Mong hết cảnh “qua sông phải lụy phà”
Hiện nay, huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM chưa có kết nối giao thông đường bộ với các quận, huyện còn lại. Từ huyện Nhà Bè, muốn qua Cần Giờ, người dân chỉ có lựa chọn duy nhất là vượt sông Soài Rạp bằng thuyền, ca nô và phổ biến nhất là phà.
|
Phối cảnh cầu Cần Giờ |
Ngược lại, muốn đi về hướng trung tâm TPHCM, người dân Cần Giờ chỉ có lựa chọn duy nhất là qua phà Bình Khánh. Nhu cầu qua bến phà này ngày càng tăng cao, đặc biệt là vào dịp cuối tuần và lễ tết, đã gây nên tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, phát triển du lịch, hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo.
Làm nghề buôn bán rau củ, thường xuyên phải qua lại giữa Cần Giờ và Nhà Bè để lấy hàng, chị Lê Thị Bé (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) cho biết, chạy xe trên đường Rừng Sác thì thênh thang, nhanh chóng, nhưng cứ đến bến phà là phải khựng lại chờ đợi. Để qua được phà, lúc thông thoáng cũng mất 30 phút, bao gồm thời gian chờ đợi, mua vé, soát vé, lên xuống phà… Sợ nhất là những hôm cuối tuần, xe nối đuôi nhau xếp hàng dài dưới nắng, có hôm mất cả tiếng mới lên được phà.
“Những lúc con ốm, đưa con vào trung tâm khám, cả mẹ lẫn con nheo nhóc, mệt nhoài chờ đợi nơi bến phà” - chị Bé chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (TP Thủ Đức) kể về một lần trải nghiệm đi du lịch Cần Giờ vào dịp cuối tuần. “Buổi sáng, khi đi, thì bị kẹt cứng trên đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) dẫn vào phà. Còn buổi chiều, lúc về, xe lại bị “chôn chân” hơn 2 tiếng phía đường Rừng Sác. Đi trong thành phố nhưng mất thời gian nhiều hơn đi các tỉnh, thành lân cận. Đây là điều khiến nhiều người ngán ngại khi nhắc đến du lịch Cần Giờ, làm giảm sức hấp dẫn của vùng đất này. Tôi tin, chỉ cần có một cây cầu thì du lịch Cần Giờ sẽ phát triển hơn rất nhiều”.
Là người thường xuyên đi về giữa Cần Giờ với trung tâm thành phố, ông Nguyễn Minh Phước - Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh An - nhìn nhận, do cách trở sông nước, nên các giáo viên, học sinh ở xã Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung thường phải di chuyển vất vả hơn rất nhiều so với các quận, huyện khác. Chẳng hạn, học sinh Cần Giờ muốn tham gia các cuộc thi hoặc hoạt động chung của ngành giáo dục thành phố thì phải vào đất liền từ hôm trước, phát sinh chi phí ăn, ở. Ngay cả lãnh đạo, giáo viên đi dự họp hay dự một sự kiện nào đó, cũng phải vào đất liền từ tối hôm trước để kịp làm việc vào sáng hôm sau. Chi phí phát sinh cũng gần bằng chi phí đi công tác các tỉnh lân cận.
“Cầu Cần Giờ được xây sẽ thuận tiện cho thầy cô, học sinh Cần Giờ rất nhiều. Người dân ở huyện đã mong ngóng cây cầu này nhiều năm nay” - ông Nguyễn Minh Phước nói.
Nhà nước - tư nhân kết hợp để xây cầu
Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - nhìn nhận, việc xây dựng cầu Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố cũng như các khu vực lân cận là rất cần thiết. Cầu xây xong sẽ hình thành nên tuyến giao thông mới kết nối trực tiếp với khu vực phía nam thành phố, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ còn có dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô dân số quy hoạch là 228.506 người và khách du lịch dự kiến khoảng 8,89 triệu lượt khách/năm.
Ngoài ra, thành phố đã nghiên cứu và đề xuất bổ sung vào quy hoạch và ưu tiên thực hiện đầu tư đối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An), có khả năng khai thác tàu container 24.000 TEU, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn.
Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027 và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính. Với quy mô như vậy, nhu cầu giao thông kết nối giữa khu đô thị lấn biển, cảng trung chuyển nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung với trung tâm TPHCM là rất lớn và cấp thiết.
Vừa qua, sở đã trình Hội đồng thẩm định TPHCM báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP) - loại hợp đồng kinh doanh - khai thác - chuyển giao (BOT). Để đảm bảo nguồn vốn xây dựng dự án này, theo ông Phan Công Bằng, thành phố xác định thu hút hơn 50% kinh phí thực hiện từ nguồn vốn tư nhân.
Cụ thể, tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng 11.087 tỉ đồng, ngân sách thành phố chi khoảng 5.246 tỉ đồng và vốn BOT của nhà đầu tư khoảng 5.323 tỉ đồng. Nếu được thông qua, Sở Giao thông Vận tải dự kiến từ đây đến năm 2024 là thời gian chuẩn bị dự án. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ triển khai thực hiện từ năm 2024-2025. Sau đó, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án vào năm 2025, hoàn thành vào 2028. Thời gian thu phí bắt đầu từ 2028-2051.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM - cho rằng, đây là dự án mang tính cấp bách, cần làm ngay. Cầu không chỉ tăng cường năng lực lưu thông hành khách, hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, mà còn tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, rút ngắn khoảng cách và chênh lệch phát triển của khu vực. Về môi trường, cầu sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải, bụi, tiếng ồn, rác thải sinh hoạt phát sinh khi người dân và xe cộ phải đứng chờ phà qua sông.
“Hiện nay, lãnh đạo thành phố đưa ra rất nhiều đề án để phát triển Cần Giờ nhưng nếu không phá vỡ thế cách trở sông nước thì khó khả thi. Không thể thúc đẩy giao thương, du lịch khi mà thời gian đi Cần Giờ có khi còn lâu hơn đi Vũng Tàu, Long Hải. Phải có kết nối đường bộ sao cho du khách đến được Cần Giờ nhanh nhất, chủ động nhất. Dự án cầu Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, lúc đó vốn đầu tư chỉ hơn 5.000 tỉ đồng, nhưng đến nay đã bị đội lên hơn 11.000 tỉ đồng. Do đó, để càng lâu thì vốn đầu tư càng tăng, tiềm năng của Cần Giờ càng bị cản trở” - ông Khương Văn Mười nhìn nhận.
Cầu Cần Giờ dài 7,3km, 6 làn xe, trụ tháp hình cây đước Cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ có chiều dài khoảng 7,3km. Trong đó, phần cầu vượt sông Soài Rạp có chiều dài gần 3km, 2 phần đường dẫn đầu cầu dài 4,3km. Mặt cắt ngang của cầu có 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp). Vận tốc thiết kế 60km/g. Cầu sẽ có tĩnh không 55m, đáp ứng luồng hàng hải được quy hoạch cho tàu chở hàng và tàu khách loại lớn. Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng hệ thống trạm thu phí bố trí ở phía huyện Cần Giờ (áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng) và lắp đặt hệ thống camera giám sát. Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ đã được tổ chức tuyển chọn năm 2018 và được UBND TPHCM thông qua năm 2019. Theo đó, kết cấu nhịp chính là cầu dây văng 1 trụ tháp với ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên, phương án kiến trúc được lựa chọn còn tồn tại một số vấn đề về kinh tế - kỹ thuật, chi phí xây dựng và tổng mức đầu tư cao, nên tư vấn lập báo cáo tiền khả thi đề xuất kết cấu nhịp chính gồm 2 trụ tháp, nhưng vẫn giữ ý tưởng kiến trúc trụ tháp hình cây đước. Bước tiếp theo sẽ tổ chức thi tuyển kiến trúc để lựa chọn phương án cầu đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc trong khu vực. |
Minh Linh