Đan giỏ nhựa nuôi con vào đại học

09/09/2013 - 20:04

PNO - PN - Những nhọc nhằn mấy chục năm qua của chị Nguyễn Thị Lợi (SN 1969, ngụ tại ấp 4, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cuối cùng cũng đã cho quả ngọt khi Huỳnh Thanh Nhàn, con chị, đậu cả hai trường đại học.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Lợi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, học hành dở dang. Anh Huỳnh Văn Tông (SN 1965), chồng chị cũng chẳng khá hơn. Anh Tông có người em gái là chị Huỳnh Thị Hạnh bị dị tật bẩm sinh, không thể đi lại và tự vệ sinh cá nhân được. Từ ngày về nhà anh Tông làm dâu, chị Lợi nhận chăm sóc em chồng. Ba con lần lượt chào đời, vợ chồng chị lại không có công việc ổn định nên cuộc sống vốn khó lại càng khó hơn.

Chị kể: “Lúc trước không có nhà, vợ chồng phải ôm con đi ở nhờ. Nhà thiếu ăn thường xuyên, mấy đứa nhỏ bị suy dinh dưỡng luôn. Chị em thằng Nhàn đi học chẳng có quần áo tinh tươm, xe đạp như chúng bạn. Sau này, thầy cô ở Trường THPT Cần Đước thương Nhàn nên hỗ trợ nhiều, từ chiếc xe đạp đến cuốn tập, cây viết, quần áo”.

Dan gio nhua nuoi con vao dai hoc

Chị Lợi và con trai đều có thâm niên đan giỏ nhựa 5 năm nay

Anh Tông bốc vác xi măng mướn được 20.000 - 30.000đ/ngày nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Chị Lợi làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Khoảng 5 năm trở lại đây, chị chuyển sang đan giỏ nhựa, tiền công 8.000đ/giỏ, ngày nào cũng làm bất kể sớm, tối. Nhờ được vay vốn của Hội Phụ Nữ, chị chăn nuôi gà, vịt để có thêm đồng ra đồng vào.

Nhàn là con trai duy nhất của chị Lợi. Từ bé, Nhàn đã biết phụ mẹ kiếm tiền mua gạo. Một buổi đi học, buổi còn lại Nhàn ra ruộng bắt cá. Khi mẹ đan giỏ nhựa, Nhàn nhìn mẹ đan rồi học theo. Thương mẹ vất vả, Nhàn còn phụ chăm sóc người cô tàn tật. Vào những ngày trái gió trở trời, chị Hạnh hay lên cơn đau, vùng vẫy, khó ăn uống, Nhàn thay mẹ đút từng muỗng cháo, dọn dẹp vệ sinh, lau tay chân cho cô.

Hỏi làm nhiều việc như vậy lấy đâu ra thời gian học, Nhàn thổ lộ: “Em làm riết thành quen, cứ để cuốn tập trước mặt, vừa học vừa làm. Chỉ những lúc ra ruộng, ao bắt cá em mới không mang vở theo. Thật ra, em không thấy mệt hay vất vả gì, chỉ thương ba mẹ phải làm quần quật suốt ngày mà nhà vẫn đói rách”. Nhàn học đều tất cả các môn, đặc biệt là giỏi toán và tiếng Anh. Em từng “rinh” danh hiệu học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp huyện và được vinh danh tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến huyện Cần Đước giai đoạn 2005-2009.

Trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, chị Lợi khăn gói đưa con trai lên TP.HCM thi. Chị Lợi kể: “Hôm đưa con đi thi trong nhà không còn đồng nào, tôi chạy đi mượn, kiểu gì cũng phải ráng lo cho con chứ đâu để nó dang dở chuyện học hành. Ngày thi, Nhàn lên cơn đau, mặt mày tím tái, nôn đến mật xanh mật vàng nhưng nó cương quyết vào phòng thi cho bằng được”. Khi Nhàn nhận giấy báo trúng tuyển của ĐH Nông lâm TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM, chị Lợi mừng mà lo. Chị của Nhàn đang là sinh viên Trường CĐ Sư phạm Long An. Nối gót chị, Nhàn quyết định học ngành sư phạm toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Gánh nặng lo cho con học hành sẽ khiến tay chị Lợi thêm chai sần, nhưng chị vẫn xác định sẽ cho hai con học hành đến nơi đến chốn.

Bà Trần Thị Nghe, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Phước Đông chia sẻ: “Chị Lợi là hội viên tích cực, luôn cố gắng vươn lên để lo cho gia đình khiến chúng tôi quý mến và cảm phục. Dù nhà nghèo, dù còn nhiều thiếu thốn nhưng các con chị Lợi đều học giỏi, lễ phép. Nghe tin cháu Nhàn đậu đại học, tôi rất phấn khởi. Mong Nhàn sẽ tiếp tục phấn đấu học tốt và luôn vững vàng trong những ngày khó khăn sắp tới”.

 Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI