Thông cáo báo chí do Sở Xây Dựng Đà Nẵng phát đi ngày 17/4, liên quan đến quy hoạch dự án Bất động sản và Bến du thuyền (dự án Marina Complex) tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, trước phản ứng của dư luận rằng dự án này ảnh hưởng đến sông Hàn, khẳng định: Việc xây dựng đê, kè của dự án này đã được nghiên cứu kỹ, không ảnh hưởng đến dòng sông và hạ tầng trên bờ… Tóm lại là dư luận Đà Nẵng mấy ngày qua xôn xao chuyện dự án lấn sông sẽ chặn họng, bóp cổ sông Hàn, là lo… hão. Cũng có một ý kiến từ Sở Xây dựng, rằng thời Pháp cũng đã làm kè ở đây chứ không phải là bây giờ mới có sáng kiến… lấn sông.
Kè nắn dòng thiết kế từ thời Pháp (có ngọn hải đăng) nước có thể chảy hai bên nhưng nay đã bị bao lại đổ đất lấp gần hết
Đây là 1 trong 12 dự án bị Thanh tra Chính phủ điểm danh sai phạm, cụ thể là chính quyền Đà Nẵng “xé” Luật Đất Đai và Nghị định 61, bán không qua đấu giá; hơn 1 ngàn m diện tích tăng thêm không được thu tiền. Thông tin báo chí có được, là nhà đầu tư dự án trên được thành phố bán với giá 3,5 triệu đồng/m/117.311 m. Rồi đây, số tiền… quên thu trên, chắc sẽ được thu lại, nhưng chữ ký của lãnh đạo Đà Nẵng chà, chèn trên cả luật, chỉ còn cách là đối diện với pháp luật, như hàng chục dự án đất vàng tại thành phố này được ký theo kiểu “bán trời không văn tự”, khiến đến giờ đã có 20 vị từ nguyên chủ tịch đến lãnh đạo sở ngành dắt nhau xộ khám.
Không phải bây giờ dân Đà Nẵng mới kêu la khi sông Hàn bị …chém. Từ năm 2015, dư luận đã lên tiếng phản đối những dự án rắp tâm lấn sông, xẻ thịt mặt nước phân lô bán nền. Thế nhưng, những tiếng kêu của dân, của giới chuyên môn trôi hết ra biển, để bây giờ là chình ình 5 dự án trên sông từ nhà hàng, biệt thự đến bến du thuyền. Giới bất động sản cho hay, tới thời điểm này, những căn hộ sát sông này, giá phải tròm trèm 80 triệu đồng/m2. Phải là đại gia cỡ bự mới đủ sức chen vào làng Euro Villa phía trên cầu Rồng. Cũng tại gần đó, một dự án lấn sông nữa sắp ra đời.
Bán và bán. Chính quyền, khi ngân sách cạn kiệt bởi đất đã bán hết rồi, dịch vụ, ngành nghề thu lại chẳng mấy hột, nên chỉ còn bán mặt nước mới hòng đắp đủ. Đất trên Sơn Trà, Bà Nà cũng đã bán. Câu chuyện sông Hàn bị lấn, chính quyền và giới khoa học, những ý kiến tâm huyết của người dân, gần như là chưa hề đồng pha. Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Qui hoạch Đà Nẵng, ví dự án Marian Complex như cục máu đông ở cửa sông, chắc chắn sẽ tác động xấu đến dòng chảy. Quan điểm từ chính quyền, rằng thời Pháp cũng từng làm bờ. Vậy thưa rằng, hồi đó họ làm không lấn ra như bây giờ, và quan trọng hơn, là lúc đó có biến đổi khí hậu như bây giờ không? Đà Nẵng tự hào chưa từng bị lụt, nhưng trận lụt năm 2018 là đòn choáng váng khiến cả thành phố sững sờ. Nước không thoát được, do hệ thống cửa thoát kém, qui hoạch tệ hại. Chấm hết. Đó là ý kiến từ người có trách nhiệm, tất nhiên các dự án lấn sông dại gì mà thêm vào chùm nghi ngờ nguyên nhân. Nhưng, dân thì nghi ngờ. Có dự án lấn ra sông đến 50m, hỏi nước có chảy tốt như ban đầu không, khi lũ lụt ngày một dữ dằn.
Hiện chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề theo giấy phép xây dựng được cấp. Khu vực ven sông phía Tây đường Lê Văn Duyệt đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện... Tóm lại là chuyện đã rồi, bởi làm gì có chuyện dự án sẽ dừng lại, sẽ ”trả sông lại cho sông”, khi đồng tiền đã đâu vào đó rồi.
Cửa sông Hàn trước khi bị dự án đổ đất lấn sông
Chuyện sông Hàn bị băm nát, khác chi sông Sài Gòn bị lấn xây như thác lũ, ai kêu la cứ kêu, rát họng thì dừng. Mới thấy, khi nhà nước toàn quyền quản lý đất đai, thì đây là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tài sản cộng đồng bị bán, bị tước đoạt, sang tên đổi chủ, mà hậu họa của nó là khôn lường nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm. Sông là tài sản cộng đồng, không ai được nhân danh bất kỳ thứ gì để cưỡi trên lưng nó. Di sản của công ở xứ mình, xem ra đám đông dân chúng chưa hề có quyền. Đó là nghịch lý chua chát, bởi thử kêu kiện đòi sông đi, thắng được, thưởng thêm kẹo.
Bán cho cố đi rồi mua lại. Ai đó nói chua chát như thế, khi lãnh đạo Đà Nẵng đăng đàn quyết mua lại sân Chi Lăng khi bán đứt 1400 tỷ đồng cho tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, trong khi sân này đang là tài sản phát mãi thi hành án; quyết mua lại bến Du thuyền của Vũ ”nhôm” 100 tỷ đồng... Giả sử mua được, thì xin hỏi, tiền ai ? Giả sử nữa, nếu mai mốt có... thiên sứ nhà trời xuống, nói 5 cái bến du thuyền, biệt thự lấn sông Hàn khiến Đà Nẵng nổi sóng kia buộc phải đập, thì tiền đâu mà trả cho người ta? Tiền ngân sách, tiền thuế dân chứ ai. Nhưng chừng đó chưa đủ. Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Giá phải trả cho lòng tham từ phá sông, bạt núi, không tính được bằng tiền.
”Sông có lạnh đâu, cứ gọi Hàn”. Giờ thì thấy lạnh rồi, nhưng dân lạnh, còn quan chức có hay không, không biết.
Gắn biển số nhà, chỉnh trang đường làng, mạnh tay phạt “nguội” chó thả rông, môi trường sống ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ngày càng sạch đẹp...