Đàn heo nhập về cho Công ty Vissan nhiễm chất cấm Salbutamol: Đường đi bất minh

30/04/2016 - 06:57

PNO - Ngày 20/4, đàn heo 80 con do ông Nguyễn Văn Toàn thu mua từ Đồng Nai nhập về cho công ty Vissan phát hiện có chất cấm salbutamol.

Ngày 27/4, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an (C49) và Chi cục Thú y TP.HCM công bố quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Toàn (38 tuổi, ngụ tỉnh Long An) về hành vi kinh doanh động vật chứa chất cấm.

Thông tin từ Công ty Vissan cho biết, ngày 20/4, đàn heo 80 con do ông Nguyễn Văn Toàn thu mua từ Đồng Nai nhập về cho công ty Vissan, tại đây, qua kiểm tra nhanh, Chi cục Thú y TP.HCM và Công ty Vissan phát hiện có chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) trong thịt heo với hàm lượng gấp năm lần mức cho phép. Lô heo này có xuất xứ từ trại heo Vy Hướng Mạnh (Thống Nhất - Đồng Nai) là trại có chứng nhận VietGAP nông hộ (heo sạch) do Chi cục Thú y địa phương cấp.

Dan heo nhap ve cho Cong ty Vissan nhiem chat cam Salbutamol: Duong di bat minh
Heo của trang trại được chứng nhận VietGAP vẫn nhiễm chất cấm

Ngoài việc bị xử phạt hành chính với số tiền 25 triệu đồng, ông Toàn phải chịu chi phí tiêu hủy khoảng 100 triệu đồng. Ông Toàn là một trong những đơn vị hợp đồng cung ứng heo cho Công ty Vissan, sau vụ việc, đại diện Vissan cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng kinh doanh với ông Toàn.

Điều người tiêu dùng quan ngại là vì sao heo của trang trại được chứng nhận VietGAP vẫn nhiễm chất cấm. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, chứng nhận VietGAP nông hộ dành cho những trại có quy mô nhỏ, phải đáp ứng 29 điều kiện quy định, trong đó đảm bảo về môi trường, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… và có thời hạn kiểm soát theo quy trình. Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cũng khẳng định, chứng nhận VietGAP nông hộ dù quy mô nhỏ vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt, không có dư lượng kháng sinh, chất cấm…

Liên quan đến vụ việc, hiện cơ quan thanh tra đang phối hợp với C49 ráo riết điều tra để có kết luận chính xác và xử lý theo quy định của pháp luật. Ví dụ, trong quá trình chăn nuôi người nông dân cố tình sai phạm hay cơ quan kiểm soát cố tình “lờ” việc này…

Việc truy xuất này còn nhằm tìm số lượng chất cấm đang lưu thông ngoài thị trường, xem chúng được cung cấp từ đâu. Riêng với khâu kiểm soát lấy mẫu, theo nguyên tắc, khi heo xuất chuồng chuẩn bị đến lò giết mổ thì thú y địa phương phải xác nhận heo an toàn. Khi heo đến bất cứ đơn vị nhập nào để giết mổ đều được trạm kiểm soát giết mổ của chi cục thú y lấy mẫu kiểm tra lại. Như vậy, rõ ràng có gì đó bất minh trong quy trình này!

Ngọc Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI