Dân khổ vì bị lấn hẻm, không cống thoát nước

27/11/2016 - 06:00

PNO - Người dân ở ba hẻm 55-57-59 đường Nguyễn Thông, P.9, Q.3, TP.HCM bức xúc phản ánh đến báo Phụ Nữ, rằng khu vực này không có cống thoát nước. Một hộ dân còn cất nhà ngay trên hẻm, cản trở lối đi, lối thoát hiểm.

Bà Lâm Thị H. sống ở đây hơn 20 năm, than: “Hễ trời mưa là ngập, nước ứ đọng, hôi thối. Đường đã hẹp, lại thường xuyên hư, ổ gà khắp nơi, đi lại khó khăn. Bà con tự làm cống gần mặt đường, xe cộ đi lại nhiều nên thường xuyên bị vỡ”.

Ông Hàng Thành Long, tổ trưởng tổ 63 KP.5, P.9 cho biết, ba hẻm 55-57-59 trước đây có khoảng 30 hộ, nay tăng thêm 74 hộ. Do không có ống thoát nước nên từ năm 2005 các hộ dân hùn tiền làm cống đất nung để nước thoát. Dân cư ngày càng đông, nhiều hộ xin “ké” nên đường ống ngày càng quá tải, thường xuyên bị nghẹt. Có đoạn người dân đục ngang thân ống cống xả nước thải làm vỡ, gây mất vệ sinh nghiêm trọng.

Theo ông Long, người dân nhiều lần phản ánh với UBND phường, nhưng phường cho biết chưa có kinh phí. Nhiều người đề xuất tự bỏ tiền túi ra tu sửa, nhưng phường nói không được phép đào đường.

Dan kho vi bi lan hem, khong cong thoat nuoc
Căn nhà của ông T. cất ngay giữa hẻm khiến người dân rất bức xúc

Người dân còn cho biết, bao năm qua, họ rất khổ sở vì hộ gia đình ông H.Đ.T. cất nhà ngay đầu hẻm 55. Ban đầu căn nhà chỉ dựng sơ sài bằng ván cũ với diện tích 10m2 . Dần dần, ông T. nâng nền xi măng cao thêm 20cm, rộng thêm 1m nên hẻm vốn đã hẹp càng hẹp.

“Khi có hỏa hoạn, làm sao thoát, dân bị bệnh cần cấp cứu cũng khó khăn. Việc ông T. xây nhà ngay lối đi nhìn rất phản cảm. Chúng tôi yêu cầu ông T. phải di dời căn nhà, trả lối đi lại và thoát hiểm cho dân trong hẻm. Chỉ khi di dời được căn nhà này trả lại hẻm thông thoáng thì việc làm cống, bê tông hóa con hẻm mới có thể tiến hành” - một người dân bức xúc nói.

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ, ông Dương Minh Hải, Chủ tịch UBND P.9, Q.3 cho biết, việc mở rộng hẻm này, phường đã đưa vào kế hoạch trung hạn, đã báo với quận, sắp tới sẽ triển khai lấy ý kiến người dân. Theo ông Hải, khi mở rộng hẻm sẽ kết hợp làm cống thoát nước. Người dân sẽ tham gia tự di dời phần kiến trúc trước nhà, quận sẽ chịu kinh phí hạ tầng.

Về hộ gia đình ông T. lấn hẻm, ông Hải cho hay: “Người dân muốn chính quyền cưỡng chế tháo dỡ căn nhà này, nhưng gia đình ông T. ở đây từ năm 1986, đã có đăng ký điện, nước, số nhà. Theo quy định, đất ở ổn định trước năm 1993 có thể được hợp thức hóa, nên phường chưa thể tháo dỡ được”.

Ông Hải nói thêm, gia đình ông T. rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Nay ông T. đã mất, phường nhiều lần vận động gia đình di dời căn nhà, nhưng họ yêu cầu hỗ trợ 200 triệu đồng. Phường không có kinh phí nên kêu gọi người dân hỗ trợ, nhưng người dân không đồng ý. Hiện, phường tiếp tục vận động và kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ chứ không phải bồi thường. “Trong năm nay chúng tôi sẽ triển khai lấy ý kiến trong dân, chậm nhất là năm sau sẽ giải quyết những vấn đề mà người dân phản ánh”, ông Hải khẳng định.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI