Dân được lợi nếu tiếp tục giảm thuế suất VAT 2%

29/11/2024 - 06:31

PNO - Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% để giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đề xuất giảm 2% VAT trong 6 tháng đầu năm 2025

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, chiều 28/11, ông Hồ Đức Phớc - Phó thủ tướng Chính phủ - đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn 2022-2024, chính sách giảm VAT 2% đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và sức tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức; việc ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn, chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Do đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm VAT để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM - ẢNH: THANH HOA
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM - Ảnh: Thanh Hoa

Dự thảo nghị quyết đề nghị giảm thuế suất VAT xuống còn 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng chính sách từ ngày 1/1 - 30/6/2025.

Dự kiến, với việc giảm VAT trên, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 26.100 tỉ đồng nhưng cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể, với chính sách này, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, làm giảm trực tiếp chi phí trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Thuế suất VAT giảm 2% giúp các DN hạ chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, từ đó giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. DN cũng có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp cần "cần câu" hơn "con cá"

Đồng tình với đề xuất giảm thuế suất VAT của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định, 2025 là năm có tính chất quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, do đó cần đòn bẩy để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bằng chính sách giảm VAT. Tuy nhiên, nhìn lại chính sách giảm VAT trong thời gian qua, ông cho rằng, lần này, Chính phủ nên đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế trong 12 tháng thay vì 6 tháng, tức thực hiện từ đầu năm đến hết năm 2025.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (tỉnh Bến Tre) cũng cho rằng, việc nhiều lần đề xuất kéo dài thời gian giảm VAT tạo ra sự ngắt quãng, thiếu tính chất bền vững của chính sách nên đôi khi khiến DN khó khăn trong việc nhận định, đầu tư. Do đó, Chính phủ nên đề xuất thời gian áp dụng chính sách này đến ngày 31/12/2025.
Ủng hộ việc giảm thuế suất VAT nhưng một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tác động của chính sách tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương), chính sách giảm thuế suất VAT đã kéo dài gần 3 năm. Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm VAT chỉ riêng trong nửa đầu năm 2025 sẽ làm giảm thu ngân sách 26.100 tỉ đồng nên cần tính toán để cân đối được các nguồn thu lớn và tài chính công của đất nước.

Ông cũng lo rằng, việc hỗ trợ trong ngắn hạn có thể không có lợi trong dài hạn bởi nguồn lực của đất nước giảm cũng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của DN. Ông nói: “DN mong được hỗ trợ “cần câu” chứ không phải “con cá”. Chúng ta có thể khoanh vùng để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN đổi mới sáng tạo thay vì hỗ trợ một cách cào bằng”. Ông cũng lưu ý, trước khi soạn thảo chính sách, Chính phủ nên khảo sát, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN thông qua các hiệp hội DN để có quyết định phù hợp.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) nhận định, bên cạnh tác động tích cực, chính sách này cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Cùng với giải pháp ngắn hạn là giảm thuế suất VAT, Chính phủ cần quan tâm tới các giải pháp dài hạn để tăng sức cạnh tranh của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, bởi đây là lực lượng lớn trong nền kinh tế nhưng lại dễ bị tổn thương. Chẳng hạn có các gói tín dụng lãi suất thấp giúp DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đào tạo, quản trị DN. Việc giảm thuế suất VAT làm giảm nguồn thu ngân sách nên cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách từ các nguồn thu khác để bù đắp, như nguồn thu từ điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, rà soát để tránh thất thu thuế do hành vi trốn thuế.

Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, thuế suất VAT của Việt Nam quá thấp so với các nước trên thế giới. Chẳng hạn, mức VAT của Trung Quốc và Ấn Độ là 17%, Isarel 17%, châu Âu hơn 20%. Nếu giảm thu 2% VAT, các tỉnh, bộ, ngành phải nỗ lực đảm bảo dự toán ngân sách. Tuy nhiên, năm 2025 có nhiều diễn biến khó lường, thị trường xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng do thuế nhập khẩu sẽ tăng lên. Vì vậy, Chính phủ đề nghị thời gian giảm VAT trong 6 tháng. Ông cũng đồng tình với ý kiến tạo “cần câu” cho DN: “Quan trọng nhất là phải giúp DN ngày càng giàu mạnh hơn. Việc giải quyết khó khăn cho DN không chỉ dựa vào thuế mà phải còn là cơ chế, chính sách, thủ tục, việc tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tín dụng”.

Giảm thuế để báo chí làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền

Sáng 28/11, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (tỉnh Phú Yên) quan tâm vấn đề thuế đối với các cơ quan báo chí. Ông phân tích, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, xã hội, có vai trò rất quan trọng trong định hướng dư luận. Nhưng các cơ quan báo chí đang đối mặt nhiều khó khăn; thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, việc giảm thuế cho cơ quan báo chí sẽ góp phần hỗ trợ báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) lần này, ban soạn thảo dự kiến sẽ giảm thuế thu nhập DN cho các loại hình báo chí từ 20% xuống còn 15%, riêng báo in vẫn giữ nguyên 10%. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa bởi hiện nay, lượng phát hành báo in còn rất ít. Trong một cơ quan báo chí, ngoài báo in, còn có báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Ông đề nghị Quốc hội giảm thuế tất cả loại hình báo chí xuống còn 10%. Chính sách này không chỉ động viên các cơ quan báo chí mà còn tăng được giá trị của thông tin, phòng chống thông tin xấu độc một cách hiệu quả, giúp cơ quan báo chí có nguồn lực để chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, máy móc, chuyển đổi phương thức tác nghiệp của phóng viên.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) cũng cho rằng, cần thiết phải miễn giảm thuế cho cơ quan báo chí bởi doanh thu ngày càng giảm. Đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) nhận xét, thời gian qua, nhiều cơ quan hoạt động trong lĩnh vực y tế và báo chí vừa phải làm tốt công tác phục vụ, tuyên truyền nhưng vẫn phải tự chủ 100%. Ông đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có báo chí: “Đây là sự đầu tư trở lại của ngân sách nhà nước nhằm giúp các đơn vị này có nguồn lực hoạt động”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI