edf40wrjww2tblPage:Content
Nối lại tính tiền phong, gương mẫu
* Thưa GS-TS, nhìn lại suốt chiều dài lịch sử 85 năm, ý kiến của ông về tính tiền phong của Đảng ta?
GS-TS Hoàng Chí Bảo (ảnh): Với sự ra đời của Đảng vào ngày 3/2/1930, cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối ở nước ta trong nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chấm dứt và chúng ta đã tìm được con đường mới. Dấu ấn lịch sử này mãi mãi không bao giờ phai mờ bởi thiên tài tư tưởng, trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng.
Sau đó, khi mới ở tuổi 15, với đội ngũ chưa đầy 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng 8/1945, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới huy hoàng nhất trong lịch sử dựng nước, gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh.
85 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước thực hiện những bước ngoặt lớn của lịch sử, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Lịch sử ghi nhận công lao của Đảng, của Bác Hồ và xác tín về vai trò dẫn đường, ảnh hưởng rộng lớn của Đảng ta trong đời sống của nhân dân, trong vận mệnh của dân tộc và đất nước.
* Bác Hồ đã dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên hiện nay có còn được như giai đoạn trước đây, thưa ông?
Lắng nghe dân để tự sửa mình “Trong suốt chiều dài lịch sử 85 năm, tính tiền phong, gương mẫu của Đảng là một trong những giá trị căn bản để chứng minh uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong xã hội. Muốn được như vậy, anh phải trong sáng về đạo đức cách mạng, luôn có động cơ hy sinh vì dân, vì nước chứ không vì mình. Từng đảng viên phải chứng minh điều ấy bằng hành động thực tiễn đem lại lợi quyền cho nhân dân chứ không phải chỉ bằng lời nói suông. Dân chỉ tin yêu, quý trọng những người cộng sản đích thực suốt đời hy sinh, phấn đấu vì dân. Người dân rất nhạy cảm, luôn đánh giá một cách khách quan và trung thực về hành vi, phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Phải lắng nghe tiếng nói của dân từ cơ sở và thông tin từ dân sẽ là kênh quan trọng để Đảng tự sửa mình, tự chấn chỉnh tổ chức, giáo dục cán bộ của mình. Từng bước kiên trì, nhẫn nại như thế, chúng ta sẽ chuyển biến được tình hình”. GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO |
- Tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, với tất cả dũng khí tự phê bình, Đảng đã nhìn nhận: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, kể cả cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm mất niềm tin của đảng viên và của nhân dân”. Nếu không đẩy lùi được sự suy thoái này, không làm Đảng trong sạch, vững mạnh trở lại, tức là nối lại tính tiền phong, gương mẫu thì niềm tin còn tiếp tục bị suy giảm và đặt sự nghiệp cách mạng của Đảng trước một thách thức mất - còn.
Dù vậy, nói một cách khách quan, trong gần bốn triệu đảng viên, đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ được tính tiền phong, gương mẫu, làm việc hết mình trên lĩnh vực, nhiệm vụ được giao nên đất nước mới có thành tựu to lớn như ngày nay. Đảng ta hiện nay đang rất chú trọng việc chỉnh đốn.
Đảng quyết liệt tự sửa mình
* Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ qua những thành tựu to lớn về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước trong những năm qua, niềm tin của quần chúng nhân dân cũng theo đó mà tăng lên?
- Qua gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng vào những năm cuối thế kỷ XX. Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, có mặt trong danh sách các nước phát triển trung bình. Đời sống người dân được nâng lên, thu nhập quốc dân tính theo đầu người tăng theo từng năm. Có thể lấy một vài số liệu ở Hà Nội để thấy được đời sống người dân đã thay đổi tích cực thế nào trong những năm gần đây.
Cụ thể, kinh tế thủ đô liên tục đạt mức tăng trưởng khá (ước 5 năm tăng trưởng bình quân 9,25%). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Hà Nội năm 2015 ước tăng gấp hai lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% năm 2011 ước xuống còn dưới 3,1% năm 2015... Những thành quả đạt được rất to lớn, đáng tự hào, nhưng băn khoăn, trăn trở cũng không ít. Chúng ta đã và đang tìm kiếm các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân, để đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, sung túc hơn.
* Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng thời gian qua, theo ông, kết quả thực hiện nghị quyết này tác động thế nào tới niềm tin của nhân dân vào Đảng?
- Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thể hiện dũng khí cách mạng của Đảng, quyết tâm và ý thức chính trị rất cao của Đảng trước nhân dân và sinh mệnh chính trị của Đảng. Nghị quyết ra đời kịp thời và rất được lòng dân, đáp ứng được đòi hỏi của đa số cán bộ, đảng viên chân chính đang lo lắng cho sự nghiệp của Đảng trước sự phá phách từ bên trong của những thành phần suy thoái. Nhân dân chờ đợi, kỳ vọng vào hành động của Đảng trong việc thực hiện nghị quyết lịch sử này.
Quá trình thực hiện vừa qua, chúng ta đã thu được những thành quả bước đầu và niềm tin trong nhân dân đã tăng lên rất nhiều. Đảng đã vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh, biết dựa vào dân để kiểm soát cán bộ, chấn chỉnh tổ chức, bộ máy. Dân có quyền kiểm soát quyền lực để khắc phục tình trạng quyền lực bị tha hóa. Tất cả các tầng lớp nhân dân đang tiếp tục kỳ vọng vào sự chuyển biến của tình hình, bắt đầu từ sự chủ động, dũng khí của Đảng.
* Cùng với nỗ lực tự chỉnh đốn trong Đảng, kết quả cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí cũng được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng để gia tăng niềm tin của nhân dân vào Đảng?
- Chống tham nhũng là cuộc chiến một mất, một còn đối với chế độ ta. Chúng ta đã rất tích cực xây dựng hệ thống thể chế pháp luật, sắp xếp cơ cấu, bộ máy nhân sự để phòng, chống tham nhũng.
Cùng với việc tái lập Ban Nội chính Trung ương, chúng ta đã đưa ra xét xử 10 đại án liên quan tới tham nhũng. Những bản án công khai, nghiêm minh, nghiêm khắc, đúng người đúng tội rất được lòng dân. Kết quả đó như hàn thử biểu, có tác dụng rất quan trọng, thúc đẩy niềm tin tăng lên. Người dân xem thái độ của Đảng và Nhà nước xử lý tham nhũng như thế nào để có xử sự tương ứng về niềm tin.
Chúng ta phải kiên quyết, dũng cảm cắt bỏ ngay những khối u trên cơ thể mang bệnh để cứu cả chế độ. Đảng không né tránh điều gì, luôn nhìn thẳng, chấp nhận sự thật và xử lý đúng với sự thật, theo nguyên tắc luật pháp là tối thượng.
* Bên cạnh những vấn đề vĩ mô, người dân còn chờ đợi sự chuyển biến ở những điều sát sườn như giá cả không tăng phi mã, khám bệnh không phải chen lấn, con cái đi học không phải chạy trường...?
- Hoàn toàn đúng! Đảng không chỉ lo vấn đề lớn ở tầm chiến lược vĩ mô mà còn phải quan tâm giải quyết những công việc hàng ngày cụ thể, liên quan tới lợi ích, nhu cầu thường nhật của người dân.
Bác Hồ đã nói: “Dân đói, Đảng, Chính phủ có lỗi”. Đảng có trách nhiệm phải đảm bảo các nhu cầu dân sinh; nâng cao dân trí; đảm bảo dân quyền theo Hiến pháp. Đảng ta đã thể hiện tư duy này trong xây dựng chính sách chú trọng tới an sinh xã hội. Nếu làm tốt những việc cụ thể đó, Đảng sẽ càng nâng cao được uy tín trong dân.
“Làm nhiều, nói ít thôi”
* Bác Hồ đã dạy “nói phải đi đôi với làm”, nhưng nhiều lời hứa, cam kết của bộ ngành này, địa phương kia lại chưa được thực hiện nghiêm túc, Đảng nên làm gì để thay đổi thực tế này?
- Cố Tổng bí thư Trường Chinh từng nói: “Trong khi Đảng mắc những khuyết điểm và sai lầm, thậm chí nghiêm trọng, nhân dân vẫn kiên nhẫn chờ đợi Đảng sửa chữa và Đảng phải làm hết sức mình để không phụ lòng tin của nhân dân”. Nên tiếp tục ứng dụng thông điệp đó vào tình hình hiện nay. Nói đi đôi với làm chính là thước đo về tính trung thực. Đấy là chỗ khó nhất ở đời. Hứa rồi thì nhất định phải làm. Song thực tế hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên giữ trọng trách ở các cấp hứa nhiều hơn làm, nhiều khi không giữ đúng lời hứa hoặc lãng quên lời hứa. Điều đó thể hiện sự thiếu tự trọng, không tôn trọng dân.
Để sửa chữa tật “nói không đi đôi với làm”, thứ nhất, phải tiếp tục giáo dục nhận thức, đạo đức cho cán bộ, đảng viên để mỗi người tự thức tỉnh. Cụ thể là giáo dục lòng tự trọng, danh dự, tinh thần trách nhiệm, ý thức biết xấu hổ. Cán bộ biết trọng liêm sỉ sẽ tự biết điều chỉnh, kiểm soát hành vi của mình. Thứ hai, chúng ta phải dùng luật pháp chế tài. Khâu này hiện đang yếu nên không ai chịu trách nhiệm. Tất cả phải công khai, minh bạch mới rõ được trách nhiệm. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không thể có bất kỳ ngoại lệ nào.
* Phía trước được xác định còn nhiều thách thức, nhu cầu đổi mới rất lớn, Đảng cần giải pháp đột phá gì để lãnh đạo đất nước vững bước tiến lên, xứng đáng với niềm tin của nhân dân?
- Đảng ta đã 85 tuổi đời nhưng nên nhớ Đảng là đội tiên phong lãnh đạo nên tư duy phải rất trẻ trung, sáng tạo, không được phép rơi vào trì trệ, bảo thủ. Đảng luôn ý thức được điều đó nên luôn tự đổi mới để thúc đẩy xã hội phát triển. Đảng xác định đổi mới không bao giờ ngừng lại mà diễn ra liên tục và mãi mãi, chừng nào còn tồn tại và phát triển.
Tại đại hội toàn quốc lần thứ XII sắp tới, Đảng cần có những đột phá mới bên cạnh việc tiếp tục những khâu đột phá đã được định ra trong nhiệm kỳ khóa XI (về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực). Cá nhân tôi cho rằng, trước hết, phải có đột phá về lý luận. Không có lý luận thì không có vật chuẩn để dẫn đường.
Từ góc độ nghiên cứu, tôi thấy, cần chú trọng đổi mới chính trị để đồng bộ với đổi mới kinh tế. Tiếp đó, trong bố trí nhân lực, phải thu hút và sử dụng được những người tài, đức, không để lãng phí chất xám. Cùng với đó, phải sàng lọc kỹ để những kẻ cơ hội không lọt được vào bộ máy. Cuối cùng, phải tìm cho được những động lực của phát triển. Đổi mới chính là động lực tổng quát để xây dựng đất nước Việt Nam ngày một hiện đại, giàu mạnh, văn minh. Trước hết, mỗi đảng viên phải tự đổi mới mình để góp phần vào nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân.
* Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG MAI thực hiện
Sắt son một niềm tin với Đảng BÀ THÂN THỊ THƯ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY TP.HCM Mùa xuân năm 1930, dưới sự dẫn dắt của Bác Hồ kính yêu, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc thời kỳ “đen tối không có đường ra” của dân tộc, của phong trào cách mạng nước ta. 85 năm qua là cả một chặng đường - tuy chưa phải là dài so với chiều dài của lịch sử dân tộc, nhưng lại là một bước ngoặt vĩ đại đối với mỗi người dân Việt Nam. Ra đời chưa tròn năm, Đảng đã cùng toàn dân làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mới lên 10, Đảng đã sát cánh cùng những người nông dân Nam kỳ chân chất, với gậy gộc tầm vông đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa. 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám. Nối tiếp khí thế sục sôi của mùa thu kháng chiến, Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Và với khát vọng tự do đang cuồn cuộn dâng trào, với một niềm tin sắt đá vào chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên mùa Xuân 1975 đại thắng. Đất nước hân hoan trong ngày vui sum họp, nhân dân hai miền Nam-Bắc được về chung dưới một mái nhà. Và dẫu còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng đã cùng nhân dân viết tiếp những trang sử hào hùng, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới; 90 triệu tấm lòng cùng chung tay dựng xây, bảo vệ đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta nguyện sắt son một NIỀM TIN - tin vào lịch sử, truyền thống; tin vào Đảng ta và Bác Hồ muôn vàn kính yêu; tin vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân; tin vào dân tộc anh hùng, thông minh, sáng tạo; tin vào cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc trên con đường phát triển. |