41 phường, xã, thị trấn ở TP.HCM có dân số từ 50.000 người trở lên, nhiều gấp ba lần so với quy định về quy mô dân số phường thuộc quận; thậm chí, nhiều xã, phường có trên 100.000 dân. Song, số biên chế ở các phường, xã này cũng chỉ ngang với các địa phương cùng cấp có dân số 15.000 người, nên cán bộ phải tăng ca mà vẫn không làm xuể việc.
Cán bộ phải làm thêm mỗi ngày 4 giờ
7g30, bốn băng ghế ở khu tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh kín người ngồi. Bên trong, tiếng dập của con dấu vang lên liên hồi, xen lẫn tiếng giấy tờ sột soạt và những lời cán bộ tư vấn, hướng dẫn cho dân.
|
Người dân ngồi chờ làm thủ tục hành chính ở trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc A vào sáng 29/6 |
Ôm trên tay một xấp giấy tờ dày cộp chuẩn bị trình lãnh đạo ký, chị Nguyễn Thị Như An - cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc A - cho hay: “Hôm nay, người dân đến đông nhưng chưa phải là cao điểm. Vài hôm nữa, khi học sinh chuẩn bị vào năm học mới, người dân đến làm các thủ tục sẽ đông gấp đôi, gấp ba thế này”.
Vĩnh Lộc A là xã có dân số đông nhất trên cả nước với trên 176.000 người. Năm 2020, UBND xã này được giao biên chế là 89 người nhưng do tinh giản biên chế, nay chỉ còn 36 người, gồm 11 cán bộ, 11 công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách.
Cán bộ giảm, công việc nhiều, chị Như An và các cán bộ khác phải phụ trách thêm các lĩnh vực khác và phải tăng giờ làm. Trước đây, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND xã Vĩnh Lộc A có 35 người, chị Như An chỉ lo tiếp nhận hồ sơ hộ tịch, tư pháp mà đã không xuể, phải tăng giờ làm. Hiện giờ, bộ phận này chỉ còn lại năm người, chị lại phải kiêm nhiệm thêm công việc của khối văn phòng nên càng quá tải công việc.
9g, ông Bùi Bá Công Thanh - công chức tổ địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường của UBND xã Vĩnh Lộc A - lên xe máy chạy một mạch về ấp 4 để xác minh hiện trạng hồ sơ liên quan đến xây dựng. Trong hành trình, ông còn tranh thủ đi tuần tra địa bàn để kịp thời ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.
Xã Vĩnh Lộc A có diện tích gần 2.000ha, có nhiều đất nông nghiệp nhưng tốc độ đô thị hóa lại cao nên khá phức tạp về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, hiện xã chỉ có hai công chức phụ trách lĩnh vực địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường. Đầu năm 2022, UBND huyện đã biệt phái thêm hai cán bộ xuống hỗ trợ công tác địa chính, xây dựng cho xã nhưng số cán bộ bổ sung này vẫn quá ít so với quy mô dân số và diện tích tự nhiên của xã.
Ông Công Thanh cho biết, hằng ngày, ông đến UBND xã Vĩnh Lộc A lúc 7g sáng để chuẩn bị tiếp nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực phụ trách. Sau 9g, ông phải đi xác minh hiện trạng để giải quyết hồ sơ cho dân. Sau khi nghỉ trưa, ông bắt đầu giải quyết các công việc chuyên môn như tiếp xúc người dân để hướng dẫn thủ tục, trả lời đơn.
Xã Vĩnh Lộc A có nhiều vụ việc phức tạp về đất đai nên ông Công Thanh phải phối hợp với các cơ quan như công an, tòa án, thi hành án để xác minh các hồ sơ, vụ việc tranh chấp, khiếu nại và thi hành án, bình quân từ 15-20 hồ sơ/tuần. Sau 17g30 hằng ngày, ông mới bắt đầu làm các hồ sơ hành chính liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, trả lời công văn, cập nhật bản đồ địa chính. Do đó, ông thường xuyên rời trụ sở UBND xã lúc 21g.
Bà Lại Thị Bích Trâm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - cho biết sau khi áp dụng Nghị định 34/2019/NĐCP của Chính phủ (về cán bộ, công chức cấp xã), cán bộ ở xã Vĩnh Lộc A đã giảm 53 người. Trong khi đó, loại hồ sơ, thủ tục hành chính chưa được giảm nhiều. Hiện còn nhiều thủ tục cần có nhiều cán bộ thụ lý, giải quyết.
“Hằng tuần, chúng tôi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ ngoài giờ vào thứ Ba và thứ Năm, từ 17g đến 18g30. Cán bộ, công chức, người lao động của UBND xã phải thường xuyên làm thêm việc ngoài giờ để giải quyết hết khối lượng công việc, từ 18g đến 21g, cả thứ Bảy và Chủ nhật” - bà Bích Trâm thông tin.
Một cán bộ, tiếp 350 lượt người/ngày
Với số biên chế cán bộ và dân số hiện hữu, bình quân một cán bộ ở xã Vĩnh Lộc A phải phụ trách 4.558 dân. Hằng ngày, một cán bộ ở tổ tiếp nhận và hoàn trả kết quả hồ sơ phải tiếp ít nhất 350 lượt người.
|
Cảnh giải quyết hồ sơ cho dân ở các quận, huyện tại TP.HCM được Sở Nội vụ giám sát qua camera (trong ảnh: Khu vực tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ cho dân tại trụ sở UBND Q.Bình Tân, sáng 30/6) |
11g trưa, bảng điện tử ở khu vực tiếp nhận và hoàn trả kết quả hồ sơ của UBND xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh vẫn nhấp nháy liên hồi. Mỗi ngày, trung bình có từ 180-200 lượt người đến đây giao dịch nên việc các cán bộ ở đây tăng ca là “chuyện thường ngày”. Ông Dương Văn Em - cán bộ xã - nói: “Sáng nay có đông người đến làm các thủ tục nên đến 11g, vẫn còn gần 20 người ngồi đợi. Chắc sáng nay, chúng tôi phải làm đến 12g mới xong”.
Đảo một vòng các ban chuyên môn của UBND xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi thấy những chiếc bàn làm việc ở mọi nơi đều chất các tập hồ sơ dày cộm chờ giải quyết, nhiều nhất là hồ sơ thuộc lĩnh vực địa chính, xây dựng. Bà Trần Thị Thái Nguyên - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B - cho hay xã có 37.180 hộ với hơn 146.000 dân nhưng cán bộ UBND xã chỉ có 33 người, gồm 11 cán bộ chuyên trách, 8 công chức và 14 cán bộ không chuyên trách.
“Tuy tôi nhận công tác ở UBND xã Vĩnh Lộc B chưa lâu, nhưng tôi thấy anh em ở đây phải giải quyết lượng công việc nhiều gấp 2-3 lần các xã loại I khác. Để chạy việc, anh em phải làm đến 20g kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Có lúc nhiều tháng liền, anh em không có ngày nghỉ” - bà Trần Thị Thái Nguyên kể.
16g, chị Trương Thị Bẽo - 39 tuổi, quê ở tỉnh Bình Thuận - vội vã cầm tập hồ sơ rời UBND P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân để kịp sang phường khác làm thủ tục sao y. Chị cho biết, do cần giấy tờ để nộp vào sáng mai nên hôm nay, chị xin nghỉ làm trước 1 giờ để đến UBND P.Bình Hưng Hòa A làm thủ tục sao y. Đến nơi, nhìn những hàng ghế chờ ở khu vực tiếp nhận hồ sơ kín người, lo chưa đến lượt mình thì hết giờ hành chính, chị phải chạy vội sang UBND phường khác cho kịp.
Bình Hưng Hòa A là phường đông dân nhất quận Bình Tân với dân số 125.894 người, nhiều gấp 8,39 lần so với mức tiêu chuẩn chung. Trong khi đó, UBND phường chỉ có 35 biên chế, gồm 15 công chức, 6 cán bộ chuyên trách và 14 cán bộ không chuyên trách.
Trong năm 2021, UBND phường này đã giải quyết 113.449 hồ sơ, vụ việc, tức bình quân mỗi cán bộ giải quyết 3.241 hồ sơ, vụ việc/năm. Cũng trong năm 2021, mỗi cán bộ UBND xã phải tham mưu ban hành bình quân 628 văn bản. Hiện tại, một cán bộ ở UBND P.Bình Hưng Hòa A phải đảm nhận khoảng 30 đầu việc. Có những chức danh phải làm rất nhiều đầu việc như phụ trách kinh tế (45 đầu việc), phụ trách thủ quỹ - văn thư - lưu trữ (35 đầu việc).
Ông Nguyễn Văn Ngân - Chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A - thông tin: “Hiện UBND phường có 15 công chức nhưng phải bố trí 4 công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, số còn lại làm chuyên môn nên rất khó khăn trong giải quyết công việc. Đặc biệt, công chức được phân công tiếp nhận và xử lý thông tin từ cổng 1022 là khổ nhất, do có những nội dung phải xử lý trong vòng 2 giờ kể từ lúc tiếp nhận phản ánh, bất kể ngày đêm. Do đó, để nâng cao chất lượng phục vụ dân, cán bộ ở phường phải tăng giờ làm, tăng công suất làm việc”.
Cần có cơ chế đặc thù cho địa bàn đặc thù
TP.HCM có đến 41 phường, xã, thị trấn từ 50.000 dân trở lên, đông gấp ba lần so với quy định về quy mô dân số theo tiêu chuẩn phường thuộc quận; trong đó, nhiều xã, phường có dân số trên 100.000 người. Riêng Q.Bình Tân có 10/10 phường đều vượt tiêu chuẩn về quy mô dân số cấp phường thuộc quận; trong đó, phường đông dân nhất vượt 8,39 lần, phường thấp dân nhất vượt 2,2 lần.
|
Người dân tra cứu thông tin trên bảng điện tử ở trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc A |
Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, phường có 15.000 dân thì được bố trí tối đa 37 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, bình quân một người phục vụ tối đa 405 người dân. Số lượng cán bộ này là chưa phù hợp với các xã, phường, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, đang trong quá trình đô thị hóa.
Với khối lượng công việc và nhu cầu giải quyết hồ sơ của người dân ở TP.HCM, 36-37 cán bộ chỉ có thể đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ đối với phường có dân số tối đa 50.000 người, trung bình một cán bộ phục vụ khoảng 1.350 dân. Đối với các phường có dân số đông hơn, số lượng cán bộ như hiện nay rất khó đảm đương và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Do đó, giới chuyên môn đề xuất, cần xác định những phường có dân số từ 50.000 người trở lên là “phường đông dân”, có quyền cơ cấu lại cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách.
Theo UBND xã Vĩnh Lộc A dự báo, đến cuối năm 2022, dân số xã Vĩnh Lộc A sẽ tăng lên 200.000 người. Với số đầu việc như hiện tại, cán bộ UBND xã khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Lại Thị Bích Trâm nói: “Giải pháp cho bài toán này là tăng cán bộ, công chức theo số dân. UBND xã Vĩnh Lộc A đề xuất, cứ 5.000 dân thì bố trí một cán bộ, công chức”.
UBND xã Vĩnh Lộc A cũng đề xuất tăng hệ số lương cho cán bộ không chuyên trách ở phường, xã đông dân theo thời gian ba năm mà không phân biệt chuyên trách hay không chuyên trách, nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng và thuận lợi trong phân công công việc. Đối với cán bộ kiêm nhiệm, cần có phụ cấp công việc.
Trong khi chờ chủ trương, chính sách mới cho các xã đông dân, UBND xã Vĩnh Lộc A kiến nghị, cơ quan thẩm quyền cho phép chủ tịch UBND xã được ký hợp đồng lao động để kịp thời giải quyết nhiệm vụ chung và sử dụng nguồn kinh phí kết dư hằng năm hoặc nguồn do UBND huyện cấp bổ sung trong kinh phí khoán để chi trả thù lao cho người lao động diện hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Bình Hưng Hòa A có đủ tiêu chuẩn về dân số nhưng không đủ tiêu chuẩn về diện tích để tách phường. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, UBND phường kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ cho phép bố trí, bổ sung cán bộ đối với phường có trên 50.000 dân, theo hướng cứ thêm 10.000 dân thì bố trí thêm một công chức hoặc cán bộ không chuyên trách; phường trên 100.000 dân nhưng không đủ điều kiện tách phường thì bố trí thêm một phó chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực kinh tế - môi trường, đồng thời tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ xã, phường có đông dân.
Bà Trần Thị Thái Nguyên cho rằng, các cơ quan chức năng nên xem xét lại việc phân bổ nhân sự cấp xã, phường, thị trấn. Với địa phương đặc thù như TP.HCM, cần phân bổ cán bộ theo dân số để cán bộ đảm đương tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Bà nói: “Nếu không tăng được biên chế, cần cho phép người đứng đầu địa phương ký hợp đồng tuyển dụng thêm một số người, kèm theo đó là bổ sung tài chính để trả lương. Tuy nhiên, hướng giải pháp này sẽ khó thu hút cán bộ hợp đồng gắn bó lâu dài. Ngoài ra, pháp nhân và chức danh của cán bộ hợp đồng cũng khiến họ gặp khó khăn trong công việc”.
Vì sao TP.HCM dư hơn 5.700 công chức, viên chức? Tại cuộc họp báo chiều 30/6, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cho biết, việc TP.HCM có số lượng công chức, viên chức vượt chỉ tiêu quy định là do có yếu tố lịch sử, chứ không phải mới xảy ra. Cùng với đó, TP.HCM có dân số đông, lượng công việc cần giải quyết rất nhiều nên số lượng công chức, viên chức cao mới đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù của thành phố. “TP.HCM hiện đã và đang tiếp tục rà soát để làm sao việc thực hiện biên chế vừa đúng quy định của Trung ương, vừa đảm bảo được nhu cầu công việc của thành phố”, ông Phạm Đức Hải thông tin thêm. Nhiều năm qua, UBND TP.HCM nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ cho phép tăng số cán bộ ở cấp xã, phường hoạt động không chuyên trách nhưng không được chấp thuận. Theo Bộ Nội vụ, dân số chỉ là một trong những tiêu chí phân loại phường, xã nên không đủ cơ sở để xét tăng số lượng cán bộ không chuyên trách. |
Sơn Vinh