Dân khổ vì cải lùi thủ tục nhà, đất

02/03/2018 - 17:29

PNO - Trong lúc thủ tục nhà, đất đang “chạy” trơn tru và ngày càng được cải thiện tốt hơn thì Bộ TN&MT bất ngờ tham mưu một số quy định cải cách thủ tục hành chính, làm xáo trộn quy trình thủ tục, người dân vô cùng khổ sở.

Liên tục ùn ứ vì “văn phòng đăng ký một cấp”

Gần 110.000 hồ sơ liên quan đến nhà đất tại TP.HCM đang tồn đọng, trễ hẹn. Đó là thống kê mới nhất vừa được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) TP.HCM công bố.

Theo văn phòng này, ngoài một số nguyên nhân chủ quan như cán bộ yếu nghiệp vụ, một bộ phận người dân có nhà, đất đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền nhưng không đi làm, thì nguyên nhân chính là do các quy định hiện nay còn rối rắm, chưa phù hợp thực tế. 

Nếu như cách đây gần ba năm, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chưa ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành một số nghị định của Chính phủ liên quan đến Luật Đất đai năm 2013, ngoài Văn phòng ĐKQSDĐ TP.HCM thực hiện công tác cấp giấy chủ quyền cho người dân thì mỗi quận, huyện đều có một văn phòng ĐKQSDĐ (thuộc phòng TNMT các quận, huyện) thực hiện. UBND quận, huyện sẽ ký cấp toàn bộ các loại giấy chứng nhận cho người dân ở quận, huyện của mình.

Nhưng từ khi thực hiện văn phòng đăng ký một cấp (khoảng đầu năm 2015), tất cả các văn phòng ĐKQSDĐ quận, huyện trở thành các chi nhánh của Văn phòng ĐKQSDĐ TP.HCM. Quá trình chuyển đổi này cứ tưởng sẽ giúp cải cách, làm đơn giản hóa thủ tục hành chính nhà, đất nhưng thực tế, đó là bước... cải lùi. Tất cả các hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà, đất phải dồn về Sở TNMT, gây ra sự ùn ứ, trễ hẹn liên tục.

Dan kho vi cai lui  thu tuc nha, dat
Trong lúc UBND TP.HCM đang cố gắng đơn giản hóa thủ tục nhà, đất thì quy định do trung ương ban hành chẳng khác nào kéo lùi thủ tục này

Không phải đến bây giờ, hồ sơ liên quan đến nhà, đất trên địa bàn TP.HCM mới ùn ứ, trễ nải khủng khiếp như vậy. Khoảng giữa năm 2015, các văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện sáp nhập vào Văn phòng ĐKQSDĐ TP.HCM được vài tháng, con số hồ sơ nhà, đất ùn ứ đã đội lên đến gần 10.000 hồ sơ. Các văn phòng đăng ký đất đai tăng thêm cán bộ, tăng thêm giờ làm việc nhưng số hồ sơ nhà, đất ùn ứ, trễ hẹn vẫn tăng phi mã. Đến khoảng gần cuối năm 2016, con số này lên gần 30.000 hồ sơ. 

Anh T. (ở Q. Bình Tân) than: “Tôi nộp hồ sơ xin đổi giấy chứng nhận từ chủ cũ sang tên tôi từ khoảng giữa tháng 2/2018, được hẹn bảy ngày sau trả kết quả, nhưng đến nay hơn hai tuần, vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận”.

Tương tự, theo chị L. (ở Q. Gò Vấp), việc thực hiện hồ sơ đăng bộ và cấp giấy chứng nhận nhà ở mới được quy định chỉ mất khoảng nửa tháng nhưng vợ chồng chị nộp hồ sơ đến nay hơn một tháng, vẫn chưa xong.           

Vừa làm khổ dân, vừa lãng phí 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai bức xúc: “Chúng tôi cũng muốn làm nhanh cho dân nhờ và để nhân viên của văn phòng không phải thường xuyên tăng ca. Nhưng nếu như trước đây, 24 quận, huyện được ký cấp giấy chủ quyền thì nay toàn thành phố chỉ có hai người ký, hỏi sao không ùn ứ”. 

Được biết, cách nay khoảng hơn một năm, trước bất cập của “văn phòng đăng ký đất đai một cấp”, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ TNMT tham mưu, sửa đổi. Nhưng “đấu tranh” mãi, Chính phủ mới ra Nghị định 01/2017 cho phép Sở TNMT TP.HCM được ủy quyền cho các văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận.

Thế nhưng, quy định này thực tế chỉ di chuyển điểm ùn ứ hồ sơ cấp giấy chứng nhận từ Sở TNMT qua Văn phòng ĐKQSDĐ TP.HCM vì vẫn chưa có cơ chế giao quyền cho các văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện được cấp giấy chứng nhận. Có nghĩa, các văn phòng đăng ký đất đai chỉ làm hồ sơ, thủ tục rồi cuối cùng vẫn phải chuyển đến Sở TNMT đóng dấu, nên không giải quyết được nhiều vướng mắc.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có khối lượng công việc hành chính, dịch vụ công, trong đó có công tác cấp giấy chủ quyền nhà, đất rất lớn, có thể nhiều gấp hàng chục lần khối lượng công việc của các tỉnh, thành khác.

Vì vậy, không thể mặc một “chiếc áo” hành chính cho tất cả 63 tỉnh, thành mà cần có cơ chế riêng để giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện của chính quyền đô thị. Quy định này không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà doanh nghiệp cũng rất khổ sở. Hiệp hội đã phản ánh vấn đề này rất nhiều lần nhưng đến nay, tình hình vẫn vậy.  

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, hiện khâu cấp đổi, cấp lại giấy chủ quyền đã được sở ủy quyền cho 24 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện ký. Nhưng sau khi thực hiện xong, các văn phòng vẫn phải chuyển ngược đến sở đóng dấu khiến quy trình cấp giấy bị chậm trễ.

Trước đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ TNMT, Tổng cục Đất đai cho phép TP.HCM được thí điểm áp dụng các trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chủ quyền được sử dụng con dấu của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Khi đó, các chi nhánh này sẽ tiếp nhận, ký và đóng dấu trả ngay cho người dân, không phải chuyển ngược đến Sở TNMT nữa, sẽ giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, lại ít gây phiền hà cho người dân, nhưng đến nay chưa được chấp thuận. 

Đồng thời theo ông Thắng, Bộ TNMT cần cho phép (hoặc kiến nghị Chính phủ cho phép) UBND TP.HCM phân cấp cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai được trực tiếp ký cấp giấy chủ quyền và đóng dấu của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đối với các trường hợp biến động mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được lựa chọn hình thức cập nhật hoặc cấp mới giấy chủ quyền cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

“Nếu số hồ sơ này được giải quyết ngay tại quận, huyện thay vì phải chuyển đến Sở TNMT đóng dấu, sẽ nhanh gấp nhiều lần. Trong thời gian chờ sửa Nghị định 01/2017 thì có thể cho TP.HCM thí điểm, nếu hiệu quả thì nhân rộng cả nước” - ông Thắng nói. 

Thực ra, các giải pháp đề xuất trên của Sở TNMT gần như quay về cách làm cũ, thời điểm chưa ban hành quy định thực hiện văn phòng đăng ký một cấp. Điều này cho thấy trong gần ba năm qua, Bộ TNMT chẳng khác nào đã tham mưu và trực tiếp ban hành các văn bản "cải lùi" thủ tục nhà, đất, gây nhiều lãng phí, phiền hà, khổ sở cho dân. 

Mỗi năm TP.HCM tốn khoảng 20 tỷ đồng cho việc... di chuyển hồ sơ

Đó là nhận định của một lãnh đạo Văn phòng ĐKQSDĐ TP.HCM. Theo vị lãnh đạo này, với những quận trung tâm, việc giao nhận hồ sơ có thể diễn ra nhanh, đỡ trễ nải hơn. Nhưng với các huyện xa như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ, thời gian giao hồ sơ không chỉ trễ hơn mà còn tốn kém thêm kinh phí di chuyển hồ sơ. Ước tính mỗi năm, TP.HCM tốn khoảng 20 tỷ đồng cho việc di chuyển hồ sơ từ các địa phương đến Sở TNMT và ngược lại. 

Phan Trí 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI