Đặt biển 18+, kiểm soát khách vào triển lãm
Từng có vài triển lãm ảnh nude hiếm hoi được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng đây là lần đầu một cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đứng ra tổ chức triển lãm theo dạng “chính ngạch”, khiến câu chuyện càng nóng trong dư luận. Nóng, bởi ở nước ta, ảnh khỏa thân vẫn bị xếp vào dạng “không chính thống”, “nhạy cảm”… Nghệ sĩ được cấp phép triển lãm cực ít. Nhiều người vẫn có thái độ ác cảm, hoài nghi lẫn dè dặt khi nhắc đến thể loại ảnh này.
|
Tác phẩm Nụ của nghệ sĩ Thái Phiên
|
Triển lãm lần này, do đó, được xem như một định hướng để phân định giữa ảnh khỏa thân nghệ thuật với ảnh khỏa thân dung tục. Tin từ Cục MT-NA-TL cho biết, triển lãm dự kiến diễn ra từ ngày 23-30/7 tại Trung tâm Triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh (19 Hàng Bài, Hà Nội), quy tụ các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Thái Phiên, Nguyễn Dzũng Art, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu, Đào Đức Hiếu, Phó Bá Cường, Nguyễn Á, Ngô Văn Phú, Đỗ Thị Mai, Trần Nhân Quyền...
Tuy nhiên, giới làm nghề chưa kịp vui đã tỏ ra ngao ngán với động thái dán nhãn 18+ từ nhà tổ chức. Biển đề “18+” sẽ được đặt tại cổng triển lãm. Cán bộ của trung tâm triển lãm cũng sẽ thường xuyên kiểm soát, nhắc nhở khách phải tuân thủ quy định về độ tuổi.
Cấp phép, nhưng “vẫn chưa đến lúc”
Nhiều năm qua, các nghệ sĩ đã nhiều lần ôm hồ sơ xin cấp phép triển lãm và câu trả lời từ phía cơ quan quản lý thường là “chưa đến lúc”. Nhưng giờ đây, khi một đơn vị đầu ngành đứng ra tổ chức triển lãm, lẽ nào vẫn chưa đến lúc nên vẫn cần dán nhãn hạn chế người xem?
Không biết tới bao giờ, triển lãm ảnh nude mới có thể xuất hiện một cách đàng hoàng như các thể loại khác; để những người quan tâm, yêu thích có thể tiếp cận mà không phải đi đường vòng hoặc qua bất cứ vật cản nào? Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho biết, anh vẫn đang chờ đợi “một ngày nào đó, cái đẹp của tạo hóa trong ảnh khỏa thân nghệ thuật sẽ được đón nhận một cách rộng rãi và bình đẳng như xã hội từng đón nhận những vẻ đẹp khác”.
Trong nghệ thuật, không có phép tính nào để tính biên độ của đường cong. Đánh giá thế nào là ảnh nude nghệ thuật và phản nghệ thuật là việc làm mang nặng cảm tính, đòi hỏi rất nhiều bản lĩnh lẫn tư duy mỹ học. Với người này, đó là tác phẩm đẹp, nhưng với người kia thì chưa chắc.
Chưa kể, tác phẩm ra sao còn phụ thuộc vào văn hóa và “cái đầu” của người xem. Vì thế, việc ban tổ chức dán nhãn hay đưa ra tiêu chí lựa chọn ảnh triển lãm, theo nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, là chưa có sự triệt để về mặt nghệ thuật cũng như thụ hưởng nghệ thuật.
“Thường những gì tinh túy và tâm huyết nhất, nghệ sĩ mới đưa đi triển lãm. Triển lãm lần đầu do Cục MT-NA-TL tổ chức, càng đặc biệt, càng phải tinh túy. Chúng tôi là những nghệ sĩ lâu năm, tác phẩm cũng như bộ mặt, uy tín làm nghề của mình. Nhưng những tác phẩm chúng tôi tâm đắc nhất chưa chắc “lọt mắt” của giám tuyển. Cấp phép triển lãm, nói vui thì cũng vui, nhưng cũng là điều dở, bởi những tác phẩm có mặt chưa chắc là những gì nghệ sĩ tâm huyết nhất” - Dương Quốc Định nói.
|
Một tác phẩm của Dương Quốc Định |
Có thể hiểu cho sự thận trọng của Cục MT-NA-TL, bởi hơn ai hết, các vị thừa biết triển lãm lần đầu sẽ chịu sự đánh giá đa chiều của dư luận. Dán nhãn 18+, một mặt nào đó, cũng không phải là quá đáng, nếu so trong tương quan với sân khấu kịch nghệ hay điện ảnh. Nhưng kể cả khi dán nhãn cũng cần tế nhị, bởi chúng ta đang làm văn hóa nên cần hành xử trên tinh thần văn hóa. Một chiếc bảng hạn chế độ tuổi trước cửa triển lãm sẽ khó mà xem là hành xử tế nhị được.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT-NA-TL, Bộ VH-TT-DL: “Đó là sự cẩn trọng cần thiết”
Ngay khi công bố thông tin về triển lãm ảnh nude nghệ thuật do Bộ VH-TT-DL tổ chức, dư luận đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động mang tính “cởi trói” về tư duy, thay đổi cách nhìn nhận của công chúng đối với loại hình nghệ thuật này. Chính vì sự quan tâm đó mà trong các khâu chuẩn bị cho triển lãm, Cục MT-NA-TL đã rất cẩn trọng. Triển lãm nhằm định hướng, tạo nên đối trọng cần thiết, giúp công chúng phân định lằn ranh vốn rất mong manh giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh nude có tính khiêu dâm.
|
Tất nhiên, không dễ để phân định cái thanh - cái tục ở một bức ảnh nude. Các tác phẩm có mặt tại triển lãm đã được lựa chọn kỹ theo các tiêu chí chặt chẽ - từ góc chụp, ánh sáng cho đến sự sắp đặt của nghệ sĩ đối với mẫu, sao cho tác phẩm bật lên vẻ đẹp tự nhiên và thuần khiết của cơ thể phụ nữ mà không thô thiển. Bên cạnh đó, nếu ảnh lộ danh tính người mẫu, Cục MT-NA-TL yêu cầu phải có văn bản thỏa thuận giữa người chụp ảnh và người được chụp về nội dung chụp, thời gian và phạm vi công bố tác phẩm. Đây là quy định của pháp luật.
Việc gắn mác 18+ và cử cán bộ nhắc nhở người xem tuân thủ quy định về độ tuổi là quyết định đã được ban tổ chức triển lãm cân nhắc kỹ. Tôi cho rằng, đây là sự thận trọng cần thiết trong thời bùng nổ thông tin đa chiều như hiện nay. Chúng tôi mong triển lãm sẽ là một hoạt động nghề nghiệp có chất lượng, chuẩn mực, dành cho giới làm nghề và công chúng thực sự quan tâm đến ảnh nude nghệ thuật.
Tất nhiên, với những công nghệ như máy ảnh, smartphone, các tác phẩm ở triển lãm có thể được chụp lại dễ dàng và người xem dưới 18 tuổi vẫn có thể tiếp cận chúng. Tuy nhiên, vì mục đích của triển lãm là tạo ấn tượng trực quan với người xem về ảnh nude nghệ thuật nên việc phân độ tuổi đến xem triển lãm trực tiếp vẫn là một sự cẩn trọng cần thiết.
Hoàng Anh (ghi)
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên: “Mới chỉ là cánh cửa hé!”
Ở Việt Nam, văn hóa Á đông vẫn còn nặng. Vì vậy, ban tổ chức đã chọn cách an toàn là dán nhãn 18+. Ảnh nude chỉ là một trong nhiều mảng của nhiếp ảnh. Nếu trước đây bị xem là thể loại chưa chính thống thì bây giờ, ít nhiều cũng đã thay đổi. Người ta không còn e dè, ngại ngần khi nhắc tới nó. Thế nhưng, để nói ảnh nude bình đẳng như ảnh chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… thì chưa. Chúng ta chỉ đang tiến tới sự bình đẳng đó mà thôi. Với việc cấp phép nhưng lại dán nhãn 18+, Cục MT-NA-TL mới chỉ mở hé cánh cửa hội nhập này.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định: “Dán nhãn 18+ là động tác thừa”
Dán nhãn 18+ là động tác thừa. Khi dán nhãn, cục đã vô tình gây ra một phản ứng ngược, theo kiểu càng cấm thì càng gây tò mò. Bây giờ, trên mạng cái gì chẳng có. Tuổi 16, 17 ngày nay cũng đâu giống ngày xưa nữa. Có nhất thiết phải cấm và có cấm được không? Tại sao chúng ta làm một chuyện hết sức bình thường mà nhiều nước đã làm từ lâu, lại sợ lời qua tiếng lại?
Những tác phẩm của tôi hay những đồng nghiệp khác, có phải đợi đến lúc Nhà nước cấp phép công bố thì công chúng mới thấy đâu. Những tác phẩm đoạt giải bao nhiêu năm qua, báo chí cũng đưa tin ầm ầm, chỉ cần gõ vài từ khóa trên mạng là ra. Việc mở cửa nhưng mở hé, dán nhãn 18+ để thăm dò dư luận, chỉ thể hiện sự rụt rè, thiếu mạnh dạn của ban tổ chức.
|
Đậu Dung