Dân lo khi biển “ngoạm” bờ

17/09/2024 - 05:58

PNO - Người dân sinh sống ven biển các xã Phú Thuận, Phú Hải - huyện Phú Vang và phường Thuận An - TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang nơm nớp lo sợ vì nhiều km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng giữa mùa khô, đe dọa tính mạng, tài sản và công trình công cộng.

Nỗi sợ biển “nuốt” nhà

Chúng tôi đến khu bờ biển thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải. Tại đây, nhà của 8 hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng bởi sạt lở chỉ còn cách bờ biển chưa đến 20m; người dân đang đẩy ghe thuyền lên đồi cao để tránh bão số 2. Ngư dân Nguyễn Văn Thìn (64 tuổi) cho biết, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng giữa mùa hè khiến cho đồi cát với rừng dương liễu bảo vệ bờ bị sóng biển cuốn trôi nhiều đoạn.

Sạt lở bờ biển bất thường giữa ngày hè tại khu vực giáp ranh giữa phường Thuận An (TP Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) khiến dân lo lắng
Sạt lở bờ biển bất thường giữa ngày hè tại khu vực giáp ranh giữa phường Thuận An (TP Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) khiến dân lo lắng

Căn nhà của ông Nguyễn Hương và con trai Nguyễn Đợi còn nằm cách bờ biển không xa. Ông Hương cho biết, trước đây bờ biển cách vườn nhà ông gần 100m, nhưng những năm qua biển xâm thực, sạt lở cuốn trôi đất đai, vườn tược của gia đình ông và nhiều gia đình khác ra biển. “Ở đây hơn 50 năm, lần đầu tiên tôi thấy có hiện tượng sạt lở bờ biển vào mùa hè nắng nóng. Giờ chỉ còn ngôi nhà này là nơi tá túc của gia đình nên chúng tôi rất lo” - ông Hương nói.

Ở thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải, bờ biển cũng đang sạt lở. Thời gian trước, UBND xã Phú Hải đã di dời 64 hộ dân có nhà cửa nằm trong diện sạt lở, nhưng nay bờ biển vẫn đang tiếp tục bị xâm thực sâu vào khu dân cư, ảnh hưởng đến nhà cửa của nhiều hộ khác. Ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Phú Hải - thông tin, đến giữa tháng 7/2024, xã có tổng cộng gần 2km bờ biển bị sạt lở, ăn sâu vào khu dân cư từ 8 - 10m.

Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là thôn Cự Lại Bắc và Cự Lại Đông với gần 40 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, do nhà cửa nằm sát biển. “Hiện, địa bàn xã chưa được đầu tư xây dựng kè biển, nên tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là vào mùa mưa bão. Trước thực trạng bờ biển bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND xã đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm phân bổ kinh phí xây kè biển để người dân an tâm sinh sống, lao động sản xuất” - ông Nguyễn Minh Hải nói.

Còn tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, người dân cho biết, bờ biển bị sạt lở từ mùa mưa bão năm 2023 và ngày càng lan rộng. Đặc biệt, việc sạt lở tái diễn trong mùa hè khiến người dân rất lo lắng. Khu vực từ thôn Tân An đến thôn Xuân An, bờ biển bị sạt lở với chiều dài hơn 1,4km, ăn sâu vào đất liền 20 - 30m. Đoạn giáp ranh với xã Phú Hải, bờ biển bị xâm thực với chiều dài 180m, sâu vào khu dân cư 20 - 30m. Tại bãi tắm xã Phú Thuận, sạt lở ăn sâu vào một số cửa hàng kinh doanh của dân với chiều dài 300m, gây ảnh hưởng đến giao thông và hoạt động kinh doanh dịch vụ bãi tắm.

Cần tiếp tục đầu tư xây kè biển

Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bố trí vốn và tiếp tục triển khai xử lý khẩn cấp các đoạn bờ biển xung yếu bị sạt lở qua các thôn Tân An, Trung An, Xuân An (xã Phú Thuận) với tổng kinh phí khoảng 250 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - thông tin, hiện tại địa phương được đầu tư xây dựng khoảng 2,5km kè biển và 0,5km kè ngầm. Nhưng vẫn còn khoảng 1,9km bờ biển chưa xây kè nên sạt lở vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân và hạ tầng giao thông, du lịch trong khu vực.

Vì thế, chính quyền địa phương đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kè biển ứng phó sạt lở, giúp dân an cư và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bờ biển ở thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải, bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp khu dân cư
Bờ biển ở thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải, bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp khu dân cư

Liên quan đến việc sạt lở bất thường tại khu vực bờ biển từ phường Thuận An (TP Huế) đến bờ biển các xã Phú Thuận, Phú Hải huyện Phú Vang, ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện những giải pháp cấp bách, kiên cố hóa để xử lý các điểm sạt lở bờ biển nặng, xung yếu và xử lý bồi lấp cửa biển ở các địa phương.

Riêng hiện tượng sạt lở bờ biển trong mùa hè là khá bất thường, cần có thời gian nghiên cứu để tìm hướng xử lý tốt nhất, giúp cuộc sống của bà con không bị đảo lộn. Nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp bố trí rào chắn, lắp dựng biển cảnh báo tại những khu vực sạt lở nguy hiểm, chủ động di dời, sơ tán người dân, dự trữ vật tư dự phòng để xử lý khẩn cấp tạm thời khi có thiên tai xảy ra.

Tăng cường trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, xây đê…

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ngữ - Trưởng khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Trường đại học Nông Lâm Huế, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài “Sạt lở bờ biển và biến động đường bờ biển tại miền Trung: Trường hợp cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế” - cho rằng, những nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu gây nên tình trạng sạt lở tại cửa biển Thuận An trong thời gian gần đây là do kết cấu bờ biển có độ gắn kết kém, không chống đỡ được tác động của sóng và dòng chảy lớn. Khu vực này có dạng bờ thoáng, kết hợp với sự gia tăng bão lũ, dẫn đến tăng cường độ, áp lực sóng.

Bên cạnh đó, còn do sự thiếu hụt bồi tích trên nền chìm ngập và thiếu hụt nguồn bồi tích ở khu bờ do sự mất cân bằng bùn cát khi vận chuyển dòng bồi tích dọc bờ. Các công trình xây dựng thượng nguồn sông làm giảm lượng bùn cát vận chuyển về bồi đắp cửa sông, biển. Nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân gây sạt lở khu vực cửa biển Thuận An còn do sự thay đổi dòng chảy sóng, sự xuất hiện của các công trình chống sạt lở dẫn đến sạt lở cục bộ tại một số địa điểm.

Từ nghiên cứu, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ngữ đề xuất: cần tăng cường trồng rừng ngập mặn chống sóng, trồng rừng phòng hộ giữ cát ở phía ngoài bãi biển; nuôi bãi nhân tạo bằng cách đưa cát từ nơi khác đến bồi vào vùng bị xói lở; xây dựng đê chắn sóng từ ngoài bờ và song song với đường bờ dạng đê nhô hoặc đê ngầm; tiếp tục xây dựng hệ thống đê mỏ hàn hình chữ T nhằm ngăn dòng bùn cát dọc bờ và giảm sóng ở những khu vực không ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Cùng với đó là tập trung đầu tư xây dựng các công trình chống lũ chính vụ, lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ muộn, ổn định và tăng khả năng thoát lũ các cửa sông; đầu tư hệ thống hồ chứa thượng nguồn cắt lũ; nâng cấp hệ thống đê bao ngăn mặn chống lũ hiện hữu; trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để giảm tốc độ dòng chảy của lũ và chống xói mòn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở bờ biển về quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ và không theo định kỳ; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát sạt lở theo từng địa bàn. Tất cả các thông tin về sạt lở phải được cập nhật thường xuyên, phải được phân tích, đánh giá tổng hợp để cảnh báo kịp thời.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI