Dàn dựng khác phá hoại, dối lừa
Vụ 2 nhiếp ảnh gia D.C.S. và N.T.K.C. được cho là cột chân 3 con chim trẩu non trên cành để chụp ảnh hiện chưa có kết luận cuối cùng từ Hội Nhiếp ảnh TPHCM.
Theo tường trình của 2 nhiếp ảnh gia với phía hội vào ngày 3/4, cả hai khẳng định họ không cột chân chim mà chỉ chụp dựa trên những thứ có sẵn, tạm gọi là thừa hưởng lại từ những người đã cột từ trước. Dù vậy, cả nhiếp ảnh gia S. và C. đều nhận lỗi trong việc sơ ý, không quan sát kỹ lưỡng bối cảnh chụp, gây nên những hiểu lầm không đáng có, ảnh hưởng đến uy tín của Hội Nhiếp ảnh nói chung và cá nhân những người đam mê chụp ảnh động vật nói riêng. Sự hối lỗi từ 2 tay máy tạm thời xoa dịu phần nào phản ứng của dư luận. Hội Nhiếp ảnh TPHCM cũng cho biết sẽ tổ chức các buổi tọa đàm liên quan đến nhiếp ảnh và thiên nhiên hoang dã để nâng cao ý thức, trách nhiệm người chụp ảnh.
|
Bức ảnh Night Raider của nhiếp ảnh gia Marcio Cabral cho thấy cảnh con thú ăn kiến đang tấn công ụ mối vào ban đêm; nhưng đây là ảnh dàn dựng |
Sự việc này là lời nhắc nhở chung cho những nhiếp ảnh gia khác mỗi khi cầm máy lên và chụp, bởi họ hoàn toàn có thể chọn hướng sáng tạo phản ánh đúng hiện thực đời sống, không gian dối người xem cũng như chính mình, đặc biệt là không phá hoại, tác động tiêu cực đến chủ thể được chụp.
Trên thế giới, không ít lần dư luận đã phẫn nộ vì các tay máy dàn dựng bất chấp để có những tấm ảnh đúng ý muốn. Còn nhớ sự vụ của nhiếp ảnh gia người Indonesia - Yan Hidayat, người chuyên chụp ảnh động vật. Năm 2015, Yan Hidayat được chú ý với bức ảnh con rùa nhỏ đang nặng nhọc cõng chú ếch xanh trên lưng. Khi đó, nhiều người dành lời ngợi khen cho Yan Hidayat vì đã “bắt” được khoảnh khắc tuyệt đẹp, vô cùng tự nhiên. Nhưng không bao lâu sau, Yan Hidayat bị tố đã dàn dựng bức ảnh và chính anh cũng thừa nhận. Yan Hidayat nói anh mua một số loài động vật tại cửa hàng Jakarta về nhà, sau đó sắp đặt và chụp. Sự thừa nhận của Yan Hidayat khiến người xem thất vọng vì họ từng nghĩ anh dành hàng giờ, thậm chí nhiều ngày để chụp được hình ảnh đắt giá.
Không chỉ Yan Hidayat, nhiều nhiếp ảnh gia cũng bị gắn mác “lừa dối” khi họ coi trọng ý thích cá nhân hơn những gì thuộc về tự nhiên. Trên tờ Guardian cách đây 4 năm, một bài viết từng gây rúng động dư luận khi chính người trong cuộc tiết lộ những mánh khóe đằng sau các bức ảnh chụp động vật hoang dã. Bài viết điểm qua nhiều chiêu trò, tiểu xảo của các nhiếp ảnh gia; trong đó khơi lại vụ việc của nhiếp ảnh gia Marcio Cabral (Brazil) - người thắng hạng mục Animals in the Environment (Động vật trong môi trường sống) tại giải ảnh quốc tế chuyên về đề tài thiên nhiên - Wildlife Photographer of the Year 2017 và sau đó bị tước giải thưởng. Cụ thể, Marcio Cabral đã chụp một con thú ăn kiến nhồi bông đặt trong khung cảnh hoang dã chứ không phải con thú thực sự.
Dàn dựng thế nào là đủ?
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong vừa ra mắt sách ảnh và đang trong thời gian trưng bày triển lãm lần thứ 18 mang tên Bóng tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Trong 108 bức ảnh được in trong sách, anh tiết lộ với Báo Phụ nữ TPHCM rằng có 1 bức ảnh được dàn dựng. Lý do là đến gần thời điểm in ấn sách, anh nhận thấy trong hàng ngàn bức ảnh đã chụp, vẫn còn thiếu bức ảnh liên quan đến hình tượng phụ nữ Việt mặc áo dài. Do đó, anh đã liên hệ nhân vật và nhờ họ mặc trang phục, đội nón lá đúng như hình ảnh anh mong muốn. Quá trình chụp hoàn toàn không đơn giản mà phải chờ đúng hôm thời tiết thuận lợi, bóng nắng đổ hợp lý, người mẫu sải bước đúng dáng đi… ảnh mới đạt.
|
Bức ảnh dàn dựng cảnh rùa “cõng” ếch xanh của nhiếp ảnh gia Yan Hidayat |
Trần Thế Phong nói anh hiếm khi dàn dựng ảnh vì luôn tôn trọng sự thật, những gì hữu duyên diễn ra trong cuộc sống. Vì lẽ đó, để hoàn thiện cuốn sách ảnh Bóng, anh mất tới 10 năm hơn để đeo đuổi. Trần Thế Phong kể có những lần anh cất công bay ra Hà Nội, tìm về góc quán trên cao để đợi khoảnh khắc nhân vật xuất hiện nhưng có ngày, anh ngồi từ sáng đến chiều không chụp được vì yếu tố ngoại cảnh tác động.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Nga - Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM - cho biết, trong nhiếp ảnh, việc dàn dựng không đáng trách vì có đôi lúc, các tay máy không có nhiều lựa chọn trong việc thể hiện nên buộc lòng họ phải dàn dựng. Tuy nhiên, việc dàn dựng phải thực sự khéo léo, tinh tế, không thể tùy tiện.
“Người chụp ảnh có quyền tái hiện cuộc sống, hay có thể hiểu nôm na là dàn dựng lại đời sống. Nhưng dàn dựng làm sao để vẫn giữ được tính chân thật, khái quát để đến khi xem, người xem vẫn chấp nhận được, không bị khiên cưỡng, không thấy có sự áp đặt… là cực kỳ quan trọng. Để làm được, đòi hỏi người chụp phải tư duy, biết cách gửi gắm ý tưởng gắn với bối cảnh, có kỹ năng và sự hiểu biết thì khi đó bức ảnh mới gần đạt đến sự chân thật vốn có” - nhiếp ảnh gia Hồng Nga chia sẻ.
Nữ nhiếp ảnh gia cũng cho rằng khi cầm máy, người nghệ sĩ cần biết được lúc nào có thể dàn dựng và có cách dàn dựng ra sao để thực sự thuyết phục được người xem. Điều quan trọng là cần tiết chế việc dàn dựng, không nên lạm dụng.
Diễm Mi