Dân Hàn Quốc "chán" cuộc sống chốn phồn hoa đô hội?

16/06/2022 - 21:17

PNO - Đang diễn ra một thực tế không thể chối cãi: người dân Hàn Quốc có xu hướng kéo nhau rời khỏi thủ đô Seoul do chi phí sinh hoạt và giá nhà đang không ngừng tăng cao với tốc độ phi mã.

Giờ đây nhiều người đang tìm kiếm một nơi an cư hợp lý hơn ở các khu vực ngoại ô hoặc thành phố vệ tinh thay vì sống trong lòng thủ đô chật chội, ngột ngạt và đắt đỏ.

Thành phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc không còn là địa chỉ đỏ của người dân do chi phí cuộc sống quá đắt đỏ - Ảnh:
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc không còn là "địa chỉ đỏ" của người dân do chi phí cuộc sống quá đắt đỏ - Ảnh: DW 

Những “con số biết nói” được chính phủ Hàn Quốc công bố mới đây cho thấy, có khoảng 9,49 triệu người dân sống tại thủ đô Seoul vào thời điểm tháng 5/2022, sụt giảm đáng kể so với con số 10,97 triệu dân năm 1992.

Dân số của thủ đô xứ kim chi đã giảm xuống dưới ngưỡng 10 triệu người vào năm 2016, và theo báo cáo mới nhất chính phủ Hàn Quốc thì số lượng cư dân ở Seoul thậm chí có thể giảm xuống chỉ còn 7,2 triệu người vào năm 2050.

Đây chính là bài toán cân não cho chính quyền thủ đô khi mà tham vọng của họ là rất rõ ràng: thay thế Hồng Kông, Tokyo và Singapore để trở thành trung tâm tài chính của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại sao nhiều người “chê” cuộc sống ở thủ đô?

Cô Kim Hyun-jung cùng chồng là một giáo sư đại học đã rời bỏ Seoul chật chội để có được một không gian sống thoải mái hơn ở tỉnh Gangwon nằm ở phía Đông Bắc của Hàn Quốc và không hề cảm thấy hối hận cho quyết định này của mình.

“Nguyên nhân chính khiến nhiều người rời bỏ Seoul chính là giá nhà đắt đỏ đến không tưởng và nằm ngoài tầm với của đại đa số người dân”, cô Kim cho biết.

Giá nhà ở tăng cao khiến nhiều  người dân phải tháo chạy khỏi thủ đô Seoul - Ảnh:
Giá nhà ở tăng cao khiến nhiều người dân phải tháo chạy khỏi Seoul - Ảnh: Kyodo

Từ tháng 5/2017, giá nhà trung bình ở Seoul (quy đổi ra tiền Việt) đã là hơn 6 tỷ đồng. Thế nhưng nếu muốn mua cùng căn nhà đó vào thời điểm hiện tại thì người ta sẽ phải bỏ ra hơn 11,2 tỷ đồng.

Đối với cô Kim, một giáo viên 44 tuổi, có quá nhiều lý do để rời bỏ Seoul và đến sống tại một nơi cách đó khoảng 2,5 giờ di chuyển bằng ô tô.

"Thật sự rất dễ dàng để tìm thấy một ngôi nhà lớn hơn về diện tích sử dụng với giá cả thấp hơn nhiều so với ở Seoul", cô Kim so sánh. "Quan trọng hơn, chất lượng cuộc sống ở khu ngoại ô giờ cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Và con tôi có thể ra ngoài chơi đùa thoải mái thay vì bị bao quanh bởi những bức tường khép kín ở Seoul".

Gia đình cô Kim còn tận hưởng nhiều tiện ích khác như con cái được học miễn phí ở trường mẫu giáo, cùng với nhiều lớp học ngoại khóa cho trẻ em, bao gồm cả piano và taekwondo, với học phí rẻ hơn rất nhiều so với chi phí phải trả nếu ghi danh ở Seoul.

"Tôi đặc biệt thích không khí trong lành, nhịp sống thoải mái và không phải chịu đựng sự đông đúc ngột ngạt như khi ở Seoul", cô Kim bày tỏ.

Ngoại ô và khu đô thị vệ tinh lên ngôi

Ông Dan Pinkston, một giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Troy của Mỹ có khu học xá tại Seoul nói rằng, ông tận mắt chứng kiến làn sóng “di cư ngược” của người dân Hàn Quốc từ thủ đô Seoul về vùng ngoại ô và các khu đô thị vệ tinh xa trung tâm.

“Hệ thống giao thông công cộng, bao gồm tàu điện ngầm và tàu cao tốc nối liền các khu đô thị vệ tinh với thủ đô Seoul đã giúp người dân vẫn tiếp cận được khu vực trung tâm mà không phải sống ngay tại đó”, giáo sư Dan lý giải.

Hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và hiện đại giúp người dân Hàn Quốc lựa chọn làm việc ở trung tâm nhưng sống ở ngoại ô - Ảnh:
Hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và hiện đại giúp người dân Hàn Quốc lựa chọn làm việc ở trung tâm nhưng sống ở ngoại ô - Ảnh: Shutterstock 

Theo vị giáo sư người Mỹ này thì ngày càng có nhiều người Hàn Quốc lựa chọn sống tại các khu đô thị mới ở xa trung tâm với đầy đủ tiện nghi hiện đại như trường học, bệnh viện nhưng vẫn dễ dàng đi làm ở khu trung tâm thủ đô.

Thế nhưng trong con mắt của giới chuyên gia kinh tế thì xu hướng này lại hàm chứa nhiều chỉ dấu tiêu cực cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Một nghiên cứu mới đây của tập đoàn tư vấn toàn cầu ECA đã xếp hạng Seoul là một trong 10 đô thị đắt đỏ nhất thế giới với giá thuê nhà, phương tiện giao thông và chi phí sinh hoạt luôn nằm ở mức cao ngất ngưởng, "sánh vai" cùng Hồng Kông, Tokyo, Thượng Hải và Quảng Châu.

Làn sóng rời bỏ thủ đô Seoul sẽ càng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự tay nghề cao, nhất là trong một số lĩnh vực như khoa học, công nghệ, và chuyên gia kỹ thuật.

Nguyễn Thuận (theo DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI