Dân khó biết điểm đổi ngoại tệ hợp pháp, hoặc biết nhưng bị 'làm khó'

26/10/2018 - 10:00

PNO - Mới đây, vụ việc anh Nguyễn Cà Rê (ngụ tại TP.Cần Thơ) bị phạt 90 triệu đồng khi đến tiệm vàng đổi 100 USD ra tiền Việt đã khiến dư luận “nổi sóng”.

Bên cạnh các tranh luận trái chiều, còn có băn khoăn: đổi ngoại tệ ở đâu để không bị phạt? Một số ý kiến phàn nàn rằng, rất khó đổi được ngoại tệ ở các ngân hàng.

Về vụ người dân đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ cho rằng, cách quản lý nhà nước về ngoại tệ đang có vấn đề.

Thứ nhất, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ có thể bị xử phạt từ 80 - 100 triệu đồng và còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam quy đổi.

Tuy nhiên, nhiều người dân không biết quy định này, cho thấy Nhà nước ban hành luật nhưng không phổ biến rộng rãi đến người dân. 

Dan kho biet diem doi ngoai te hop phap, hoac biet nhung bi 'lam kho'
Người dân nên kiểm tra và giao dịch tại các điểm ngoại tệ cấp phép để tránh bị phạt

Chưa kể, hình thức xử phạt còn mang tính cào bằng, không hợp tình, hợp lý, không đúng mức độ vi phạm ở chỗ: người dân thỉnh thoảng được tặng 100 - 200 USD, có nhu cầu đổi cũng bị phạt 90 triệu đồng, trong khi một người đầu cơ ngoại tệ đem vài triệu USD ra đổi cũng chỉ bị phạt ở mức tương tự. Trong trường hợp của anh Nguyễn Cà Rê, chỉ nên phạt cảnh cáo và tịch thu số ngoại tệ đó. 

Thứ hai, Nhà nước cũng quy định các tổ chức kinh tế muốn được đổi ngoại tệ, phải đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Trường hợp tổ chức kinh tế không có giấy phép mà vẫn thu đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500 - 600 triệu đồng.

Trên thực tế, các điểm đổi ngoại tệ trái phép vẫn hoạt động nhan nhản, công khai và hầu như không hề bị kiểm tra, xử phạt. Nếu cơ quan Nhà nước làm tốt nhiệm vụ, xử lý triệt để các điểm đổi ngoại tệ trái phép, thử hỏi có chuyện người dân cầm 100 USD đi đổi mà bị phạt 90 triệu đồng hay không?

Thứ ba, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây thông tin: tính đến ngày 30/9, ngoài mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, hiện cả nước có đến 580 đại lý thu đổi ngoại tệ.

Theo quy định, phải có thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang tin điện tử của tổ chức tín dụng được phép; các đại lý hợp pháp phải treo bảng và giấy phép để người dân biết.

Nhưng, hiện có bao nhiêu đơn vị thông báo danh sách địa điểm thu đổi ngoại tệ hoặc treo bảng theo quy định và có bao nhiêu người dân biết điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp?

Dan kho biet diem doi ngoai te hop phap, hoac biet nhung bi 'lam kho'
Một số ý kiến phàn nàn rằng rất khó đổi được ngoại tệ ở các ngân hàng

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: điểm thu đổi ngoại tệ tại phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng hiện diện khắp nơi nhưng vì sao khách hàng không vào đó đổi ngoại tệ?

“Tôi chứng kiến không ít khách hàng tìm đến ngân hàng yêu cầu đổi ngoại tệ nhưng phía ngân hàng không giao dịch, kêu ra tiệm vàng đổi. Vậy là người dân phải xách ngoại tệ ra tiệm vàng đổi, nhưng không thể biết tiệm vàng đó được cấp phép đổi ngoại tệ hay chưa. Cuối cùng, người dân phải hứng chịu rủi ro” - tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ nói. 

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu còn nói thêm, có trường hợp người dân biết đó là điểm đổi ngoại tệ trái phép nhưng vẫn mua bán, là vì giá ngoại tệ ngoài chợ đen cao hơn so với ngân hàng. Do đó, phải làm sao cho tỷ giá trong ngân hàng nới dần đến mức tự do như bên ngoài thì mới giải quyết tận gốc vấn đề. 

Theo các chuyên gia, quy định mức xử phạt, số tiền xử phạt nên thay đổi, và tùy theo số lượng ngoại tệ giao dịch trái phép mà ra mức xử phạt khác nhau. Cần thanh tra, kiểm tra, dẹp bỏ các điểm giao dịch ngoại tệ trái phép hoặc công khai để người dân biết. Với các điểm giao dịch trái phép này, ngoài mức phạt tiền, cần nâng mức phạt như tịch thu giấy phép kinh doanh chẳng hạn.

Ngoài ra, nên tạo điều kiện dễ dàng cho người dân để ngân hàng là điểm đến đầu tiên mà người dân lựa chọn khi muốn bán hoặc mua ngoại tệ. Theo quy định, ngân hàng phải bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng như du học, đi công tác, chữa bệnh ở nước ngoài, nhưng trên thực tế, mua được ngoại tệ từ ngân hàng không dễ.  

Riêng người dân, nên tìm hiểu kỹ các điểm giao dịch trước khi mua bán ngoại tệ. Ngoài các điểm giao dịch, chi nhánh tại ngân hàng, mỗi ngân hàng đều có hàng chục đại lý đổi ngoại tệ nằm rải rác khắp nơi. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI