Đàn con thất bại khi thuyết phục cha bán đất

07/06/2019 - 05:30

PNO - Con cái nhòm ngó miếng đất của cha, không khí trong nhà trở nên ngột ngạt, chẳng ai gây gổ ai, nhưng thấy rõ sự bất hòa. Hàng xóm, có người bán 100 mét vuông đất là làm được đủ chuyện. Ông thấy hết, biết hết...

Người dân nhập cư ngày càng đông, khiến đất ngoại thành quê ông sốt xình xịch. Ngôi nhà cấp bốn lọt thỏm giữa khu vườn rộng. Mùa này, nhà ai nắng nóng không biết, chứ riêng nhà ông thì mát. Đó là lời nhận xét của bất kỳ ai chạm chân lên hàng hiên nhà ông. Khu vườn rộng chừng một công đất, chủ yếu trồng cây ăn trái như xoài, ổi, bưởi. 

Dan con that bai khi thuyet phuc cha ban dat
Ảnh minh họa

Mảnh vườn này nuôi bốn người con trưởng thành. Các con ông, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Cách đây chừng mười năm, đường sá quê ông toàn đất đỏ; trường học, trạm xá đều tạm bợ. Từ ngày dân nhập cư ở đông, chương trình nông thôn mới đến gần với người dân, thì giá đất bị thổi lên chóng mặt.

Các con bàn với ông đốn hết vườn cây, dịch chuyển ngôi nhà sang một góc vườn, làm mới lại cho khang trang, rồi mở quán cà phê là hốt bạc. Dĩ nhiên phải bán bớt 100m2 đất để đầu tư làm nhà, làm quán. Các con không cho ông làm vườn nữa, bảo ông già rồi nên nghỉ ngơi, vả lại thu nhập từ vườn cây ăn trái mỗi năm một teo tóp, cho nên phải chuyển hướng làm ăn khác. 

Nghe các con nói cũng có lý, nhưng còn lâu ông mới bán đất. Đất này là đất của ông bà để lại, mà người đẻ chớ đất có đẻ đâu, không mua thêm thì thôi, chớ ông nhất định không bán, dù giá có tăng tốc cỡ nào cũng không. Xưa nay ông chưa bao giờ lấy quyền làm cha mà áp đặt các con, dù bất cứ chuyện lớn nhỏ gì. Nhưng lần này khác.

Ngày trước vất vả bao nhiêu mà ông vẫn quyết giữ đất, huống gì bây giờ các con trưởng thành. Làm vườn lúc này, không đơn giản vì tiền, mà làm để được lao động, được thấy mình có ích, duy trì sức khỏe. Làm vườn để có rau trái sạch, được sở hữu mảng xanh thiên nhiên. Các con bảo ông cổ hủ, mỗi thời mỗi khác, khư khư giữ đất thì lấy đâu cơ hội làm ăn. Nhưng ông thì, khi chết đi, ông sẽ chia đất cho các con, sau đó “bây muốn làm gì thì làm”, miễn khuất mắt ông là được.

Chuyện vậy, nên không khí trong nhà trở nên ngột ngạt, chẳng ai gây gổ ai, nhưng thấy rõ sự bất hòa. Hàng xóm, có người bán 100m2 đất là làm được đủ chuyện. Ông thấy hết, biết hết, nhưng đó là chuyện hàng xóm, riêng ông muốn giữ đất nhà mình. 

Ngoài vườn, ông mắc mấy cái võng. Trưa hè lộng gió ra nằm thưởng thức “máy lạnh” trời cho, thú vị nào bằng, sao mấy thằng con cứ ưng cái lạ? Cà phê xập xình, gái trai dập dìu, mới tưởng tượng, ông đã thấy mệt rồi. 

Dan con that bai khi thuyet phuc cha ban dat
Ảnh minh họa

Xưa nay ông bám vườn nuôi con. Biết là mỗi vụ thu hoạch không nhiều, nhưng tiền học phí, sách vở, quần áo, giày dép, tất cả đều từ mảnh vườn này mà ra. Bọn trẻ thức thời, thấy cái gì có lợi trước mắt là làm mà không nghĩ đến cảm xúc của người già. Cắt một miếng đất bán đi như cắt một phần máu thịt của ông vậy.

Ông “say đất” đến nỗi, rảnh là ra vườn. Lá rụng tới đâu, quét sạch tới đó. Nhắm mắt lại, ông nhớ mồn một vị trí của những loại quả đang lúc lỉu trên cây. Ông “đau” khi nhìn trái rụng. Thỉnh thoảng ra vườn, những cành nhánh bị gió giật đêm qua ngã đổ, ông nhặt lên mà lòng rưng rưng.

Đâu chỉ trồng cây ăn trái, vườn nhà ông còn có mấy luống rau họ cải, rau dền, mồng tơi, ông gọi là rau sạch. Cả đời gắn bó với mảnh vườn, nói cắt đất bán, sao nghe nhẹ tênh vậy? Nói chặt hết cây để mở quán, làm sao ông đủ sức để sống tiếp đây? Căn nhà này, dịch chuyển sang một góc vườn, nghe sao mà tội nghiệp quá. Những trưa hè mắc võng dưới hiên nhà, tiếng rì rào của cây lá nghe như lời tự tình, dìu ông đi qua những khúc quanh cuộc đời, sao con cái không thấu hiểu lòng cha?

Một người “say đất” như ông, làm sao sống nổi giữa bốn bức tường xi măng cốt thép? Cứ cho là ông lú lẫn, cũ mòn, nhưng bán đất thì… còn lâu. Ông biết các con cũng đang “say đất”. Đều là cách đầu tư có lợi từ đất, nhưng hai hướng đầu tư hoàn toàn trái ngược, từ hai thế hệ, người muốn giữ đất, kẻ muốn bán đi.

Giữ đất mới khó, chứ bán đi thì chỉ trong vòng vài nốt nhạc. Các con còn trẻ, tại sao không bay nhảy làm ăn? Ngoài đường thiếu gì cơ hội, có nhất thiết dòm ngó mảnh vườn mà người cha già đã gắn bó cả đời mình không? 

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI