Dân kêu cứu 6 năm, tỉnh vẫn… đang nghiên cứu

30/08/2020 - 06:15

PNO - Từ ngày mỏ đá xi măng Đồng Lâm ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đi vào hoạt động, hàng loạt nhà dân bị nứt, khu vực này bị ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, đất sụt lún và nước ngầm bị mất trên diện rộng. Người dân đã phải chịu tình cảnh này hơn 6 năm qua.

 

Mỏ đá của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm khai thác xuống sâu, thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25-30m
Mỏ đá của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm khai thác xuống sâu, thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25-30m

Bất an vì đất liên tục sụt lún

Mỏ đá xi măng Đồng Lâm thuộc Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác trên diện tích 90,5ha, trữ lượng 49.595.788 tấn, công suất khai thác 1.752.075 tấn/năm, thời gian khai thác 30 năm. 

Khoảng năm 2014, Công ty Đồng Lâm thuê Công ty Tân Việt Bắc khai thác đá. Từ đó, hàng trăm hộ dân sống ở các thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân, Quảng Lộc thuộc xã Phong Xuân luôn sống trong bất an. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo đơn của bà Nguyễn Thị Huyên - ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân - gửi đến Báo Phụ Nữ TPHCM, nhà bà Huyên cách vành đai mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm khoảng 300m. Gần đây, quanh nhà bà xuất hiện năm điểm sụt lún mới. Ban đầu, chỉ có một hố sâu phía sau nhà, được các cơ quan chức năng đến kiểm tra và cho san lấp. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, lại xuất hiện thêm ba điểm sụt lún ngay dưới nền nhà, rất nguy hiểm.

“Ba tháng trước, đã có một hố sau vườn, giờ bắt đầu sụt đất trước hiên nhà. Tính tới nay, đã có năm hố, cộng với hai hố ngoài sân nữa là bảy hố. Buổi trưa, nghe nhà máy nổ mìn phá đá là cả làng chạy ra ngăn. Dân kêu cứu rát cổ mà chẳng ai giải quyết. Chừ (giờ) tường nhà trong xóm nứt rạn nhiều lắm. Ở trong nhà, cứ nơm nớp lo nhà sập khi mô (nào) không biết chừng” - bà Huyên lo lắng.

Nghiêm trọng hơn, khoảng 11g30 ngày 20/8/2020, Công ty Tân Việt Bắc đã nổ mìn gần đê bao số 1, khu vực gần cầu Cây Mưng (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân). Sau khi nổ mìn, khói thuốc súng, bụi phát tán gặp gió bay vào nhà dân. Lúc này, khoảng 50 người dân ra khu vực nổ mìn để phản đối và ngăn cản việc nổ mìn, nhưng khi dân vừa kéo về thì nhà máy tiếp tục cho nổ mìn khai thác đá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà của người dân xã Phong Xuân cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm từ 200-300m. Từ khi công ty cho nổ mìn khai thác đá, đất đai bị sụt lún, nhà cửa bị rạn nứt rất nhiều. Người dân kêu cứu hơn 6 năm qua nhưng mìn vẫn nổ.

Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm cho nổ mìn khai thác đá gần khu vực dân cư
Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm cho nổ mìn khai thác đá gần khu vực dân cư

Cuối năm 2020, mới hoàn thành đề án di dời

Do mỏ đá của Công ty Đồng Lâm khai thác âm, đáy thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25-30m nên đã khiến nước ở ruộng chảy qua khe nứt, mang theo bùn đất vào bên trong mỏ, lâu dần tạo thành các hố sụt lún lớn. Theo báo cáo của UBND xã Phong Xuân, từ tháng 8/2014 đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện 72 hố sụt lún, đường kính từ 0,3-3,5m, độ sâu 0,5-3m; hố sụt lún xa nhất cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm 2km. Các hố sụt lún xuất hiện chủ yếu trên đất nông nghiệp (khoảng 61 hố), đặc biệt có sáu hố sụt lún mồ mả, năm hố xuất hiện trên đất ở của người dân. 

UBND xã Phong Xuân đã phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm khảo sát, đánh giá và lập biên bản hiện trạng của từng nhà dân bị rạn nứt trong phạm vi 500m tính từ đê bao mỏ. Trong đợt khảo sát định kỳ lần thứ nhất, có 117 nhà dân bị ảnh hưởng và trong đợt khảo sát lần hai (năm 2019-2020), có 127 nhà dân bị rạn nứt. Phía Công ty Đồng Lâm hứa hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng cho người dân sửa chữa nhà và san lấp các hố sụt lún. 

Ông Nguyễn Bá Lành - Chủ tịch UBND xã Phong Xuân - cho biết, có hơn 25ha ruộng, đất hoa màu của người dân nằm trong khu vực xảy ra sụt lún. Công ty Đồng Lâm hỗ trợ theo từng vụ đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/sào/vụ với đất trồng lúa và hoa màu; 400.000 đồng/sào/năm đối với đất trồng cây lâu năm và keo tràm. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. 

“Từ khi nhà máy xi măng Đồng Lâm đi vào hoạt động đến nay, trên 90 hộ có đất bị sụt lún, cả giữa đồng lẫn trong vườn. Việc này kéo dài nhiều năm, cấp xã không thể giải quyết được. Chúng tôi biết dân rất khổ và mong muốn cấp trên nhanh chóng có biện pháp giải quyết dứt điểm để cho bà con yên tâm sinh sống” - ông Lành kiến nghị.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm cho chủ trương lập đề án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi cách mỏ đá 300m, các hộ sống gần tuyến đường băng tải và trạm đặt đá vôi đến khu tái định cư mới. Với gần 26ha đất nông nghiệp trong phạm vi 200m quanh khu mỏ đá, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đền bù, thu hồi đất và xin chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Ông Phan Thiên Định - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo đánh giá tác động môi trường của mỏ đá, cơ quan chức năng đã lập đề tài nghiên cứu. “Lãnh đạo tỉnh hoàn toàn nhất trí với đề xuất của lãnh đạo UBND huyện Phong Điền về việc lập đề án di dời các hộ bị ảnh hưởng đến khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để có giải pháp tổng thể trên tinh thần khách quan, khoa học, UBND tỉnh đang đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục hoàn thiện, thực hiện các bước tiếp theo của đề tài trong thời gian ba tháng tới (đến hết tháng 11/2020), trong đó cần có sự phản biện độc lập của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam” - ông Định thông tin. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI