Dân Hà Nội nín thở trong những chung cư chờ sập

05/07/2020 - 16:09

PNO - Vôi vữa từ trần nhà rụng xuống rào rào, nền lún, tường nứt; khi trời mưa, người ở trong nhà phải mặc áo mưa chống dột và đội mũ bảo hiểm đề phòng bất trắc… Đó chỉ là vài hình ảnh sinh hoạt của người dân trong các chung cư, khu tập thể cũ xuống cấp ở TP. Hà Nội hiện nay.

Nỗi lo thường trực
Từ đường Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm) đi sâu vào con ngõ nhỏ số 78 là khu tập thể cũ kỹ, vốn là một biệt thự được xây dựng từ thời Pháp với tuổi đời trên 100 năm. Hành lang nhỏ, thấp, đèn điện phải bật sáng 24/24 giờ mới nhìn rõ lối đi.

Bà Nguyễn Thị Hiền thở vắn than dài: “Hai chục hộ còn trụ lại chẳng qua là vì không có điều kiện kinh tế, và vì nhà chưa sập hẳn nên cố ở, chứ có ai muốn sống cảnh ngồi trong nhà mà lo sợ hơn cả tham gia giao thông đâu”.

Bà Hiền chỉ lên tấm trần giả có khung sắt đỡ, bảo đây là “mảnh vá”, còn trần thật của nhà bà đã sụp, trơ cả khung sắt thép bên trong từ năm ngoái. Hai chục hộ ở đây, hộ nào cũng phải vá góc này, chằng góc khác.

Bên hộ ông Nguyễn Văn Minh, trần nhà cũng mới sụp đầu mùa mưa năm nay. Nhớ lại đêm đó, ánh mắt ông vẫn thất thần: “Giữa đêm, cả nhà đang ngủ say thì giật bắn vì nghe thấy tiếng “uỳnh” rất to. Mắt nhắm mắt mở, chúng tôi nghĩ tiếng động đó là do tàu chạy. Đến khi bật điện lên thì thấy những mảng trần đã rụng”.

Bà Phương - vợ ông Minh - bảo, may mà vợ chồng bà ngủ dưới sàn, cách trần nhà là gian gác xép, nên toàn bộ vôi vữa, thạch cao đều được cái gác xép “đỡ” cho, chứ không thì… 

Tại khu tập thể ba tầng ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, ngay chiếu nghỉ tầng ba, mảng trần phía trên đã mục ruỗng và rơi xuống. Bà con gọi vui đó là giếng trời. Trên mái tôn “chuồng cọp” do các hộ cơi nới, những viên ngói vỡ không biết đã nằm đó từ bao giờ. Bà con chỉ nhớ, thi thoảng nghe tiếng “oành” là biết vừa có thêm viên ngói rơi. Các góc tường, góc sàn, xi măng đắp chỗ này, vá chỗ kia. 

Bà My sống ở đây đã nửa thế kỷ, từ ngày khu tập thể này được đưa vào sử dụng. Bà cũng chứng kiến từng giai đoạn xuống cấp của khu nhà, đến những năm gần đây thì càng thêm trầm trọng. Hễ trời mưa, muốn đi trên hành lang, phải khoác áo mưa. Dưới tầng một, nước ngập lênh láng. Nhìn nước dưới cống trào ngược lên, bốc mùi nồng nặc, nhiều người không dám đặt chân xuống để đi đến nhà vệ sinh.
 

Tường nứt, trần sập, mái thủng… là thực trạng của rất nhiều chung cư cũ ở TP.Hà Nội hiện nay
Tường nứt, trần sập, mái thủng… là thực trạng của rất nhiều chung cư cũ ở TP. Hà Nội hiện nay

Đi chẳng được, ở không xong

Hiện nay, hầu hết mọi sinh hoạt của gia đình ông Nguyễn Văn Minh - ở khu tập thể trong ngõ 78 Lê Duẩn - đều diễn ra dưới gầm gác xép, chiều ngang chỉ khoảng một sải tay. Mũ bảo hiểm được để ở vị trí dễ lấy nhất để sẵn sàng đội lên đầu bất cứ lúc nào, vì thỉnh thoảng, trần nhà lại rơi. 

Trên tầng hai, vài hộ lúi húi nấu cơm giữa cái nóng hầm hập. Mái ngói cũng chẳng được lành, thủng góc này, toang hoác góc kia, người dân phải lấy vải nhựa căng lên để che mưa, chắn nắng. Khu nhà này nằm cạnh đường ray tàu hỏa của ga Hà Nội. Mỗi khi tàu chạy ngang qua, khu nhà như đang trải qua trận động đất nhẹ.

Giọng bà Hiền lo âu: “Như thế này thì ở làm sao? Mùa bão lại sắp đến”. Rồi bà rùng mình nhớ năm 2015, căn biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm sập, làm hai người chết, năm người bị thương. Với sự xuống cấp trầm trọng như khu nhà bà hiện nay, bà cũng không biết nó sẽ sập lúc nào.

Bà con trong khu nhà này cho biết, nhiều năm nay, khi hai chục gia đình rơi vào cảnh “đi chẳng được, ở cũng không xong”, họ đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng xin được nâng cấp, cải tạo. Chính quyền các cấp, đơn vị chức năng đã xuống khảo sát, kiểm tra, ghi nhận tình hình, nhưng đến nay, vẫn chưa đưa ra được phương án nào. Bên khu tập thể ba tầng, nhà bà My cũng trong tình trạng tương tự.

Không bên nào nhượng bộ

TP. Hà Nội hiện có trên 1.500 chung cư, khu tập thể cũ xuống cấp. Từ 12 năm trước, UBND TP. Hà Nội đã có chủ trương cải tạo, nhưng đến nay, mới cải tạo được gần 20 chung cư, trong khi chung cư cũ xuống cấp từng ngày, tính mạng nhiều người dân bị đe dọa từng giờ.

Nhiều hộ dân đồng ý, thậm chí mong mỏi khu nhà mình sẽ được xây dựng mới theo phương án huy động vốn xã hội hóa, nhưng cũng không ít gia đình trong các khu nhà cũ đó không chấp nhận phương án đền bù, có khi chỉ vì tầng một (trệt) của nhà họ là kế sinh nhai cho cả gia đình.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phân tích, huy động vốn xã hội hóa để cải thiện chỗ ở là phương án khả thi. Tất cả các quốc gia, dù giàu, dù nghèo đều phải làm như vậy. Nhưng hiện nay, không ai vì lợi ích chung, người dân đang ở chung cư cũ lẫn chủ đầu tư đều đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích xã hội.

Việc cải tạo chung cư cũ suốt những năm qua vướng mắc nhiều tới mức quá sức của tất cả các bên liên quan. “Nếu không bên nào chịu thỏa hiệp thì phần thiệt thòi, hậu quả sẽ đổ hết vào xã hội. Sức ép từ việc gia tăng mật độ, tăng tầng cao, hệ số xây dựng… sẽ đè thẳng vào hạ tầng xã hội lẫn hạ tầng kỹ thuật hiện có, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan” - ông Ánh nhận định.

Theo ông, hoặc các bên liên quan phải giảm bớt lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của cả cộng đồng và xã hội, hoặc các cơ quan quản lý phải có chế tài mạnh, thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc cải tạo chung cư cũ, mới giải quyết được vấn nạn “nín thở trong những chung cư chờ sập” như hiện nay. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI