Dàn đồng ca không có nhiều bất ngờ, không có những cảnh quay lộng lẫy; tất cả tập trung vào bối cảnh chính là ngôi trường Fond de L’étang và âm nhạc, vậy thôi mà hấp dẫn người xem bởi cảm giác mộc mạc, chân thành. Cùng với những người thầy trứ danh trong các bộ phim khác, thầy Mathieu một lần nữa khẳng định: Không thể giáo dục bằng lời lẽ sáo rỗng mà hãy dẫn dắt học trò bằng trái tim người thầy.
Không đứa trẻ nào đáng bị bỏ đi
Dàn đồng ca được đặt trong bối cảnh nước Pháp đầu năm 1949 bị tổn thương nhiều sau Thế chiến thứ hai. Tại một vùng nông thôn, có một ngôi trường nội trú đặc biệt dành cho những nam sinh mồ côi cha mẹ trong chiến tranh và cả những em có hoàn cảnh khó khăn được ba mẹ gửi vào. Trường tên Fond de L’étang (Đáy ao), một ẩn dụ cho thấy trong mắt nhiều người, các em như đáng bị bỏ đi. Thế nhưng, người giám thị mới về trường lại nghĩ khác. Đáy ao thì đã sao? Những đứa trẻ vì hoàn cảnh mà trở nên cá biệt thì đã sao? Đứa trẻ nào chẳng cần được nâng niu. Đứa trẻ nào chẳng cần khơi gợi ước mơ và được người thầy tìm thấy một khả năng nào đó.
|
Dẫu không phải là “nhà giáo chuyên nghiệp”, thầy Mathieu đã cảm hóa được những đứa trẻ ngỗ nghịch bằng “giáo án” tình thương và sự tôn trọng |
Mới vào trường, ông nhạc sĩ già - bây giờ là ông giáo già - đã vấp ngay những cú quậy phá kinh thiên của đám học trò. Chúng gọi ông là đầu hói, chúng giăng bẫy ngay trong cửa phòng của “cha” Maxence - một người kiêm nhiệm đủ thứ trong trường - khiến Maxence suýt mù mắt. Những ngày đầu, thầy Mathieu mệt mỏi nhưng không tuyệt vọng. Có lẽ vì ở bên bọn trẻ, thầy đã nhìn thấy ánh sáng? Bằng tình yêu thương, thầy đã tìm cách để các học trò trở lại với sự hiền hòa vốn có của những đứa trẻ. Ông đã cho chúng viết lên ước mơ của mình về người mà sau này chúng muốn trở thành.
Mathieu đã bao che cho những lần phạm lỗi của học trò, luôn thay bằng một hình phạt khác giúp bọn trẻ biết tự sửa mình như cách ngầm phá bỏ nội quy cứng rắn của trường Đáy ao. Khi tìm ra thủ phạm giăng bẫy phòng Maxence là Le Querrec, thay vì cho vào phòng tạm giam, Mathieu đã không tiết lộ lỗi lầm của em và hình phạt là buộc em hằng ngày chăm sóc vết thương của Maxence như một hành động tình nguyện đẹp đẽ.
Khi nghe đám học trò hát nhạc chế về mình, thay vì giận dữ, Mathieu biết rằng chúng thích hát và nghĩ ngay đến một dàn đồng ca. Vậy là ông lại cặm cụi viết nhạc - một việc ông đang cố quên lãng. Dàn đồng ca ra đời đem lại cho ngôi trường vốn xám xịt, lạnh lùng - như màu sắc của đoạn đầu phim - một sinh khí mới và ngôi trường đã ấm áp dần lên. Âm nhạc đã gắn kết mọi người và đánh thức sự hiền hòa trong mỗi người. Những đứa trẻ chăm chỉ học hát đã bớt quậy phá, thầy dạy toán hóa ra còn yêu âm nhạc hơn cả môn dạy của mình, thầy hiệu trưởng hay cáu kỉnh cũng chơi trò phóng tàu bay giấy với nụ cười trẻ thơ… Có âm nhạc, Mathieu phát hiện ra giọng ca thiên thần của Morhange và nuôi dưỡng nó.
|
Dàn đồng ca đã đưa Jean-Baptiste Maunier trở nên nổi tiếng trong vai trò ca sĩ và diễn viên, thành thần tượng của giới trẻ |
Nhưng không phải mọi điều đều tốt đẹp. Cậu học trò hung hãn từng được đưa đến trường trong vài ngày đã quay lại đốt trường vì một chuyện hiểu lầm. Thầy Mathieu bị sa thải. Thầy hiệu trưởng Rachin cũng bị sa thải sau một đợt thanh tra. Giáo dục chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Công việc đó đòi hỏi lòng khoan dung và sự nhẫn nại của những người thầy. Việc cảm hóa những đứa trẻ cá biệt càng khó khăn. Sẽ có những đứa trẻ thầy cô chẳng bao giờ cảm hóa được và có những người thầy làm giáo dục không phải vì lòng say mê.
Kết phim buồn nhưng không nhuốm màu u ám. Lũ học trò đã nhận ra rằng trong quãng thời gian ngắn ngủi có thầy Mathieu ở trường, các em được yêu thương, được tôn trọng, được răn dạy và được tha thứ. Thầy làm cho các em biết tự nâng mình lên và nhấc mình ra khỏi đáy ao. Càng về cuối, màu phim càng tươi tắn hơn, cánh cửa trường mở ra con đường dài phía trước như niềm hy vọng về tương lai các em.
Giản dị và tinh tế
Xuyên suốt bộ phim là những điều giản dị. Dàn đồng ca kể một câu chuyện không có gì mới mẻ nhưng vẫn đủ sức giữ chân khán giả suốt gần 100 phút phim. Ở đó, ta thích thú vì tìm thấy những tình tiết vô cùng tinh tế và những kiểu hài hước đặc trưng Pháp. Chỉ một khoảnh khắc máy quay lướt qua một em cắn bút khi viết về ước mơ của mình đã khiến khán giả cảm động bởi trước đó có ai quan tâm các em mơ về điều gì và em cũng đã quên ước mơ của mình. Chỉ một hành động ôm đầu Le Querrec vào lòng khi cậu bé hoảng sợ nhìn cha Maxence được đưa đi cấp cứu sau trò đùa tai hại của mình, người xem biết thầy Mathieu khiến cậu bé cảm thấy được che chở và cảm thông.
|
Âm nhạc trong Dàn đồng ca là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của phim |
Việc Mathieu cho giọng ca chính Morhange - cậu học trò có giọng hát tuyệt vời và là niềm hy vọng của ông - ra khỏi dàn nhạc khi cậu phạm lỗi đã dạy cho cậu bài học: Không ai là không thể thay thế. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, cậu bất ngờ được gọi lại. Ánh mắt Morhange khi ấy lấp lánh niềm vui, không phải chỉ vì được hát mà trên hết là vì được tha thứ.
Chỉ cần câu thoại “Em làm giá đỡ nhạc cho thầy” khi Corbin không hát được hoặc khi Mondain bị bắt đi, Mathieu đã thốt lên: “Giọng nam trung duy nhất của tôi”… đủ thấy với ông, không đứa trẻ nào vô dụng, không có cuộc đời nào đáng bị bỏ đi. Mathieu không phải là “nhà giáo chuyên nghiệp”, ông làm được những điều ấy đơn giản bằng “giáo án” tình thương và tôn trọng.
Âm nhạc trong Dàn đồng ca quá hay và là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của phim. Các ca khúc trong phim được viết bởi nhạc sĩ Bruno Coulais và được những giọng ca trong trẻo của dàn đồng ca thiếu niên Les Petits Chanteur Saint-Marc thể hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nicolas Porte.
Dàn đồng ca là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Christophe Barratier. Phim có kinh phí chỉ khoảng 5,5 triệu USD nhưng đã đem về doanh thu 83,6 triệu USD. Tại Oscar lần thứ 77, Dàn đồng ca được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và Ca khúc trong phim hay nhất. Ngoài ra, tác phẩm này còn giành một giải Quả cầu vàng, ba giải BATA và tám đề cử giải César (giành hai giải). Công chiếu vào đầu năm 2004, bộ phim thu hút 8,5 triệu lượt người xem tại rạp trong mười tuần đầu tiên và trong đợt phát sóng trên đài France 2 đã thu hút 11,5 triệu người xem. Đây được đánh giá là một trong những bộ phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp. |
Sau khi phim công chiếu, các ca khúc trong phim đã trở thành những tác phẩm độc lập và Les Petits Chanteur Saint-Marc đã ra khỏi biên giới nước Pháp để lưu diễn khắp thế giới. Các ca khúc với giai điệu và ca từ tươi sáng, chứa chan hy vọng được đưa vào đúng nơi giúp tăng thêm cảm xúc cho người xem. Cảnh các em ở tầng cao thả tàu bay giấy, hát và những bàn tay nhỏ vẫy chào tạm biệt thầy giám thị Mathieu như một lời động viên - cho thầy hay cho chính các em đều hợp lẽ.
Trailer phim Dàn đồng ca:
Ca khúc Vois sur ton chemin (tạm dịch: Nhìn con đường em đi) được đề cử ở hạng mục Ca khúc hay nhất tại giải Oscar lần thứ 77 có những đoạn đầy cảm xúc.
Ngoại trừ các diễn viên gạo cội như Gérard Jugnot (vai thầy Clément Mathieu) hay François Berléand (vai thầy hiệu trưởng Rachin)… các nhân vật học sinh là những diễn viên không chuyên từ các trường học tại thành phố Clermont-Ferrand thuộc vùng Auvergne (Pháp). Các em đã đem đến cho bộ phim sự trong sáng, tươi mới của những cậu bé lần đầu đến với điện ảnh. Diễn viên sinh năm 1990 Jean-Baptiste Maunier (vai Pierre Morhange) trước đó là thành viên của dàn nhạc Les Petits Chanteur Saint-Marc, sau bộ phim này đã trở nên nổi tiếng trong vai trò ca sĩ và diễn viên, trở thành thần tượng của giới trẻ.
Lam Hạnh