PNO - Chưa có quy định pháp luật về việc dán nhãn 18+ cho sách, đây là khoảng trống dễ gây tranh cãi đối với sách cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự đồng hành, dẫn dắt của người lớn trong việc chọn/đọc sách cùng con.
Không Phải Sách Có Yếu Tố Tình Dục Đều Là Phản Cảm
Sau thời gian trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội, tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của tác giả Ocean Vuong (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) đang chuẩn bị được tái bản, với bìa sách có dán nhãn 18+. Đây cũng là đề xuất từ phía Nhà xuất bản Hội Nhà văn khi báo cáo với Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản) về việc một số đoạn trích trong tác phẩm tạo dư luận trái chiều. Kết quả thẩm định của Cục Xuất bản về Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian khẳng định: tác phẩm này có nội dung tốt, không vi phạm Luật Xuất bản. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản - các nhà xuất bản cần lưu tâm đến việc dán nhãn, phân loại sách để tác phẩm đến đúng đối tượng bạn đọc.
Các em học sinh ở TPHCM trong một buổi nghe giới thiệu, tìm hiểu về sách - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Thực tế, việc dán nhãn, phân loại xuất bản phẩm đã được quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng chỉ đề cập đến độ tuổi 3+, 6-10 tuổi, 11-16 tuổi. Các đơn vị làm sách, xuất bản đã luôn làm tốt điều này đối với sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, quy định dán nhãn 18+ cho sách lại chưa có. Việc phân loại, dán nhãn cho sách trong trường hợp cần thiết lâu nay đều phụ thuộc vào sự thẩm định của các đơn vị làm sách, xuất bản.
Sau vụ việc vừa qua, lãnh đạo Cục Xuất bản cũng lưu ý các đơn vị cần có hướng dẫn cho bạn đọc, nhất là đối với sách có miêu tả liên quan đến khía cạnh tình dục và/hoặc bạo lực. Nhưng không phải tác phẩm văn học nào có yếu tố tính dục, tình dục cũng phản cảm, gây tranh cãi và được dán nhãn. Nếu gọi tên các tác phẩm văn chương (trong nước và được chuyển ngữ, phát hành tại Việt Nam) có đề cập đến yếu tố luôn được cho là nhạy cảm này thì sẽ rất nhiều: Báu vật của đời (Mạc Ngôn), Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (G.Marquez), Rừng Nauy (Murakami Haruki), Lụa (Alessandro Baricco)...; Đêm núm sen (Trần Dần), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu)…
Tình dục chỉ là một phần trong tác phẩm mà qua đó, nhà văn có thể chuyển tải được cái đẹp, cái bi của các nhân vật cũng như tư tưởng, tinh thần của tác phẩm. Đây cũng không phải là “vùng cấm” của văn chương và ranh giới giữa nghệ thuật hay phản cảm lại còn tùy thuộc vào bản lĩnh của nhà văn, dịch giả cũng như góc nhìn, cảm nhận của người đọc. Việc dán nhãn 18+ là chưa từng có tiền lệ đối với sách. Giải pháp dán nhãn cho Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian hiện là cách tốt nhất để ngừng dư luận tranh cãi. Dán nhãn cho sách cũng sẽ là sự hướng dẫn rõ ràng và cần thiết cho người lớn trong việc chọn sách, chỉ dẫn đọc cho trẻ vị thành niên.
Đọc sách cùng con
Câu chuyện từ Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng nên được xem là tiếng nói đại diện điển hình từ phụ huynh có quan tâm, đồng hành với con trẻ trong việc đọc sách. Một tác phẩm văn chương được đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng cùng sự yêu thích của bạn đọc trong và ngoài nước lại trở thành cuốn sách gây tranh cãi dữ dội chỉ vì được trao tay sai đối tượng. Nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, công bằng hơn cho tác phẩm, đây lại là thiếu sót của người lớn trong việc đồng hành, cùng đọc và tìm hiểu tác phẩm hay với trẻ dưới 18 tuổi.
Sách dán nhãn 18+ ở thời điểm này là điều rất cần được Cục Xuất bản cũng như các nhà làm sách lưu tâm. Có chỉ dẫn ngay từ đầu sẽ tránh cho các tác phẩm sau này không rơi vào tình cảnh tương tự như Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Nhưng quan trọng và cần thiết nhất vẫn là sự đồng hành của phụ huynh, thầy cô giáo trong việc chọn và đọc sách cùng trẻ. Nếu thiếu đi sự dẫn dắt của người lớn, sách gắn mác 18+ lại càng có khả năng gây tò mò nhiều hơn cho bạn đọc vị thành niên.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian gây ra những tranh cãi không đáng có chỉ vì được người lớn trao tặng sai đối tượng bạn đọc. Ảnh: Nhã Nam
Sách cho lứa tuổi tiểu học hiện nay được ghi độ tuổi phù hợp rất rõ ràng trên bìa. Đường sách TPHCM cũng đã công bố danh mục sách hay cho học sinh tiểu học, với hàng trăm tựa. Nhiều câu lạc bộ, dự án đọc sách cùng trẻ thơ luôn chọn các tựa hoặc bộ sách hay, ý nghĩa, phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Nhưng với độ tuổi thanh thiếu niên và vị thành niên, cơ hội và khả năng tiếp cận của các em không chỉ có sách giấy mà còn có truyện tranh, truyện chữ trên không gian mạng. Thậm chí, rất nhiều truyện không được thẩm định hay kiểm duyệt mà phần lớn trong số sáng tác trôi nổi này, yếu tố sex, bạo lực lại rất nhiều.
Trong những buổi giao lưu về sách, rất nhiều thắc mắc của các em nhỏ dành cho các chuyên gia văn hóa đọc cũng cần phụ huynh, thầy cô giáo lưu tâm: nên chọn sách về tìm hiểu giới tính như thế nào; cần đọc sách gì để vượt qua những vấn đề tâm lý tuổi học đường; những tựa sách nào có thể giúp trau dồi kỹ năng giao tiếp, tự tin; đọc thế nào để học văn tốt hơn… Đây đều là những câu hỏi cần các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cùng tìm hiểu, giải đáp và hướng dẫn. Nên chăng, bên cạnh những yêu cầu về việc dán nhãn cho sách, cần xây dựng một kênh riêng chuyên đánh giá tác phẩm, hướng dẫn dành cho bạn đọc dưới 18 tuổi - như một số quốc gia đã làm. Đó chính là sự thẩm định và phân loại sách chi tiết, khách quan, đa chiều và hữu ích nhất từ công chúng.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.