Đã hơn 20 năm chịu đựng mùi rác
11g20, dưới nắng trưa oi ả, những chiếc xe thùng tự chế rầm rập chở rác vào Trạm trung chuyển rác Tân Hóa (phường 3, quận 11, TPHCM). Trong một quán ăn gần đó, nhiều thực khách vội vàng buông đũa, kéo khẩu trang.
Chị Lưu Thanh Hiền (28 tuổi, ngụ phường 13, quận 6) cho biết những ngày cuối tuần, gia đình chị hay rủ nhau tụ họp tại quán ăn của người quen ở đường Tân Hóa. Quán nấu rất nhiều món ăn ngon, nhưng ngán nhất là đang ngon miệng thì phải buông đũa vì mùi rác xộc vào.
“Tôi ngồi đây khoảng một tiếng, thấy có hơn 15 chiếc xe máy kéo rác vào trạm trung chuyển. Thùng xe được lắp tạm, không che chắn kỹ lưỡng, nên một cơn gió thổi qua là mùi rác sẽ bốc lên. Nước bẩn chảy ra đầy đường nên mùi hôi cứ bám mãi”, chị Hiền nói.
|
Trạm trung chuyển rác Tân Hóa đã tồn tại trong khu dân cư hơn 20 năm qua |
Bà Nguyễn Thị Minh (ngụ phường 3, quận 11) cho biết, Trạm trung chuyển rác Tân Hóa được lập cách đây hơn 20 năm. Vào thời điểm đó, khu vực dân cư còn thưa thớt nên không bị ảnh hưởng nhiều. Về sau, dân về sống càng đông, trạm trung chuyển rác giờ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. “Ăn theo” bãi rác này, nhiều vựa ve chai cũng đua nhau mọc lên. Nhiều hôm, xe rác và xe thu mua ve chai đậu nghênh ngang dưới lòng đường, khiến người dân phải lưu thông sang làn ô tô rất nguy hiểm.
Bà Minh kể: “Trước đây trạm rác để lộ thiên. Bây giờ đã có mái che, bô chứa, nhưng vẫn không ngăn nổi mùi hôi do công nghệ xử lý rác lạc hậu. Mùa nắng, rác bốc mùi hôi theo gió bay vào nhà. Mùa mưa dân lại lo nước bẩn tràn ra cống ngấm vào khu dân cư. Dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm do trạm trung chuyển rác gây ra. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua chúng tôi vẫn phải ngửi mùi rác”.
Người dân ở đây cho biết, nhiều năm trước, khi kênh Tân Hóa được chỉnh trang, họ đã nghe thông tin về việc sẽ dẹp trạm trung chuyển rác để lấy đất xây trường học. Nhưng nhiều năm trôi qua, trạm trung chuyển rác hôi hám vẫn còn nguyên bên cạnh dòng kênh Tân Hóa đã “thay da đổi thịt”.
Chị Mỹ Huyền, một giáo viên ở Q.11, bày tỏ: “Trạm trung chuyển rác này đã không còn phù hợp vì nằm giữa khu dân cư, gây ô nhiễm. Nếu có một trường học mọc lên ở đây thì quá phù hợp cho việc học hành của các em nhỏ và cả giáo viên”.
Đang đề xuất lộ trình dừng hoạt động
UBND quận 11 cho biết, mới đây, đơn vị đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để có ý kiến trình UBND TPHCM xem xét về lộ trình ngưng hoạt động đối với Trạm trung chuyển rác Tân Hóa. Theo đó, UBND quận 11 đang xem xét thông qua danh mục đề xuất các công trình, dự án trọng điểm có sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, trong đó, vị trí Trạm trung chuyển rác Tân Hóa dự kiến sẽ thay đổi quy hoạch thành trường học, sẽ thực hiện trong giai đoạn 2025-2026.
“UBND quận 11 đã đánh giá hoạt động của Trạm trung chuyển rác Tân Hóa và đánh giá các tác động khi thực hiện lộ trình ngưng hoạt động như: khả năng tiếp nhận khối lượng chất thải tại các trạm trung chuyển còn lại trên địa bàn, triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn, công tác đấu thầu tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh và cải tạo môi trường”, đại diện UBND quận 11 thông tin.
Liên quan đến đề xuất của quận 11, nguồn tin tại Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, đơn vị đã thống nhất với đề xuất là sẽ ngưng hoạt động của Trạm trung chuyển rác Tân Hóa từ tháng 1/2026. Từ đây đến thời điểm ngưng hoạt động, UBND quận 11 có trách nhiệm thực hiện lộ trình giảm tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt cho trạm. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản nêu ý kiến và trình hồ sơ liên quan đến đề xuất lộ trình dừng hoạt động của trạm để UBND TPHCM quyết định.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM - nhận định ở một thành phố đông đúc dân cư như TP.HCM mà tập kết rác gần khu dân cư là không ổn. Tuy nhiên, thành phố lại đang có rất nhiều trạm trung chuyển rác, các điểm tập kết rác nằm ngay trên đường, trong khu dân cư. Bác sĩ Mai nói: “Trong bãi rác có rất nhiều loại vi khuẩn và virus. Mùi hôi là do hiện tượng phân tán các phân tử hữu cơ. Do đó, người dân ở gần các bãi rác thường mắc các bệnh về hô hấp, hoặc các bệnh dịch”.
Theo giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường), hiện nay, chúng ta đang sống trong đại dịch COVID-19 nên hơn lúc nào hết, vấn đề môi trường cần phải được đặc biệt quan tâm. Những năm qua, người dân ở gần các bãi rác, trạm trung chuyển rác phản ánh nhiều về tình trạng ô nhiễm. Nguyên nhân của vấn đề này là do công nghệ xử lý rác còn lạc hậu, thu gom xử lý chưa đúng cách. Với các trạm trung chuyển rác nằm trong khu dân cư, cần đầu tư sử dụng công nghệ ép rác kín, trang bị đầy đủ hệ thống xử lý môi trường…
“TP.HCM đã có quy hoạch sau năm 2025, các trạm trung chuyển rác sẽ sử dụng công nghệ ép rác kín để giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, theo tôi, điều mà thành phố có thể thực hiện ngay đó là chấn chỉnh việc thu gom rác. Việc thu gom và xử lý rác cũng cần một quy trình khép kín. Cần tính đến phương án ngầm hóa các trạm trung chuyển rác nằm trong nội thành để giảm ảnh hưởng đến người dân. Không thể để những chiếc xe tự chế cũ kỹ thu gom chở rác như hiện nay. Cùng với đó thành phố có thể đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là phân loại rác thải y tế trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay” - giáo sư Lê Huy Bá chia sẻ.
Sơn Vinh