Dân nghiện shopping đổ xô đến Nhật Bản mua hàng xa xỉ

03/08/2024 - 17:51

PNO - Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng khách du lịch quốc tế với mục đích chính là mua sắm hàng xa xỉ với mức giá dễ chịu.

Nhiều tín đồ hàng hiệu đang lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến cho mục đích mua sắm của mình - Ảnh:
Nhiều tín đồ hàng hiệu đang lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến cho mục đích mua sắm của mình - Ảnh: Reuters

Với nhiều người Trung Quốc đam mê săn hàng hiệu thì chiếc túi Louis Vuitton Speedy Bandouliere 20 có giá 2.400 đô la Mỹ (khoảng 58 triệu đồng) là quá đắt đỏ khi mua ở ngay tại Trung Quốc.

Và đó cũng chính là lý do giải thích cho hiện tượng tăng đột biến số lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản thời gian gần đây - nơi giá của chiếc túi cùng nhãn hiệu chỉ chưa tới 2.000 đô la Mỹ.

Theo The New York Times, khách du lịch quốc tế có thể cảm ơn sự suy yếu của đồng yên Nhật khiến giá cả các món hàng xa xỉ cũng vì thế mà giảm khá sâu. Đây được xem là một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng số lượng du khách đổ xô đến đất nước mặt trời mọc với mục đích chính là mua sắm.

Thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy, đã có hơn ba triệu khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản chỉ trong tháng vào tháng 5/2024, trong đó khách du lịch đến từ Trung Quốc chiếm đa số, tăng hơn 800% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách du lịch quốc tế đang đổ xô vào Nhật Bản để tận dụng sự sụt giảm của đồng yên cho mục đích mua sắm - Ảnh:
Khách du lịch quốc tế đang đổ xô vào Nhật Bản để tận dụng sự sụt giảm của đồng yên cho mục đích mua sắm - Ảnh: AP

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm tăng lãi suất đồng yên vốn đang trượt dốc không phanh xuống mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua, đồng tiền của nước này vẫn tụt hậu so với đồng đô la Mỹ khiến nhiều mặt hàng xa xỉ cũng vì vậy mà giảm khá sâu.

Ví dụ như: một chiếc đồng hồ Tag Heuer bán với giá 6.450 đô la Mỹ (khoảng 163 triệu đồng) ở New York thì có thể được mua với giá chưa tới 5.000 đô la Mỹ (khoảng 125 triệu đông) ở Tokyo, đã bao gồm giảm giá miễn thuế 10% cho khách du lịch quốc tế.

Kết quả là, nhiều du khách nước ngoài đến Nhật Bản với mục tiêu mua sắm được đặt lên hàng đầu trong hành trình của mình.

"Shopping, shopping, shopping. Các thương hiệu thời trang cao cấp ở đây rẻ hơn nhiều so với mua ở nước chúng tôi. Tôi sẽ ưu tiên mua mấy món đồ của Dior và Chanel" Mộ nữ du khách đến từ Indonesia nói với hãng tin Reuters về lý do lựa chọn Nhật Bản để đi du lịch.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Nhật Bản, doanh số bán lẻ của nước tăng 3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ thị trường hàng xa xỉ sẽ đạt 41,1 tỷ USD trong năm 2024, và được dự báo sẽ đạt 42,3 tỷ USD trong năm 2025, trích báo cáo từ nền tảng phân tích xu hướng tiêu dùng Euromonitor

Bất chấp sự suy thoái kinh tế xảy ra trên phạm vi toàn cầu, các công ty chuyên doanh hàng xa xỉ như LVMH (tập đoàn quốc tế của Pháp sở hữu nhiều nhãn hiệu thời trang và làm đẹp cao cấp như Louis Vuitton, Dior, Bvlgari, Céline, Givenchy, Tiffany & Co, Fendi đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Nhật Bản. Doanh số bán hàng của LVMH tại thị trường Nhật Bản tăng 31% trong chín tháng đầu năm 2023.

Hàng loạt cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng như: Celine, Dior, Cartier và Hermes cũng đã xuất hiện tại những trung tâm mua sắm lớn ở Tokyo chỉ trong năm nay để sẵn sàng làm hài lòng làn sóng du khách quốc tế vẫn đang không ngừng tìm đến để thỏa mãn cơn say săn hàng hiệu của mình.

Hàng loạt nhãn hàng thời trang xa xỉ đang tiếp cận thị trường Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu của những tín đồ mua sắm - Ảnh: The New York Times
Hàng loạt nhãn hàng thời trang xa xỉ đang tiếp cận thị trường Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu của những tín đồ mua sắm - Ảnh: The New York Times

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI