Không nước máy, không được xây nhà, tách thửa
Chủ trương đầu tư dự án trên có từ năm 1994, cách đây đúng 30 năm, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch ban đầu, khu liên hợp này có diện tích 466ha, gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic, như sân vận động có sức chứa 50.000 người, nhà thi đấu thể thao tổng hợp để tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Nơi đây được xem là “đất vàng” do có vị trí đắc địa, nằm giữa 3 tuyến đường lớn là Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
|
Bên trong khu được quy hoạch, người dân đào ao nuôi cá, làm nhà tạm bợ |
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay, ở nơi được quy hoạch làm dự án không có hoạt động thi công nào, bên trong bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. Một số khu vực được người dân đào ao nuôi cá, làm nhà tạm để sống. Dự án bị “treo” hàng chục năm khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.
Bà Dương Thị Thanh Thu - 75 tuổi, ở phường An Phú - cho biết, gia đình bà có hơn 2.000m2 đất nằm trong khu quy hoạch, chủ yếu là đất nông nghiệp. Từ trước năm 2010, cha mẹ bà đã chia đất cho con cháu, nhưng đến nay vẫn chưa thể chuyển mục đích sử dụng, không thể tách thửa hay xây nhà kiên cố, chỉ được xây nhà tạm bợ. Anh Hoàng Quốc Việt - 46 tuổi, ở phường An Phú - cho hay, khu này trước đây chủ yếu là đất ruộng. Khi các con đường xung quanh được nâng cao, cả khu thành vùng trũng, người dân phải chấp nhận bị xử phạt để đắp nền nhà cao lên chống ngập.
Ông Lê Văn Hận - Trưởng khu phố 14, phường An Phú - thông tin, khu phố 14 trước đây là khu phố 3. Toàn bộ đất của khu phố đều nằm trong vùng quy hoạch của dự án xây khu liên hợp thể dục thể thao (TDTT) quốc gia Rạch Chiếc. Dự án bất động 30 năm qua khiến nhiều hộ đến nay vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn để tắm rửa hoặc phải đi mua nước sạch. Mấy năm trước, người dân xin lắp đồng hồ nước tổng ở gần đường Võ Nguyên Giáp, các hộ tự lắp ống dẫn nước sạch về nhà, tự lắp đồng hồ nước riêng. Tuy nhiên, tiền nước thu từ các hộ thấp hơn số tổng, không đủ nộp cho công ty cấp nước, người phụ trách đồng hồ nước tổng phải bù thêm khoảng 800 triệu đồng cho công ty, bèn khóa nước. Mới đây, người dân đã đóng tiền, đồng thời nhờ đơn vị cấp nước hỗ trợ làm một đường cấp nước vào hẻm, gắn đồng hồ nước riêng cho từng hộ.
Cũng theo ông Lê Văn Hận, do đất nằm trong khu quy hoạch nên người dân không thể sản xuất nông nghiệp, phải bỏ hoang đất. Một số người tận dụng đất trống để làm phòng trọ cho thuê, kiếm thêm thu nhập, nhưng do xây tạm bợ nên rất nguy hiểm, dễ xảy ra cháy. Đất bỏ hoang, ngập nước nên ruồi muỗi có điều kiện sinh sôi, truyền nhiễm bệnh. Vừa rồi, trong khu này, có cả một gia đình bị sốt xuất huyết. Những gia đình ở đây nhiều đời, có đông con cháu không thể tách thửa đất, không được xây nhà kiên cố. Nhưng đến nay, cư dân ở đây vẫn không biết đến bao giờ dự án được triển khai và họ sẽ đi đâu.
Ông Lê Văn Hận đề xuất, UBND TPHCM sớm triển khai dự án, đồng thời cho người dân đổi đất ở gần khu vực này để xây dựng nhà cửa. Nếu UBND thành phố chưa xác định được thời điểm triển khai thì nên cho phép người dân được tách sổ, tách thửa để xây nhà cửa, tránh trường hợp có đất mà lại phải đi thuê phòng trọ do không được xây nhà.
Nên để người dân khai thác đất hiệu quả hơn
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, ngày 23/7/2021, UBND TPHCM ban hành quyết định về duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc. Theo đó, phạm vi nghiên cứu của đồ án khoảng 212,9ha, gồm khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc khoảng 186,78ha và khu Saigon Sports City 26,12ha, nhằm đảm bảo sự kết nối đồng bộ, tránh trùng lắp các hạng mục công trình TDTT.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã trình UBND TP Thủ Đức xem xét, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc. Sau khi đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt, UBND TP Thủ Đức sẽ hướng dẫn sở nộp lại hồ sơ để thẩm định, phê duyệt đồ án. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao TPHCM năm 2024 diễn ra tháng 10/2024, thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 23 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua. Trong đó, mời gọi đầu tư 16 dự án thành phần trong khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 21.000 tỉ đồng.
Thạc sĩ Hoàng Thị Biên Thùy - giảng viên Trường đại học Luật TPHCM - cho biết, theo quy định pháp luật, khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố công khai mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền theo luật định. Tuy nhiên, các quyền này chỉ là khai thác đất theo đúng mục đích sử dụng của loại đất hiện tại. Một trong những quyền quan trọng nhất là quyền được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại không được thực hiện do không phù hợp với quy hoạch. Ví dụ, đất nông nghiệp chỉ được phép dùng để sản xuất nông nghiệp, không thể chuyển sang đất ở để xây dựng. Đặc biệt, nếu nội dung của quy hoạch sử dụng đất đã được thể hiện trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm thì việc thực hiện các quyền của người dân còn bị hạn chế hơn nữa.
Khi dự án bị “treo” nhiều năm, việc sử dụng đất của người dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Khoản 7, điều 76, Luật Đất đai 2024 đã có quy định cụ thể nhằm hạn chế tình trạng trên. Căn cứ theo quy định này, UBND TPHCM có trách nhiệm rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm đã được phê duyệt nhưng không thực hiện để điều chỉnh, hủy bỏ nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân và hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng. Trên thực tế, TPHCM còn nhiều quy hoạch “treo” 20-30 năm, như quy hoạch khu Thanh Đa, ga Bình Triệu, khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc...
Theo bà Hoàng Thị Biên Thùy, giá trị của đất đai được biểu hiện thông qua việc khai thác, sử dụng nhưng trong những khu quy hoạch “treo” kéo dài, hầu như người dân không thể khai thác hiệu quả, bởi đa phần vẫn là đất nông nghiệp. Bà nói: “Cơ quan nhà nước vẫn giữ các quy hoạch này chắc chắn là có lý do, trong đó có thể là giữ nguyên hiện trạng đất để dễ dàng kêu gọi đầu tư hơn. Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần có những nghiên cứu, đánh giá lợi ích của việc giữ đất với việc cho phép người dân được thay đổi mục đích sử dụng đất. Khi đó, cơ quan nhà nước có thể thu được khoản tài chính từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, trong khi người dân có thể khai thác đất hiệu quả hơn, tạo ra những giá trị nhất định và tái nộp các khoản thuế, phí vào ngân sách nhà nước”.
Quyết tâm xây trung tâm thể dục thể thao chuẩn quốc tế Tại kỳ họp thứ 20, HĐND TPHCM khóa X diễn ra tháng 12/2024, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho hay, UBND TP Thủ Đức từng đề xuất giảm một nửa diện tích dự án khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, sở đề nghị giữ nguyên diện tích, bởi hiện nay quỹ đất TPHCM dành cho văn hóa, thể thao chỉ chiếm khoảng 1,3%, thấp so với cả nước. Ông Trần Thế Thuận cũng cho biết sở đang xúc tiến các thủ tục để tiếp tục triển khai dự án trong thời gian tới. Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được công bố ngày 4/1 vừa qua, TPHCM sẽ phát triển mạng lưới cơ sở TDTT đồng bộ, hiện đại, xây dựng một số công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu huấn luyện, luyện tập, tổ chức các sự kiện TDTT mang tầm khu vực và châu lục, trong đó có xây dựng khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc. |
Vũ Quyền