Ngày 3/10, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết chỉ từ ngày 2/10 đến trưa 3/10, địa phương này đã tiếp nhận gần 20.000 người dân từ TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ tự phát trở về quê. Hiện địa phương này không còn đủ năng lực cách ly nên sẽ tạm ngưng tiếp nhận người dân trở về trong 15 ngày, kể từ hôm nay (3/10).
|
Dòng người đang đổ về quê ở các tỉnh thành miền Tây, nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh có thể xảy ra |
Tổng cộng số người đã được tiếp nhận trên địa bàn Sóc Trăng lên đến gần 30.000 người, kéo theo việc vượt khả năng tiếp nhận cách ly, chăm sóc y tế… dù địa phương đã cố gắng hết sức để sắp xếp.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng mong bà con đồng lòng, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh nhà để vượt qua đại dịch. Sau 15 ngày, ngay khi có thể, Sóc Trăng sẽ có thông báo kế hoạch tiếp nhận tiếp theo.
Ông Trần Văn Lâu còn cho biết thêm, để kiểm soát tốt dòng người tự phát trở về quê, tỉnh đã liên hệ với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất việc tạm ngưng tiếp nhận người dân trong vòng 15 ngày.
Đối với gần 30.000 người đã tiếp nhận, Sóc Trăng hiện đã phân bổ về các huyện thực hiện các công tác phòng dịch theo quy định. Bên cạnh đó, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người đã điều trị khỏi COVID-19 sẽ được theo dõi y tế tại nhà nhằm giảm áp lực cách ly, chăm sóc y tế.
Trước đó, cũng để chuẩn bị cho số F0 tăng cao trên địa bàn, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cho triển khai hoạt động Bệnh viện điều trị COVID-19 tại tỉnh Sóc Trăng. Bệnh viện mới nhất của địa phương này có quy mô 150 giường bệnh nhằm thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
|
Bệnh viện điều trị COVID-19 vừa được triển khai hoạt động vào sáng nay, 3/10, tại Sóc Trăng |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, nguy cơ dịch bệnh bùng phát do các yếu tố từ bên ngoài xâm nhập vào địa phương, nhất là người dân ở ngoài tỉnh tự phát trở về bằng các phương tiện cá nhân, là rất lớn.
|
Một nhóm người tự phát về quê ở miền Tây bằng xe gắn máy |
Báo cáo mới nhất của Sóc Trăng cho biết, kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 4/7, đến nay toàn tỉnh đã có 1.329 trường hợp nhiễm COVID-19.
Riêng với tỉnh Trà Vinh, Sở Y tế tỉnh này cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ, từ trưa 1/10 đến trưa 2/10, tỉnh tiếp nhận khoảng 2.000 người. Đa số người về từ vùng dịch nên phải đưa vào các khu cách ly tập trung và đã phát hiện 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
|
Dòng người về quê ngay trên cầu Cổ Chiên, cửa ngõ vào Trà Vinh - Ảnh: Hoài Phong |
Ngành y tế địa phương hiện rất lo lắng vì nếu lượng người này không được kiểm soát tốt, nguy cơ tái bùng phát dịch ở tỉnh rất lớn, trong khi khả năng điều trị tối đa của tỉnh chỉ khoảng 1.100 F0.
Nhằm chuẩn bị tiếp nhận thêm dòng người đang đổ về trong khi các khu cách ly tập trung đã quá tải, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã phải trưng dụng các nhà văn hóa, trung tâm thể thao... làm nơi cách ly.
|
Một phụ nữ chở con nhỏ và hành lý về quê được ngành chức năng hỗ trợ để tiếp tục hành trình |
Theo quy định, người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả PCR âm tính thì cách ly tại nhà, dưới sự giám sát của địa phương. Những trường hợp còn lại phải cách ly tập trung, người dân tự trả phí cách ly và xét nghiệm.
Tại An Giang, vào ngày 1 và 2/10 đã có hơn 7.000 người chạy xe máy về địa phương, riêng vào ngày đầu tiên TPHCM nới lỏng điều kiện di chuyển, 1/10, khoảng 2.800 người. Tất cả số người về trên đã được lực lượng chức năng đưa vào các điểm tập trung tại 5 điểm trường tại phường Mỹ Thạnh và Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) để sàng lọc từng đối tượng, phân loại người đã tiêm 1 mũi vắc xin, 2 mũi vắc xin, người về từ địa phương thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg và người có nhu cầu được cách ly tại các nhà nghỉ khách sạn… để bố trí cách ly hợp lý.
|
Người dân về quê ngay cửa ngõ vào An Giang |
Đồng thời, tổ chức test nhanh ngay trong đêm cho người dân, các trường hợp âm tính bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố đưa về địa phương bố trí điểm tập trung và điểm cách ly; nếu có các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, TP. Long Xuyên sẽ giữ lại để theo dõi, điều trị.
Sau khi thực hiện xét nghiệm, ngành chức năng đã phát hiện hàng chục trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
|
Ngành chức năng tỉnh An Giang phát cơm, nước uống cho người dân tại các chốt kiểm soát |
Hiện dòng người trở về vẫn còn đông tại các cửa ngõ vào An Giang. Trước tình hình trên, chính quyền tỉnh An Giang đã huy động tối đa công suất cách ly 10.000 chỗ, nhưng đã quá công suất.
Một thống kê mới đây của Bộ Công an, hiện có khoảng 3,5 triệu người thuộc các địa phương trong cả nước làm việc tại TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai thì có đến 2,1 triệu người muốn về quê. Dù 4 địa phương này có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, song các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch.
Ngày 3/10, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc về việc chưa áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Hai ngày qua, số lượng công dân Cà Mau trở về từ các tỉnh, thành phố rất lớn, với trên 6.000 người. Trong đó, có nhiều người trở về từ các địa phương là vùng dịch (kết quả xét nghiệm ngày đầu tiên cho hơn 1.000 người, đã có 25 người dương tính với SARS-CoV-2). Trong những ngày tới người dân sẽ tiếp tục về, nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, tỉnh Cà Mau chưa áp dụng quy định về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh từ thời điểm 0g ngày 4/10; thời gian áp dụng sẽ được thông báo sau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu người dân không ra đường khi không có việc thực sự cần thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Đông Phong