Lo chuyện thay đổi giấy tờ
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM (Cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố) đang ý kiến đối với phương án đặt tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến đường trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể, Quốc lộ 1K có tổng chiều dài 21km, đi qua địa bàn TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đoạn đường qua TPHCM, bắt đầu từ cầu vượt Linh Xuân (TP Thủ Đức) đến ranh giới tỉnh Bình Dương, chiều dài 1,8km, dự kiến sẽ đặt tên là Hoàng Cầm, theo phương án của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM.
|
Quốc lộ 1K đoạn đi qua địa bàn TPHCM dự kiến đổi tên là Hoàng Cầm |
Quốc lộ 1 có 3 đoạn: đoạn 1 (dài 21km, từ nút giao Thủ Đức đến ngã tư An Sương) dự kiến đặt tên là Đỗ Mười; đoạn 2 (dài 14,2km, từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc) dự kiến đặt tên là Lê Đức Anh; đoạn 3 (dài 9,4km, từ vòng xoay An Lạc đến ranh giới với tỉnh Long An) dự kiến đặt tên là Lê Khả Phiêu.
Quốc lộ 22 có 2 đoạn: đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ, dài 10km, dự kiến đặt tên là Lê Quang Đạo; đoạn từ cầu An Hạ đến ranh giới tỉnh Tây Ninh, dài 20km, dự kiến đặt tên là Phan Văn Khải.
Quốc lộ 50, từ cầu Nhị Thiên Đường đến ranh giới tỉnh Long An, dài 10,9km, dự kiến đặt tên Văn Tiến Dũng.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức, quận 8, quận 12, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đặt tên đường.
Sinh sống trên Quốc lộ 1, anh Nguyễn Bá Hoan (phường Thới An, quận 12) cảm thấy vui nếu đường trước nhà được đặt tên là Đỗ Mười - nguyên Tổng bí thư. Việc đặt tên sẽ giúp tưởng nhớ và tri ân công lao của lãnh đạo, để các thế hệ sau biết về những người đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhưng anh Hoan lo, sau khi đường đổi tên, các giấy tờ, thủ tục phát sinh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân sống trên con đường. “Khi đổi tên đường thì giấy tờ của mình sẽ đổi như thế nào. Phải cập nhật lại quá nhiều sẽ rất mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Liễn (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) cũng lo phải đi cập nhật các giấy tờ sau khi đoạn Quốc lộ 1 đổi tên. “Đường đổi tên thì cơ quan chức năng phải nói rõ sẽ thay đổi giấy tờ gì để người dân chuẩn bị, đồng thời địa phương phải có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được cập nhật lại giấy tờ. Như vậy thì mọi người sẽ ủng hộ” - chị Liễn nói.
Phải cân nhắc thêm đến các yếu tố lịch sử, văn hóa
Thạc sĩ Dương Thành Thông - Phó trưởng khoa Lịch sử - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - cho hay, việc đặt, đổi tên đường đối với các tuyến đường số, đường chưa có tên ở một thành phố lớn như TPHCM là việc rất cần thiết.
Chủ trương của thành phố về việc đổi tên 4 tuyến quốc lộ đã được cân nhắc khá kỹ. Tuy nhiên, việc đặt, đổi tên đối với các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn các tỉnh, thành phố nói chung cần phải thận trọng. Bởi, khác với các tên đường số (thường được đánh số theo quy ước), các tuyến quốc lộ thường mang ý nghĩa quốc gia, đặc biệt, có nhiều cái tên đã gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Ví dụ, Quốc lộ 1 là tuyến đường “thiên lý” nối liền Nam - Bắc từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau; các địa danh đường 9 (nay là Quốc lộ 9), đường 14 (nay là Quốc lộ 14)… đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Việc mỗi địa phương có một tên đường riêng cho các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn sẽ dần làm mất đi ý nghĩa của các tuyến đường như vậy, thậm chí một lúc nào đó, người dân không còn biết đó là tuyến quốc lộ.
Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ cần có sự đồng bộ, xuyên suốt trong tên gọi để dễ quản lý, vận hành và không gây nhầm lẫn với các tuyến đường khác.
Theo ông, trong quá trình đổi, đặt tên đường sẽ kéo theo nhiều phát sinh về mặt hành chính, mất thời gian đổi giấy tờ, ảnh hưởng đến người dân. Chính vì vậy, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân là yếu tố rất quan trọng. Nếu thành phố thực hiện, cần thận trọng tối đa để người dân hiểu và ủng hộ.
“Tôi nghĩ thành phố cũng đã và sẽ chuẩn bị các phương án, giải pháp để giảm thiểu phiền hà, gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh, cái cốt lõi sâu xa không phải chỉ là mất thời gian, mà còn có thể phải cân nhắc thêm đến các yếu tố lịch sử, văn hóa khác. Việc này cần có sự tham vấn ý kiến cụ thể của người dân, cũng như sự chung tay của những nhà khoa học, nhà quản lý và các cấp chính quyền thành phố để có thể có được sự đồng thuận cao nhất” - ông Dương Thành Thông nói.
Chính quyền sẽ tạo điều kiện hết sức cho dân Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, phương án đổi thành đường Lê Đức Anh cho Quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao thông An Sương đến vòng xoay An Lạc) qua địa bàn các huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Tân đã được thống nhất. “Việc đặt tên một đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cho tuyến đường đi ngang qua quận là một vinh dự cũng như cơ hội giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ công ơn đối với các bậc lão thành cách mạng có đóng góp lớn lao cho đất nước nói chung và TPHCM nói riêng” - bà Lê Thị Ngọc Dung nhìn nhận. UBND quận Bình Tân đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân 8 phường trên địa bàn, có 1.429/1.452 hộ dân đang sinh sống dọc theo Quốc lộ 1 thống nhất ý kiến, đạt 92,67%. Tuy nhiên, một số hộ còn lo lắng việc đổi tên đường sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, mất thời gian làm lại giấy tờ. Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, việc đổi tên đường ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sau khi có quyết định đặt tên đường mới, quận sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi các giấy tờ cá nhân, cập nhật, bổ sung các nội dung thay đổi. Đồng thời, UBND quận sẽ chủ động chỉ đạo các cơ quan thực hiện công tác phối hợp ngành, liên ngành giữa công an, quản lý đô thị và UBND các phường có tuyến đường đi qua để tổ chức thực hiện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cập nhật các loại giấy tờ trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Trúc Minh - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Thủ Đức - cho hay, UBND TP Thủ Đức đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM không đặt quá nhiều tên cho tuyến Quốc lộ 1. Đồng thời, đề xuất phương án đặt tên đồng chí Đỗ Mười cho Quốc lộ 1 trên địa bàn TPHCM. Có 2.276/2.704 phiếu ý kiến của các doanh nghiệp và hộ gia đình đồng ý (đạt tỉ lệ 84,17%) về việc đổi tên đường nói trên. Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và các cấp, các ngành liên quan đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính… để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Tú Ngân |
Vũ Quyền