương