Dân nuôi tôm phập phồng cùng thị trường

25/06/2018 - 08:19

PNO - Giá tôm xuất khẩu tiếp tục giảm tuy đã có dấu hiệu dò đáy. Theo đó, khoảng 10 ngày đầu tháng 6, xu hướng giảm giá tôm bị chặn đứng và từ giữa tháng 6 đến nay ở một số nơi nhích nhẹ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây cho biết, khoảng 10 ngày đầu tháng 6, xu hướng giảm giá tôm bị chặn đứng và từ giữa tháng 6 đến nay ở một số nơi nhích nhẹ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại và địa phương.

Cụ thể tại Sóc Trăng, nhiều doanh nghiệp thu mua tôm loại 60 - 70 con/kg giá từ 110.000 - 115.000 đồng, tôm loại 100 con giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Dan nuoi tom phap phong cung thi truong
Thu hoạch tôm sú.

Tình hình thị trường này đã làm cho nông dân bớt lo đôi chút. Bởi nhớ lại hồi tháng 5, theo Hiệp hội thủy sản VN VASEP thì giá tôm đã xuống đáy 2 năm. Giá tôm chân trắng và tôm sú tại tỉnh Sóc Trăng cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh vào thời gian này.

Khi đó, thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giảm từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2018. Tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg.

Tại Cà Mau, tôm loại 100 con/kg chỉ còn giá khoảng 80.000 đồng/kg, giảm 15% so tháng 4; còn tôm loại 70 - 90 con/kg giảm nhiều hơn nữa.

Với đà giảm mạnh này, nhiều người nuôi tôm Việt Nam đã phải treo ao, giảm mật độ nuôi tôm để bớt thua lỗ, giảm thiệt hại.

Tuy nhiên, tình hình này cũng sẽ còn khó khăn ít nhất cho tới hết quý 3 năm nay, theo dự đoán thị trường của các chuyên gia trong ngành này. Và đây cũng không chỉ là khó khăn của riêng nông dân Việt, mà còn là khó khăn chung của ngành tôm xuất khẩu thế giới. Mà lý do đơn giản là cung cao hơn cầu.

Sản lượng tôm nuôi thế giới tăng là do sản lượng của nhiều nguồn cung lớn như: Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia dự báo tăng trong năm 2018.GSMC ước tính, sản lượng tôm của Ấn Độ có thể đạt 697.000 tấn năm 2017/2018. 

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu về thị trường tôm tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC), sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới sẽ phục hồi với sản lượng có thể vượt qua 3,5 triệu tấn năm 2018. Tổng sản lượng này được đánh giá là vượt lên mức cao nhất trong 10 năm qua (2008-2018).

Sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng từ 469.000 tấn năm 2017 lên 531.000 tấn năm 2018. Nhóm nghiên cứu ước tính sản lượng ở Trung Quốc “chạm đáy” năm 2017 với 525.000 tấn và dự kiến sản lượng đạt 625.000 tấn năm 2018. Indonesia cũng dự kiến tăng sản lượng tôm trong năm 2018 lên 335.000 tấn.

Để cạnh tranh, các nhà xuất khẩu tôm lại chơi bài hạ giá để có khách hàng. Tại thị trường Mỹ, vốn là thị trường tiêu thụ tôm rất lớn, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ.

Giá trung bình nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ đạt 9,9 USD/kg trong quý I/2018 trong khi giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đạt 11,4 USD/kg. Giá trung bình nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ trong năm 2017 đạt 10,1 USD/kg.

Dan nuoi tom phap phong cung thi truong
Dân nuôi tôm phập phồng cùng thị trường.

Trong khi, ở các thị trường lớn nhập tôm vẫn còn hàng tôm tồn kho thì lại chưa tới thời điểm tiêu thụ mạnh. Ví như Trung Quốc. Theo thông tin từ chuyên trang thông tin kinh doanh undercurrentnews.com, nhà nhập khẩu tôm của Trung Quốc thời gian qua tạm ngưng mua hàng, tình trạng này có thể kéo dài đến tháng 9.2018. 

Lý do vì lượng tôm tồn kho ở đây còn nhiều. Nguyên nhân do năm trước Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn tôm; ước tính đến 63.453 tấn, tăng 4% so với năm 2016.Tỷ giá USD gần đây tăng cũng góp thêm tác nhân cho xu hướng đi xuống của giá tôm thế giới. USD tăng càng làm nhu cầu nhập khẩu của các nước tiêu thụ tôm chính giảm.

Trong bối cảnh giá tôm giảm, các nhà nhập khẩu thận trọng chờ giá tôm tiếp tục hạ nữa mới mua vào hoặc yêu cầu bên cung cấp giảm giá 10-20%. Tất cả tạo áp lực cho tôm xuất khẩu toàn cầu trong đó có VN.

Bởi vậy nên cách tốt nhất với người nuôi tôm là phải thích ứng với thị trường nếu muốn làm ăn lâu dài. Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng đã đưa ra giải pháp bà con nông dân nên nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Bởi nếu dừng việc thả nuôi thì chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn để nông dân nuôi tôm tồn tại chính là sự trợ lực từ phía ngân hàng, từ các doanh nghiệp và đặc biệt là từ Chính phủ. Bởi vốn nuôi tôm phần nhiều là từ vốn vay ngân hàng. Nếu dân nuôi tôm khó khăn mà không được giãn nợ thì họ có thể phá sản.

Và các doanh nghiệp thu mua và sản xuất tôm xuất khẩu cũng như các nhà cung cấp thức ăn cho tôm cũng cần hợp tác với nông dân, giảm lợi nhuận để không đánh mất vùng nguyên liệu.

Kinh nghiệm cho thấy ở các quốc gia khác, cách này đang được áp dụng hiệu quả. Tại Ấn Độ, các công ty thu mua ở bang Andhra Pradesh đã thống nhất một mức giá mua tối thiểu đối với tôm cỡ 100 con/kg để hỗ trợ người nuôi đang gặp khó khăn để họ không bỏ ao. 

Tại Thái Lan, công ty thức ăn chăn nuôi của Thái Lan, Charoen Pokphand Foods (CP Foods) đang cố gắng giảm chi phí sản xuất cho người nuôi tôm trong bối cảnh có thể gọi là “khủng hoảng giá tôm”.

Một giải pháp khác là nhân đà này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp.

Ví như thị trường dù khó nhưng tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) vẫn có nhu cầu lớn tại thị trường EU với giá cao. Trong khi Việt Nam đã và đang sản xuất được mặt hàng này, nên cái cần sẽ là tăng sản lượng những loại tôm có chất lượng cao và giá thành tốt như thế này để có thể sống sót ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất của thị trường tôm thế giới.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI