'Dân luôn tin vào sự công tâm, thấu tình đạt lý'

27/10/2014 - 07:21

PNO - PN - Ngày 6/10/2014, TAND Tối cao đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND TP.HCM cho bà Ung Thị Xuân Hương (Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM). Những bộc bạch về công việc mới đã...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vận dụng kinh nghiệm, kiến nghị điều chỉnh những chồng chéo

'Dan luon tin vao su cong tam, thau tinh dat ly'

Bà Ung Thị Xuân Hương phát biểu tại một hội thảo về nguyên nhân xây dựng trái phép và giải pháp - Ảnh: Huỳnh Trí Dũng

* Thưa bà, bà vừa chuyển từ vị trí Giám đốc Sở Tư pháp - là cơ quan hành chính nhà nước sang nhiệm vụ mới - lãnh đạo hệ thống cơ quan xét xử của TP. Ở góc độ nào đó, đây là một công việc khó khăn và nhạy cảm. Bà có cảm tưởng gì, cả về tâm tư tình cảm, môi trường công tác và kinh nghiệm?

- Bà Ung Thị Xuân Hương: Với tôi đây là công việc khá mới mẻ. Nếu nói không có gì băn khoăn là chưa thật lòng. Bản thân tôi khi được giao nhiệm vụ mới cũng lo lắng liệu tôi có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không? Câu hỏi này làm tôi mất ngủ mấy đêm liền. Tôi nghĩ, thời gian đầu hẳn tôi sẽ gặp một số khó khăn, nhưng với kinh nghiệm 26 năm làm công tác trong ngành tư pháp và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* Những thuận lợi, khó khăn của bà trong công việc mới, vị trí mới?

- Những năm qua, thực hiện các nghị quyết (NQ) của Đảng, nhất là NQ 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, NQ 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chất lượng hoạt động của TAND TP.HCM đã nâng lên một bước.

Đội ngũ thẩm phán, thư ký đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng pháp luật, bảo đảm công bằng, khách quan khi xét xử; tôn trọng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết vụ án… Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho tôi cùng tập thể TAND TP chung sức nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án đúng pháp luật, công bằng, đúng người, đúng tội.

Tuy vậy, hàng năm, số lượng án các loại mà ngành tòa án TP.HCM phải giải quyết rất lớn, chiếm tỷ lệ 1/7 lượng án của cả nước, năm sau luôn cao hơn năm trước; trong đó có khá nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm. Trong khi đó, đội ngũ thẩm phán còn thiếu về số lượng và một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là những khó khăn, thách thức lớn của ngành tòa án TP. Để giải quyết vấn đề này, không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian và nhiều điều kiện khác.

* Từng là lãnh đạo cơ quan gác cửa các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều năm, những kinh nghiệm đó sẽ được vận dụng thế nào khi bà trở thành lãnh đạo cơ quan xét xử?

- Một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch sẽ giúp việc thực thi pháp luật có hiệu quả. Đối với ngành tòa án, qua hoạt động thực tiễn xét xử sẽ phát hiện và kiến nghị sửa, bỏ những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Những kinh nghiệm trong công tác góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thấu hiểu điều dân đang bức xúc

'Dan luon tin vao su cong tam, thau tinh dat ly'

Bà Ung Thị Xuân Hương nhận hoa chúc mừng từ Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Võ Văn Thưởng tại buổi nhận quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND TP.HCM - Ảnh: H. Điệp

* Theo bà, người dân hài lòng hay chưa về công tác xét xử của ngành tòa án? Đâu là những vấn đề mà người dân còn bức xúc nhất?

- Những năm qua, ngành tòa án cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, thời gian qua ngành tòa án còn một số hạn chế: tỷ lệ giải quyết các vụ án nhìn chung chưa cao; vẫn còn một số án oan sai; một số tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn; vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Đây là những vấn đề đang gây bức xúc mà ngành cần triệt để khắc phục. Làm cho người dân tin, khiến kẻ phạm tội tâm phục khẩu phục không gì khác là từ việc áp dụng, vận dụng đúng quy định, giải quyết công tâm, thấu tình đạt lý.

* Vậy bà đã có những dự định, kế hoạch nào để giải quyết các vấn đề trên?

- Theo tôi, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và phải thực hiện quyết liệt, cụ thể. Trước hết, cần nghiêm túc thực hiện mọi quy định của pháp luật, đẩy mạnh giải quyết án tồn đọng, không xét xử oan sai. Tiếp đó, cần chú trọng nâng cao kỹ năng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp; tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Và, để tháo gỡ những bức xúc của người dân, cần giải quyết kịp thời các khiếu nại của công dân. Ngành tòa án thành phố sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng xét xử.

Tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo ngành tòa án TP thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài…; đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Tuyệt đối không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa… Công tác kiểm soát, quản lý nội bộ sẽ được tăng cường để tránh xảy ra những vụ vi phạm đạo đức của ngành tòa án.

* Xin cảm ơn bà.

 CHÂU ANH (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI