Dàn nhạc cổ điển và K-pop "bắt tay" trong mùa dịch COVID-19

07/09/2020 - 09:46

PNO - Khi các buổi hòa nhạc buộc phải hủy bỏ vì dịch bệnh, dàn nhạc cổ điển chuyển hướng hợp tác cùng các ca sĩ K-pop phát hành sản phẩm trực tuyến, bùng nổ ngành âm nhạc Hàn Quốc.

Nhạc cổ điển là một nền tảng vững chắc nhưng bị coi là cũ và khá kén khán giả thưởng thức trong ngành âm nhạc Hàn Quốc. Trong khi K-pop tiếp tục tạo dựng danh tiếng và lan tỏa sức hút hơn bao giờ hết, kể cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. 

Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng dịch COVID-19, dàn nhạc giao hưởng buộc tạm ngưng hoạt động khi các buổi hòa nhạc lần lượt bị hủy bỏ. Để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển đã chuyển hướng hợp tác cùng các thần tượng K-pop, tạo nên những sản phẩm âm nhạc mới mẻ, mang đến niềm vui và sự giải trí cho công chúng.

Seoul Philharmonic Orchestra hipwj tác cùng nhóm Red Velvet
Seoul Philharmonic Orchestra hợp tác cùng nhóm Red Velvet.

Trong tháng 6, dàn nhạc lâu đời nhất Hàn Quốc Seoul Philharmonic Orchestra (SPO) và SM Entertainment (tập đoàn giải trí lớn nhất tại Hàn) đã ký kết một bản ghi nhớ MOU, cam kết tạo ra những tác phẩm kết hợp, pha trộn các thể loại âm nhạc. Từ đây, mở ra cơ hội cho các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

Hiện, SPO và SM Entertainment đã phát hành phiên bản dành cho dàn nhạc thông qua các bài hát K-pop nổi tiếng như Red Flavor của nhóm Red Velvet và End of a Day của Jonghyun. Các ca khúc này được Park In-young, một trong những nhà soạn nhạc và dàn dựng nổi tiếng nhất xứ kim chi, sắp xếp, phát hành trên nhiều dịch vụ phát trực tuyến âm nhạc quốc tế và đăng tải video trên YouTube.

Vượt ngoài dự đoán, phản ứng từ người hâm mộ thực sự bùng nổ. Cụ thể, phiên bản dành cho dàn nhạc của Red Flavor, phát hành ngày 17/7, đã thu hút hơn 1,25 triệu lượt xem trên YouTube tính đến tháng 8. Trong khi đó, phiên bản tương tự của End of a Day cũng thu về hơn 465.000 lượt xem sau khi ra mắt ngày 24/7. Quản lý của dàn nhạc cho biết, nhờ hiệu ứng từ sự hợp tác "chúng tôi hiện có nhiều khán giả theo dõi trên các trang mạng xã hội.”

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các nghệ sĩ thuộc nhiều thể loại khác nhau kết hợp. Trước đó, nhiều nhạc cụ cổ điển đã được sử dụng trong dự án hợp tác giữa K-pop và dàn nhạc thính phòng. Điển hình như Seo Tai-ji, Tolga Kashif và Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia đã tổ chức một buổi hòa nhạc lớn, tái hiện lại các bản hit của Seo tại Seoul vào năm 2008. Tuy nhiên, lần hợp tác này được coi là nỗ lực hiếm có bởi chưa dàn nhạc và công ty giải trí nào cam kết kinh doanh quy mô lớn như SPO và SM Entertainment.

Các nghệ sĩ dàn nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng thông qua các sản phẩm kết hợp cùng các ca sĩ Kpop.
Các nghệ sĩ dàn nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng thông qua các sản phẩm kết hợp cùng các ca sĩ K-pop.

Cố vấn điều hành của SM Classics, Moon Jung-jae nói với The Korea Times sự bắt tay lần này nhằm mục đích đa dạng hóa nền âm nhạc: "Việc kết hợp bí quyết của SM trong khi phát triển văn hóa K-pop và khả năng âm nhạc của SPO đã tạo ra nhiều nội dụng mới cho thị trường âm nhạc Hàn Quốc và người hâm mộ.

Bên cạnh đó, các nhà phê bình cũng cho rằng sự hợp tác chéo giữa âm nhạc cổ điển và K-pop sẽ có lợi cho ngành công nghiệp âm nhạc, cung cấp thêm việc làm cho các nghệ sĩ dàn nhạc, giúp họ được nhiều khán giả biết đến hơn, đồng thời thúc đẩy dàn nhạc sử dụng nhiều nội dung K-pop trong các buổi trình diễn của họ.

Chung Thu Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI