Không dám mở cửa vì mùi hôi
|
Rác bên trong trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh tràn ra ngoài đường - Ảnh: Thanh Tâm |
Những ngày cuối tháng Mười một vừa qua, có mặt tại trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh, chúng tôi chứng kiến rác thải tràn ngập, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Các loại rác từ vô cơ đến hữu cơ, chất thành đống cao. Anh Nguyễn Đình Chung - một người dân ở phường Hiệp Bình Chánh - cho biết, mỗi lần đi qua, bất kể sáng hay chiều, anh đều thấy rác chất đống. Rác tồn đọng, bốc mùi, cách 100m vẫn ngửi thấy mùi hôi.
Xe chở rác ra vào suốt ngày làm cho giao thông ùn ứ, đường xuống cấp, nhếch nhác, khiến nhiều người bị té ngã khi qua đây lúc trời mưa. Nước rỉ từ xe chở rác xuống đường khiến cuộc sống của những hộ dân bên đường cũng bị ảnh hưởng. “TPHCM luôn hướng tới văn minh, hiện đại, nhưng không hiểu sao lại để trạm trung chuyển rác giữa khu dân cư” - anh Chung nói.
Bà Ngô Thị Kim Yến - tiểu thương chợ Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh) - cho hay, dù bán hàng cách trạm vài chục mét nhưng bà luôn cảm nhận được mùi hôi luẩn quẩn trong không khí, gây khó chịu. “Vào chiều tối hoặc lúc trời mưa, mùi hôi càng kinh khủng. Tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc bỏ chợ để không phải hít thở không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng điều tôi lo hơn là nước rỉ từ rác ngấm xuống đất năm này sang năm khác, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống, nhất là đối với sức khỏe, đặc biệt là những đứa trẻ trong khu vực” - bà Yến nói.
Sống ở gần trạm trung chuyển rác, chị Phan Thúy Ái cho biết, tình trạng ô nhiễm tại trạm đã xuất hiện từ nhiều năm nay, khiến gia đình chị quanh năm suốt tháng phải đóng kín cửa. Ngày nắng tình hình có đỡ hơn, nhưng ngày mưa thì mùi hôi thối nồng nặc. Quên đóng cửa sổ là cả nhà bị ám mùi, phải bật máy lọc không khí để khử.
Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh về tình hình ô nhiễm nói trên đến các cơ quan chức năng, nhưng tình hình dường như không thay đổi. “Chúng tôi đang kỳ vọng vào một giải pháp tổng thể và triệt để từ các cấp chính quyền, bao gồm việc kiểm soát lưu lượng rác thải đổ về, cải thiện hạ tầng giao thông và xử lý ô nhiễm mùi hôi. Chúng tôi hy vọng chính quyền sớm hành động để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho dân” - chị Phan Thúy Ái bày tỏ.
Đề xuất di dời trạm trung chuyển rác
Bà Nguyễn Kim Hoa - Giám đốc Hợp tác xã Môi trường Liên Hiệp - cho hay, hiện trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh là nơi tiếp nhận rác của 3 hợp tác xã thu gom từ 4 phường (Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Trường Thọ, Linh Đông) với khoảng 260 tấn/ngày, trong đó hợp tác xã của bà Nguyễn Kim Hoa mỗi ngày đưa về đây gần 100 tấn rác.
Về việc trạm trung chuyển rác nằm giữa khu dân cư, bà cho biết, năm 1997, trạm nằm ở chân cầu Bình Triệu. Khi Đội Cảnh sát Giao thông Hàng Xanh chuyển đến đây thì trạm được dời sang khu vực cánh đồng ở Quốc lộ 13. Năm 2003, trạm di chuyển về vị trí hiện tại cho đến bây giờ. Thời điểm mới chuyển về, xung quanh không có dân cư, không có chợ Hiệp Bình.
Theo bà Nguyễn Kim Hoa, tình trạng rác quá tải, tồn đọng là do khối lượng rác thải ngày càng nhiều, trong khi số trạm trung chuyển lại giảm bớt. “Năm 2013, tôi quản lý khoảng 3.000 hộ dân tại 4 phường, nhưng hiện nay lên đến gần 10.000 hộ. Trước đó, trên địa bàn quận Thủ Đức cũ có 7 trạm trung chuyển rác, bây giờ chỉ còn 3 trạm, gồm Hiệp Bình Chánh, Sở Gà, Linh Xuân” - bà nói.
Ngoài những lý do vừa nêu, còn có những lý do khác như: trước đó, xe vận chuyển rác ra huyện Củ Chi, bây giờ chuyển ra khu xử lý rác Đa Phước, quãng đường dài gấp đôi; do vướng giờ cấm nên tiến độ quay đầu của xe ép rác rất chậm…
Để giải quyết tình trạng tồn đọng rác, bà Nguyễn Kim Hoa đề nghị TP Thủ Đức cho mở cửa trạm trung chuyển rác vào ban đêm để xe lưu thông và quay đầu thuận lợi (hiện chỉ cho hoạt động từ 4 - 22g).
Theo ông Thi Văn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh - từ 16/10/2024, rác tồn đọng một phần là do vấn đề thời tiết, đồng thời do khu xử lý rác Đa Phước phải sắp xếp lại nơi chôn lấp rác, ảnh hưởng đến công tác vận chuyển. Đến nay, trạm đã cơ bản khắc phục tình trạng tồn đọng rác. Bên cạnh đó, trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh có diện tích khá nhỏ, khoảng 236m2, với công suất thiết kế ban đầu là 80 tấn/ngày, nhưng công suất tiếp nhận hiện gấp hơn 3 lần. Hệ thống xử lý nước thải và khí thải của trạm cũng đã bị hư, không còn hoạt động.
“Trước thực trạng trên, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã báo cáo đề xuất Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức có kiến nghị di dời trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh đi nơi khác hoặc chuyển đổi công năng. Trường hợp không thể đóng cửa hoặc di dời, chúng tôi cũng đề xuất cơ quan chức năng có thẩm quyền sửa chữa hệ thống xử lý nước thải và khí thải, đồng thời cải tạo nâng cấp trạm” - ông Thi Văn Ngọc Tuấn nói.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức đã kiểm tra trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh và ghi nhận tình trạng tồn đọng rác, từ ngày 16/10 rác tràn ra một phần đường Kha Vạn Cân, làm phát sinh mùi hôi, mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông. Nguyên nhân là do trời mưa và triều cường xảy ra diện rộng; ùn tắc các phương tiện vận chuyển trong khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước; việc dịch chuyển bãi đỗ (ô chôn lấp) xa hơn so với trước đây; thời gian ngừng tiếp nhận rác của khu xử lý chất thải rắn Đa Phước với khung giờ từ 5 - 9g và từ 17 - 19g làm ảnh hưởng đến thời gian tiếp nhận, vận chuyển rác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức đã phối hợp UBND phường Hiệp Bình Chánh kiểm tra công tác tiếp nhận, vận chuyển rác tại trạm và yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM nhanh chóng khắc phục tình trạng tồn đọng rác nói trên đồng thời tăng cường phun xịt chế phẩm khử mùi, dọn dẹp vệ sinh và điều tiết phương tiện, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông tại khu vực.
Ngoài ra, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức cho hay sẽ thường xuyên phối hợp UBND phường Hiệp Bình Chánh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm, kịp thời chấn chỉnh để không gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông tại khu vực.
|
Xe chở rác đậu 2 bên đường ngay trước trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh - Ảnh: Vũ Quyền |
Theo định hướng, năm 2025 trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh sẽ dừng hoạt động
Cách đây hơn 6 năm, ngày 8/10/2018, UBND TPHCM đã ban hành Công văn số 4509/UBND-ĐT về việc định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng đến giai đoạn 2025, TPHCM sẽ giảm dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô, tăng vị trí trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai của thành phố. Cụ thể, thành phố sẽ dừng hoạt động 9 trạm trung chuyển hiện hữu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, trong đó có trạm Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức).
Vũ Quyền - Thanh Tâm