Gieo hạt, ươm mầm tình yêu sách trong con
Cuộc thi Sáng kiến cả nhà vui đọc sách (do Báo Phụ nữ TPHCM và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức) vừa kết thúc thời hạn nhận bài dự thi. Gần 150 tác giả đã gửi bài tham dự với những chia sẻ ý nghĩa từ hành trình đọc sách của bản thân, những kỷ niệm ấm áp cùng gia đình, “hiến kế” xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ… Tất cả cùng góp phần lan tỏa và truyền cảm hứng tích cực cho văn hóa đọc.
Đọc sách cùng con, xây dựng tủ sách gia đình, cho con tham gia các hoạt động giao lưu - tương tác về sách… là những nội dung được nhiều tác giả đề cập. Niềm đam mê đọc sách được trao truyền qua các thế hệ ông bà - cha mẹ - con cái là giá trị tinh thần lớn lao được thể hiện trong nhiều bài viết. “Sách không chỉ giúp các con mở rộng vốn từ, cải thiện kỹ năng viết văn mà còn giúp các con nuôi dưỡng tâm hồn, vun bồi tình cảm và lòng trắc ẩn” - tác giả Đỗ Thị Huyền Sâm (Hà Nội) viết.
|
Một bức ảnh truyền cảm hứng từ cuộc thi - ẢNH: TRỊNH THỊ QUỲNH |
Dành một khoảng thời gian trước giờ đi ngủ để đọc sách cho con, đọc sách cùng con cũng là cách mà rất nhiều cha mẹ đã làm để rèn thói quen đọc cho trẻ. Tác giả Nguyễn Hồng Anh chia sẻ mình đã chọn phương pháp “thai giáo” bằng việc đọc nhiều thể loại sách khi con còn trong bụng mẹ. Người mẹ Trịnh Thị Hương cho biết đã đọc sách cho con nghe từ khi bé mới 2 tuổi, dù bé chỉ có thể tương tác bằng những tiếng “ê a”… Kiên nhẫn chơi với con qua trang sách vừa là cách cho con trẻ thêm hiểu biết về thế giới tự nhiên, vừa là sự kết nối chia sẻ giữa cha mẹ - con cái. Những câu chuyện riêng nhưng cùng gửi gắm thông điệp chung: “đọc sách cho con cũng là đọc cho mình”, “gia đình chính là cái nôi khơi nguồn và nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho trẻ nhỏ”…
Một trong số những sáng kiến có thể áp dụng khả thi với mọi nhà là tạo “cây gia đình” (tác giả Mai Thị Như Ý). Đó là cây sách trong nhà - vật trang trí cũng là nơi bày biện sách hay trước tầm mắt trẻ. Bên cạnh đó có thể tạo riêng một không gian nhỏ làm nơi thưởng thức sách và xếp lịch để cả nhà đọc sách cùng nhau. Đó cũng là khoảng thời gian cả nhà quây quần, hòa mình vào những câu chuyện hay và chia sẻ giá trị từ trang sách.
Tác giả Đào Khánh Nguyên bày tỏ: “Các bé sinh ra đã được mẹ đọc sách cho, nhìn thấy giá sách, tiếp xúc với các đầu sách phù hợp đúng với lứa tuổi của bé thay vì ti vi, điện thoại, máy tính bảng… Khi các con ngồi cùng mẹ, nghe mẹ đọc sách hoặc thấy mẹ đọc sách trong lúc các con tự chơi với nhau, các con cũng tự nhiên yêu thích việc đọc sách. Điều đó làm mình thấy hạnh phúc”. Rèn cho trẻ thói quen đọc sách không phải là điều dễ dàng. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, yêu thương và thấu hiểu giá trị, nhiều ông bố bà mẹ đã gieo hạt, ươm mầm trong lòng các con tình yêu dành cho sách ngay từ thời thơ ấu.
Luôn cần người lớn dẫn dắt
Những năm qua, rất nhiều cá nhân/tổ chức đã tích cực trao giá trị, lan tỏa và truyền cảm hứng đọc đến cho trẻ thơ ở khắp mọi miền đất nước. Các đơn vị làm sách/xuất bản cùng những dự án phi lợi nhuận đều đặn tổ chức chương trình, sự kiện sách cho trẻ. Không chỉ là giới thiệu sách hay, giao lưu tác giả - tác phẩm mà còn có những hoạt động sáng tạo và ý nghĩa khác như vẽ tranh, triển lãm, trò chơi tương tác, sân khấu hóa, đổi sách lấy cây, đổi pin lấy sách…
|
Cây sách gia đình – một sáng kiến có thể áp dụng khả thi với mọi nhà. Ảnh: Mai Thị Như Ý |
Mới đây, Thái Hà Books tổ chức trại hè chủ đề “Ươm mầm thiện nhân” dành cho thanh thiếu niên tại Đà Lạt. Những chủ đề về sách và văn hóa đọc đã được đưa vào nội dung thiền khóa: tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books - chia sẻ về giá trị của việc đọc sách, đại đức Thích Vạn Lợi thuyết giảng về chủ đề con đường tri thức khai mở qua từng trang sách… Lionbooks cũng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình sáng tạo, múa rối, nhạc kịch… với nội dung khai thác từ các câu chuyện trong sách tranh của đơn vị tại TPHCM và Hà Nội.
Nhà xuất bản Kim Đồng từng tổ chức cuộc thi cảm nhận sách bằng bài viết hoặc clip, thu hút đông đảo bạn nhỏ tham gia. Các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc được tổ chức thường niên cũng là một hình thức kết nối trẻ nhỏ với sách hay. Cùng các chuyên gia văn hóa đọc và thầy cô giáo, nhiều nhà văn/người viết trẻ ngày càng tích cực tham gia các hoạt động giao lưu truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ nhỏ tại TPHCM và nhiều tỉnh thành. Trao tặng sách cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa cũng là những hoạt động ý nghĩa mà nhiều đơn vị/dự án thiện nguyện đã cùng nhau làm suốt những năm qua.
Sách thiếu nhi hiện nay rất đa dạng, thu hút cả về hình thức lẫn nội dung và phù hợp với trẻ em nhiều độ tuổi. Nhưng điều quan trọng nhất là cần sự dẫn dắt của người lớn trong việc chọn sách hay cho con, đọc sách cùng con. “Muốn con đọc sách, bố mẹ phải làm gương”, “Gia đình đọc sách là gia đình hạnh phúc”, “Hãy để sách trở thành bạn đồng hành với mỗi thành viên trong gia đình”… là những lời trao gửi từ cuộc thi Sáng kiến cả nhà vui đọc sách.
Lục Diệp