Đi không được, ở chẳng xong
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu đất rộng hàng trăm ha cách trung tâm TP Huế khoảng 4km (tại phường An Cựu và phường An Tây), nhà cửa của người dân đã và đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Nhiều người cho hay, họ không thể xây dựng, sửa chữa nhà, do nằm trong vùng quy hoạch dự án Đại học Huế. Căn nhà của bà Nguyễn Thị Bé (54 tuổi, phường An Cựu) được dựng từ 20 năm trước bằng mấy tấm tôn, nay trông xập xệ, nhếch nhác. Bà nói: “Gia đình cứ trông chờ giải tỏa mà chờ hoài vẫn chưa thấy. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng không kết quả”.
Gần nhà bà Bé, nhà ông Lê L. (62 tuổi) cũng rơi vào cảnh bế tắc. “Hơn 20 năm từ khi dự án được triển khai, nhà tôi và hơn trăm hộ khác vẫn chưa được đền bù để di dời. Nhà dột nát, muốn dựng lại nhưng phường không cho. Đúng là đi không được, ở không xong. Chúng tôi không yên tâm mà làm ăn” - ông L. bức xúc.
|
Người dân 2 phường An Tây, An Cựu, TP Huế khổ sở khi phải sống trong những căn nhà tạm bợ, nhếch nhác nhiều năm nay |
Ông N.V.T. (68 tuổi, phường An Tây) cho biết, gia đình ông định cư tại đây từ xa xưa. Căn nhà cấp 4 ông đang ở được xây từ 33 năm trước, nay xuống cấp, đến mùa mưa bão lại thấp thỏm, vì chỉ chống dột chứ không chống được ngập, nhưng vẫn thuộc diện “tốt nhất xóm” bởi bao nhà khác còn xập xệ tạm bợ hơn. Vào mùa lũ năm 2023, do dòng chảy bị bít nên nước tại khu vực này thoát không kịp, dâng lên ngập cả nửa nhà dân, chính quyền TP Huế phải huy động các lực lượng công an, quân đội, cùng nhân dân giải cứu.
Còn hiện tại, trên công trường rộng mênh mông không một bóng dáng công nhân, cũng chẳng thấy máy móc thi công. Nhà điều hành dự án “cửa đóng then cài”. Hiện trạng khu tái định cư đang trong giai đoạn san nền, mặt bằng lởm chởm, nhiều hố nước tù đọng, nắng bụi, mưa lầy, tất cả các con đường đều hư hỏng, ngập nước.
Khu quy hoạch Đại học Huế tại khu vực Trường Bia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, có tổng diện tích 135ha. Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết Đại học Huế với tổng diện tích 113,54 ha. Tính đến nay, đã 26 năm quy hoạch, nhưng một làng đại học hoàn chỉnh, hiện đại như mong đợi vẫn chỉ là bãi đất trống ngổn ngang. Nhiều hộ dân vẫn chưa được di dời, giải tỏa, phải sống “treo” theo dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, tổng diện tích thu hồi phục vụ dự án khoảng 11ha, gồm đất nông nghiệp, đất nghĩa địa, đất ở và các loại đất khác. Đến nay, UBND TP Huế đã phê duyệt danh sách đền bù cho 949/951 ngôi mộ; phê duyệt toàn bộ các thửa đất nông nghiệp, các hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Riêng với đất ở, nhà ở, theo dự kiến ban đầu có 164 hộ bị thu hồi.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại thông tin, dự án bắt đầu thi công từ tháng 12/2022 trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng (khoảng 3,5ha), chủ yếu là san nền, đắp đường giao thông. Đến ngày 12/7/2023, dự án đã tạm dừng thi công vì quy hoạch có điều chỉnh. Khi nào quy hoạch điều chỉnh hoàn tất thì chủ đầu tư sẽ triển khai thi công trở lại.
Mỏi mòn cùng dự án
Còn khu đô thị Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai vào năm 1997, với tổng diện tích khoảng 300ha (thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn và phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Đến nay sau 27 năm, nhưng dự án mới triển khai được… 1,02ha thuộc địa phận TP Đà Nẵng để đền bù và tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa trắng.
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, địa phương đã tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng 40ha phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho dự án, trong đó có 754 hồ sơ nhà - đất ở và 1.596 hồ sơ mộ. Đến nay chỉ còn vài hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, ở phía Quảng Nam, mọi thứ vẫn đang… giậm chân tại chỗ. Ông Võ Ngọc Thảo (50 tuổi, thôn Tứ Hà, phường Điện Ngọc) ngao ngán: “Ngót nghét 30 năm, gần nửa đời người, dự án vẫn treo vậy khiến dân chúng tôi khổ sở vô cùng, nhà cửa không thể xây sửa gì được, muốn làm ăn buôn bán cũng khó, vì không thể mang sổ đi vay ngân hàng, con cái đành phải tha hương”.
|
Nhà cửa trong khu quy hoạch khu đô thị Đại học Đà Nẵng xuống cấp trầm trọng, người dân phải bỏ đi nơi khác ở |
Vì dự án “treo” quá lâu nên nhu cầu về nhà ở của người dân là vô cùng bức xúc, cho nên họ buộc phải tìm cách xây nhà, dù xây trái phép. Theo Công an tỉnh Quảng Nam, từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5ha.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình hình an ninh trật tự tại khu vực vẫn diễn biến phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát vẫn diễn ra không thể kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Không những vậy, từ khi công bố dự án đô thị Đại học Đà Nẵng, địa phương không thể đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có 1 tuyến đường bê tông rộng 3m, dài 1,7km, còn lại là đường đất. Các trụ điện trong khối phố Câu Hà xuống cấp nghiêm trọng, đường dây điện nghiêng ngả, thường xuyên xảy ra sự cố, nhất là trong mùa mưa bão, nhưng cũng không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp. Các công trình văn hóa - thể dục thể thao không được đầu tư. Nhà trẻ, trường mẫu giáo thì tạm bợ…
“Dự án đã kéo dài 27 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân. Vì vậy, nếu cấp thẩm quyền không chấp thuận chủ trương thực hiện, UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm kiến nghị dừng dự án để người dân tại khu vực được thực hiện các quyền liên quan về đất đai, xây dựng, ổn định đời sống” - bà Nguyễn Thị Thúy Hằng kiến nghị.
Thuận Hóa - Lê Đình Dũng