Nhưng phản hồi lại nỗi lo của dân và chính quyền địa phương, thì có ý kiến cho rằng đó là… vớ vẩn.
“Phố” ung thư
Dân tại khu dân cư Trung Bình A và Trung Bình B của P.Thạc Gián không né tránh, gọi thẳng nơi mình ở là “phố” ung thư. Còn như xác nhận chưa đầy đủ của ông Nguyễn Hữu Kim Sơn - Chủ tịch UBND P.Thạc Gián, hiện có 38 người mắc ung thư ở các tổ từ 14 đến 23, trong đó chín người đang điều trị, còn lại đã về thiên cổ.
Đó mới chỉ là danh sách liệt kê sơ bộ những người khi đến giai đoạn cuối mới phát hiện (đã muộn) hoặc đau ốm trong người mới đi khám và phát hiện bệnh. Còn lại, hàng ngàn người trong khu phố, có mấy ai khẳng định mình không chứa mầm bệnh ung thư, bởi chưa có một cuộc tầm soát quy mô nào được thực hiện. Họ sống chủ yếu bằng nghề phụ hồ, buôn thúng bán bưng dễ gì đủ tiền đưa nhau đi tầm soát, khám tổng quát.
|
Nỗi lo lắng của ông Nguyễn Văn Hùng |
Kiệt 74 đường Phan Thanh - ngõ nhỏ hiền hậu, lặng im khi bao nỗi đau đã phủ lên. Gia đình ông N.H.K.S. ở tổ 22, khu Trung Bình B, nằm gần ngoài đầu kiệt có thời gian sống ở khu phố này đủ lâu để được coi là thổ địa. Ông S. kể, nhà đầu kiệt không sao, nhà thứ hai thì bị tai nạn, nhà thứ ba thì năm 1999 có ông nội mất vì bệnh ung thư đại tràng, cuối năm 2017 thì cha mất vì ung thư dạ dày.
Nhà kế tiếp không có gì, nhưng nhà kế nữa có người bị ung thư phổi, chết. Đi vào chút nữa, có hai anh em ruột là N.V.N., N.V.C. tuổi đời chưa quá 50 đều chết do ung thư vòm họng trong cùng năm 2014. Gần khu vực ấy, có gia đình ông V.T., vợ là N.T.H. chết vì ung thư vú, ông T. chết vì ung thư vòm họng, cách nhau 1-2 năm...
Căn nhà bà Lê Thị Ngọc Bích và ông Nguyễn Văn Hùng ở tổ 22 nằm sâu trong kiệt 74 Phan Thanh, rộng khoảng 35m2. Ông bà chỉ có một đứa con gái vừa trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Niềm vui lớn, nhưng nỗi lo còn lớn hơn. Ông là cựu chiến binh, bị mất sức lao động từ hơn chục năm nay, gần như phó mặc chuyện mưu sinh cho vợ.
Bà Bích bán bún ở con hẻm phía sau siêu thị Big C từ bao năm nay, quần quật, mỗi ngày kiếm không quá 200.000 đồng. Năm 2015, bà Bích phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Phẫu thuật xong, mầm bệnh được khống chế. “Nghị lực phi thường, tình thương và trách nhiệm với gia đình khiến bà can trường đi qua bệnh tật”, bà Phạm Hồng Bích - Phó chủ tịch Hội LHPN P.Thạc Gián - khẳng định, khi dẫn tôi đi thăm các gia đình có người mắc ung thư ở khu vực này.
Đi sâu vào cuối kiệt 74, chỉ còn cách bờ rào phía bên kia là công viên 29/3 một khoảng, nhà bà N.T.H. cũng là hộ nghèo, có con gái đầu sinh năm 1994 bị ung thư vòm họng. Mỗi lần xạ trị 20 triệu đồng. Vợ chồng phải làm đủ việc để chạy chữa cho con. “Tôi cầu mong ơn trên giúp cho con khỏe mạnh. Chẳng có vật chất nào sánh bằng sức khỏe con cái…”, bà H. nói trong nước mắt.
Phản ánh… vớ vẩn!
Theo thống kê của UBND P.Thạc Gián đầu năm 2018, tại khu dân cư Trung Bình A, Trung Bình B, con số chết và điều trị ung thư như sau: tổ 14 (năm 2016, 2017) hai người chết, một người đang điều trị; tổ 15 (từ năm 2015-2017) sáu người chết; tổ 16 bốn người chết; tổ 17 một người chết, hai người đang điều trị; tổ 18 chết năm người, đang điều trị hai người; tổ 23 chết bảy người, đang điều trị hai người… Đa số bị ung thư vòm họng, phổi, vú, dạ dày.
|
Kiệt 74 nằm sát công viên 29/3 với rất nhiều người bị bệnh ung thư |
Tôi nghe nhiều cán bộ P.Thạc Gián nói về việc này trong nước mắt và sự giận dữ. Rằng, Đà Nẵng xây dựng Bệnh viện Ung Bướu chữa bệnh cho người nghèo cả miền Trung, là điểm sáng của cả nước, vậy mà khi có thông tin về tình trạng người mắc bệnh ung thư hàng loạt, kéo dài nhiều năm và không ngừng tăng về số lượng từ năm 2016, nhưng Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng không hề có phản hồi tích cực nào cho người dân an tâm. Mà khu dân cư này ở giữa lòng thành phố chứ phải rừng rú đâu!
Theo ông Nguyễn Hữu Kim Sơn, người dân khu vực Trung Bình A, Trung Bình B đã định cư từ trước năm 1975 đến nay. Trước đó, họ sử dụng nước giếng, nhưng khoảng hai chục năm trở lại đây đã sử dụng nước bơm, sau đó sử dụng nước thủy cục. Ông Sơn cho biết: vùng này không có nhà máy, xí nghiệp hóa chất, môi trường không có biểu hiện khác thường, nhưng nhìn vào số người mắc ung thư, các chứng bệnh liên quan thì có thể đặt nghi vấn về nguyên nhân gây ung thư ở khu vực có thể do nguồn nước hoặc không khí. Khu vực bị mắc bệnh nhiều nhất nằm theo vệt ven bờ tường ngăn cách với công viên 29/3.
Trước đây, công viên này từng là bãi rác thải khổng lồ, sau đó được cải tạo lại. Người dân nghi ngờ quá trình nước rỉ thải ngấm vào đất, rồi theo dòng nước ngầm ngấm vào giếng ăn các hộ sử dụng hằng ngày, tích tụ lâu ngày rồi phát bệnh. Cũng có người lo lắng nước rỉ thải chất độc Dioxin từ sân bay thấm vào đất, ngầm dịch chuyển dần qua… “Nỗi lo lắng, ám ảnh của người dân là có thật. Mong muốn của người dân là các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc tìm hiểu, điều tra nguyên nhân để họ an tâm sinh sống. Tiếc là sau những kiến nghị liên tục, đến nay các cơ quan chức năng, chuyên môn vẫn chưa có động thái tích cực nào phản hồi lại sự mong chờ từ người dân và chính quyền địa phương”, ông Sơn nói.
Sau những kiến nghị của cử tri và Q.Thanh Khê, ngày 28/10/2016, Sở Y tế có công văn số 3087/SYT-NVY đề nghị Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất kế hoạch tổ chức điều tra về tình hình người dân mắc bệnh ung thư tại khu vực Trung Bình A và Trung Bình B. Đầu tháng 12/2017, Q.Thanh Khê tiếp tục khảo sát và phát hiện số người mắc bệnh ung thư tăng cao (từ 24 lên 31). Ngày 4/12/2017, UBND quận tiếp tục có công văn gửi Sở Y tế, nhưng câu trả lời đến nay vẫn là sự im lặng. Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Kim Loan - Chánh văn phòng UBND - HĐND Q.Thanh Khê - cho biết, đến nay ngoài các văn bản liên quan gửi Sở Y tế theo báo cáo tại kỳ họp thứ năm của HĐND quận ngày 13/12/2017, thì chưa có gì mới.
Ngày 16/8, trả lời phóng viên, bà Ngô Thị Kiều My - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế - cho biết, đã nhận được phản ánh của người dân khu phố Trung Bình A và Trung Bình B về tình hình mắc bệnh ung thư tại đây. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Ung Bướu phối hợp với Phòng Y tế Q.Thanh Khê điều tra, xác định nguyên nhân. “Đoàn kiểm tra này thực hiện điều tra những yếu tố mang tính xã hội học, khảo sát môi trường sống xung quanh. Để xác định nguyên nhân cụ thể cũng như có đánh giá toàn diện, Sở Y tế cần có điều tra sâu hơn (về chuyên môn) đối với khu vực này. Tuy nhiên, điều này phải được UBND thành phố đồng ý”, bà My nói.
Còn ông Nguyễn Minh Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế - trả lời qua điện thoại: “Từ trước đến nay, tất cả các báo (báo chí), các đơn thư của các “làng ung thư”, qua kiểm tra của Bộ Y tế đều không chính xác. Khái niệm “làng ung thư”, bây giờ người ta hay kêu ca, rên rỉ… Mỗi lần chỉ cần một phản ánh vớ vẩn thôi, tổ chức nghiên cứu tốn biết bao nhiêu tiền”.
Như thế, xem ra nguyên nhân vì sao dân tiếp tục kêu la và chết vì ung thư, đã rõ…
Trọng Huy