Những ngày gần đây, câu chuyện về một sinh viên năm 3 của Học viện kỹ thuật mật mã đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng làm sao để ra trường có công việc mới mức lương 2000USD vẫn chưa hết nóng.
Lương khởi điểm nỗ lực lắm mới được 300-400USD/tháng
Liên quan đến câu chuyện này, trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn C (27 tuổi) - nhân viên tại một công ty phần mềm lớn tại Hà Nội cho biết:
"Tôi vốn là sinh viên của trường Đại học FPT, một trường đại học chuyên đào tạo về chuyên ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Tốt nghiệp Đại học, tôi vào làm luôn cho một Tập đoàn khá có tiếng, nhưng vừa ra trường nên mức lương khởi điểm năm 2012 của tôi khi đó là gần 300 USD.
Cùng thời điểm đó, một số bạn bè của tôi đi làm ở các công ty khác, nhưng mức lương cũng không cao hơn, thậm chí thấp hơn, cùng lắm thì có mức lương nhỉnh hơn chút khoảng hơn 400USD. Mà đối với các công ty phần mềm thì chủ yếu họ trả lương theo hiệu quả công việc, ấn tượng tạo được khi phỏng vấn vào các dự án và năm kinh nghiệm.
Chứ còn sinh viên ra trường đòi lương 2000 USD là điều không thể. Mức lương này phải dành cho những người ít cũng phải 10 năm kinh nghiệm đi làm, thì khi đó cái mác sinh viên mới ra trường mới không còn ý nghĩa, nghĩa là ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì họ cũng đã phải đi làm cho các công ty, khi ra trường họ có trong tay 4-5 năm kinh nghiệm, sau đó khi làm thì cứ tăng dần lên".
|
Lương khởi điểm cho dân IT ở VN không hề cao. (Ảnh minh họa). |
Theo anh C, có thể đối với một số công ty 100% vốn nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc thì mức lương có thể cao hơn mức trung bình nhưng không quá nhiều, cao nhất là các công ty của châu Âu. Ai cũng nghĩ ngành lập trình viên nhàn mà lương cao đó là suy nghĩ sai lầm, ngành IT thuần túy rất nhiều áp lực, mức độ đào thải cao nên phải phấn đấu hết mình.
"Trải qua 4 năm đi làm, hiện nay tôi đã lên vị trí Team lead, với mức lương gần 800 USD, nhưng đó là cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ. Ngành IT bình thường chia làm 2 ngạch theo hướng kỹ thuật và quản lý.
Ngành kỹ thuật thì sẽ thành chuyên gia công nghệ, rồi giám đốc công nghệ cho các công ty. Còn lĩnh vực quản lý thì sẽ lên làm quản lý dự án, giám đốc công ty...
Nếu là giám đốc công nghệ và giám đốc doanh nghiệp, làm bên lĩnh vực CEO thì mức thu nhập sẽ cao. Còn dân kỹ thuật bình thường thì sẽ khó mơ được mức lương 2000 USD", anh C chia sẻ thêm.
2000USD/tháng chỉ dành cho giám đốc, Phó Giám đốc...
Cùng nói về vấn đề nay, anh Lê Hữu N (28 tuổi) - nhân viên tại một công ty phần mềm tại Hà Nội cho hay, đối với thị trường Nhật, trong 4 năm học Đại học, họ đào tạo rất bài bản, năm đầu tiên sinh viên sẽ phải học Code và JP, hết năm 3 thì phải thi đỗ N2 tiếng Nhật, năm 4 thì bắt đầu đi làm.
"Ngay như ở công ty tôi, thì bình thường ra trường phải có 1 năm kinh nghiệm với N2 tiếng Nhật thành thạo, sẽ trở thành kỹ sư cầu nối tiếng Nhật, lương chắc khoảng 2000 USD.
Nhưng đó là đối với đào tạo nước ngoài bài bản mới có mức lương như vậy, còn với những người tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam như tôi thì kinh nghiệm 5-7 năm cũng làm kỹ sư cầu nối và có N2 tiếng Nhật lương còn chưa được 1000 USD. Và mức lương dành cho sinh viên Việt Nam ra trường đi làm tại các công ty phần mềm kể cả lớn cũng là không tưởng", anh N nói rõ.
Không những thế, mức lương sẽ được tính dựa trên nhiều yếu tố, từ năm kinh nghiệm, khả năng vượt trội về ngoại ngữ (Anh - Nhật), Mindset (tư duy) tốt, có tố chất, có quan hệ tốt với lãnh đạo.
Trước đây, bản thân anh N học sư phạm, rồi sau đó học thêm Aptech, làm một thời gian ở Tinh Vân Group, rồi mới quay về làm cho công ty hiện tại. Mức lương hiện nay của anh N cũng chỉ khoảng 700 USD. Còn mức thu nhập cao hơn khoảng 4 lần thì chỉ dành cho BU Lead (giám đốc một bộ phận), 100 người may ra có 1 người.
Còn anh Nguyễn Anh Đ (27 tuổi) - nhân viên một công ty tư nhân về phần mềm của Thụy Điển cho biết: "Ngày xưa tôi từng học Học viện NIIT - TechArena (liên kết với Ấn Độ), sau khi ra trường thì vào một Tập đoàn có tiếng về phần mềm thực tập 3 tháng và mức lương lúc đó là hơn 200 USD thời điểm năm 2012.
Hiện tôi đã đi làm được 4 năm kinh nghiệm, với mức lương hiện tại hơn 800 USD (gần 18 triệu đồng), nhưng áp lực công việc cũng rất cao. Bởi vì công nghệ thay đổi liên tục, nếu không muốn tụt hậu thì phải tự học để update công nghệ mới.
Để có mức lương 2000 USD dành cho sinh viên ra trường tại trường ĐH ở VN là rất khó, trừ khi các bạn cực giỏi, mà lương thì phần lớn dựa vào năng lực của mình".
Làm ở một công ty phần mềm tư nhân khác, anh Trần T (29 tuổi) cho biết: "Học chuyên ngành Công nghệ phần mềm ở Đại học GTVT, ra trường tôi vào làm cho công ty Luvina, mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng, với vị trí Developer (lập trình viên), thời điểm năm 2013.
Giờ thì tôi đã chuyển sang công ty với mức lương hiện tại là 16 triệu, sau gần 4 năm kinh nghiệm. Làm các công ty tư nhân nên thời gian làm việc vô cùng áp lực, toàn phải về muộn, thậm chí phải ngủ lại ở công ty.
Còn mức lương 2000 USD/tháng chỉ dành cho giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, mà ở công ty tôi cũng chỉ ở mức xấp xỉ. Cho nên ước mơ thì cũng chỉ là ước mơ, hãy nhìn vào thực tế".
Hà My